Cấm 'hút' nước ngầm: Làm ngay trước khi quá muộn!

23/10/2019 05:21 GMT+7

Nhiều bạn đọc ủng hộ chủ trương cấm 'hút' nước ngầm để giảm sụt lún. Tuy nhiên, bên cạnh việc cấm phải đảm bảo cung cấp đủ nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Như thông tin trên Thanh Niên, UBND TP.HCM vừa có kiến nghị Bộ TN-MT ngưng cấp phép khai thác, sử dụng nước ngầm trên toàn TP.HCM. UBND TP cũng giao Sở TN-MT có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện giảm khai thác sử dụng nước dưới đất (nước ngầm), tiến đến ngừng khai thác sử dụng nước ngầm theo lộ trình, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch đáp ứng yêu cầu sử dụng để thay thế.
Theo UBND TP.HCM, hiện nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngầm của các tổ chức, cá nhân rất lớn, vượt lưu lượng có thể khai thác, làm gia tăng nguy cơ sụt lún nền đất. Bên cạnh đó, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nên tình trạng này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Không chỉ riêng TP.HCM, ĐBSCL cũng là vùng đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng do tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, vô tội vạ.

Cần thực hiện nhanh

Đa số bạn đọc (BĐ) đều ủng hộ chủ trương của TP.HCM và cho rằng cần phải tiến hành thật nhanh. "Ủng hộ việc cấm khai thác nước ngầm trên toàn địa bàn TP, tiến đến thực hiện trên cả nước. Việc này cần phải tiến hành nhanh vì nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề, vô cùng tốn kém. Tuy nhiên, để tránh xáo trộn thì các cơ quan chức năng phải lên lộ trình cụ thể chi tiết để khi chấm dứt hoàn toàn việc khai thác nước ngầm người dân phải đủ nước sạch để sử dụng", BĐ Hữu Quảng (TP.HCM) đề nghị.
BĐ Thanh Tâm (Sóc Trăng) nêu ý kiến: "Hoan nghênh các ban ngành quan tâm vấn đề nghiêm trọng, trễ còn hơn không. Các tỉnh ĐBSCL khởi động là vừa. Sóc Trăng tình trạng ngập do triều cường ngày càng nghiêm trọng, cứ khoảng rằm tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm là nước lại ngập các khu vực mà các năm trước không bị ngập".
"Việc khai thác nước giếng ngầm vô tội vạ làm thay đổi kết cấu đất bên dưới đã được các chuyên gia cảnh báo từ rất lâu. Tuy nhiên nhiều người vì lợi nhuận nên bất chấp, còn cơ quan chức năng thì chưa quan tâm đúng mức vấn đề. Muộn còn hơn không, trong nhiều việc phải làm thì cấm khai thác nước ngầm có thể thực hiện trước tiên. Việc này làm càng nhanh càng tốt", BĐ Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị.

Phải đảm bảo đủ nước sạch cho dân

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND TP.HCM thừa nhận hiện nay tình trạng người dân tự ý khai thác nước ngầm, đào giếng khoan vẫn còn nhiều, chưa kiểm soát được. “Muốn cấm thì phải có chế tài cụ thể, thậm chí xử lý hình sự chứ phạt tiền thôi cũng không ăn thua. Cứ sợ đụng chạm đến dân nghèo nhưng thực chất khai thác nước ngầm tràn lan, người nghèo mới phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Không chỉ TP.HCM mà trên cả nước cần có chính sách cấm khai thác nước ngầm từ Chính phủ, áp dụng rộng rãi với cả nước để giải quyết triệt để tình trạng này”, vị này đề xuất.
Nhiều BĐ đồng tình với ý kiến trên, bên cạnh đó BĐ cũng cho rằng đi đôi với việc chế tài mạnh thì nhà nước cũng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân để thay thế. "Trước tiên, nhà nước phải xây dựng lộ trình phù hợp, đồng thời đảm bảo các nhà máy nước đáp ứng đủ nước sạch cho người dân", BĐ Trúc Tùng (TP.HCM) nêu ý kiến.
Trong khi đó, bạn đọc Japan Nguyễn (Quảng Nam) cho rằng: "Sẽ không có trường hợp nào khai thác nước ngầm nếu nhà nước cấp nước sạch với giá rẻ hơn khai thác nước ngầm. Đơn giản vậy mà nếu cả vùng không làm được thì chắc chắn vẫn còn tình trạng khai thác nước ngầm".
Phải hành động sớm trước khi quá muộn.
Vĩnh (Cần Thơ)
Ủng hộ việc này, nên cấm hoàn toàn và có hình thức xử phạt hợp lý.
Andy (TP.HCM)
Đồng ý hoàn toàn, nhưng đừng tăng giá nước sạch.
Hiền (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.