Đúng là ĐBSCL đang có những vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu chỉ nhìn vấn đề trên bề mặt, rồi tiếp cận theo kiểu “đau đâu trị đó”, như thấy mặn thì ngăn sông, lũ thì bao đê, sạt lở thì làm bờ kè… thì có thể mang lại kết quả nhanh, nhưng về lâu dài thì “sức khỏe” chung của toàn hệ thống ngày càng trầm kha. Chính vì thế, để giải quyết những vấn đề của ĐBSCL thì cần thay đổi từ tư duy kiểu cơ học như trên, chuyển sang cách “phục hồi sức khỏe hệ thống”.
Có thể nói ĐBSCL đang đứng trước ngã ba đường.
Ở ngã ba đường, câu hỏi đặt ra là nên chuyển hướng hay tiếp tục dặm vá con đường cũ? Tiếp tục con đường cũ tức là phải “vật lộn” với các vấn đề nghiêm trọng nêu trên: giải quyết chuyện hạn - mặn để tiếp tục làm ra số lượng lớn lúa gạo, trái cây, thậm chí trong mùa khô ven biển mà không bị thiệt hại; Làm sao canh tác liên tục mà đất không bị vắt kiệt, người dân không bỏ xứ ra đi; Làm sao bao đê chống lũ mà không gây ngập nơi khác; Làm sao ngăn sông chống mặn mà sông ngòi không biến thành những “dòng sông đen”. Làm sao không sử dụng nước ngầm để giảm sụt lún khi nước sông không còn sử dụng được… Toàn các bài toán bất khả thi!
Vậy con đường mới là gì? Câu trả lời chính là Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ (Nghị quyết 120).
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát biển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, với tinh thần chính là “thuận thiên”, thích ứng thay vì chống lại thiên nhiên bằng mọi giá.
Có thể nhiều người thắc mắc sau 3 năm ban hành, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL đã thực hiện chưa, đạt được những gì cụ thể. Thắc mắc này là chính đáng vì nhìn bên ngoài có vẻ chưa có động tĩnh gì có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, Nghị quyết 120 là định hướng ở tầm chiến lược, cần phải có những quy hoạch, kế hoạch cụ thể để triển khai trên thực tế và việc soạn thảo các quy hoạch, kế hoạch này cần độ chín chắn, tốn thời gian. Trong 3 năm qua, để triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã cho soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐSBCL và Quy hoạch tích hợp ĐBSCL dự kiến hoàn tất trong vài tháng tới.
Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trên tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ là bản quy hoạch mang nhiều hy vọng cho vùng đất sông nước Cửu Long. Thay vì đổ tiền vào chống chọi với thiên nhiên, mùa lũ thì gồng mình chống lũ, mùa khô thì gồng mình chống mặn để duy trì sản lượng lúa gạo, nếu quy hoạch lần này tập trung đầu tư vào đường sá, logistics, và chuyển hướng nền nông nghiệp thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề và không cần phải cố giải loạt bài toán bất khả thi nêu trên.
Dẫu quy hoạch này chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại của đồng bằng, không giải quyết được những tác động từ bên ngoài như thủy điện thượng nguồn Mê Kông nhưng sẽ giúp đồng bằng khỏe mạnh hơn, có sức để đối phó với tác động từ bên ngoài. Việc chuyển hướng phát triển của cả đồng bằng có thể ví như chuyển hướng một con tàu rất lớn, rất nặng nề, đòi hỏi thời gian dài, có thể đến 10 năm, nhưng ít ra con tàu đang không tiếp tục lao theo hướng cũ nữa.
Bình luận (0)