Về những nhân vật trong tranh của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935 - 2022), nhà phê bình Nguyễn Quân viết: "Các nhân vật trên tranh của ông, từ lão ngư dân, bà bủ, bác dân quân, anh thợ lò, chú bộ đội cho tới những cô thôn nữ hay anh tự vệ thủ đô năm 1946 hay 20 năm sau đó... tất thảy đều khiến ta tin họ đều có những tên họ và số phận riêng". Điều này, theo ông Quân, là điều rất hiếm thấy trong mỹ thuật cùng thời. Nó cũng đáp ứng nguyên lý khó nhất trong các nguyên lý sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - phải mang nghĩa tượng trưng, đại diện cho một hiện thực giả định đáng mong đợi nào đó.
Cũng theo ông Nguyễn Quân, quần chúng trong tác phẩm của Vũ Duy Nghĩa có những tính cách chung là sự tự tin, suy nghĩ trầm tĩnh, thoáng những ưu tư thầm kín chứ không lạc quan một chiều. Cơ thể họ mạnh khỏe và tâm hồn họ đôn hậu, kể cả trong các tình huống không điển hình - cũng rất hiếm thấy trong mỹ thuật cùng thời - như nhục hình tra tấn hay cô đơn thống khổ... "Tôi tin rằng trong tương lai không xa, nghệ thuật Việt Nam sẽ trở lại khai thác những giá trị đã vượt qua thử thách thời gian của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa mà Vũ Duy Nghĩa là một điểm đến bắt buộc", ông Quân cho biết.
Giờ đây, công chúng có thể được ngắm các tác phẩm của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tại triển lãm Khắc chân trời của cố họa sĩ, tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 9 - 16.3.
Thông tin triển lãm cho biết họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935 - 2022), tuổi Ất Hợi, thuộc lớp họa sĩ đầu tiên tu nghiệp bài bản ở Liên Xô, rồi trở thành một trong những giảng viên uy tín nhất của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Ông Nghĩa cũng học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật, khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957). Ông sáng tác bền bỉ, độc đáo, đa dạng trên hai địa hạt đồ họa và hội họa, suốt nửa thế kỷ đất nước biến động dữ dội. Được đào tạo để làm những tác phẩm hoành tráng nhất, nhưng khi điều kiện chưa cho phép, ông vẫn nhẫn nại thực hiện những tác phẩm nhỏ nhất từ trổ giấy, vẽ bìa sách cho đến sơn mài…
Di sản nghệ thuật xã hội chủ nghĩa
Nhà nghiên cứu Nora Taylor (Mỹ) cho rằng sự tưởng nhớ, ghi nhận Vũ Duy Nghĩa khẳng định rằng kỷ nguyên Xô viết đã để lại một nền nghệ thuật tuyệt vời. "Từ những đồ họa trổ giấy, tới những tác phẩm sơn mài và những bức tranh trên giấy, ông đã là một nghệ sĩ sáng tạo sung mãn, không xu thời và chạy theo mốt. Những nét của chủ nghĩa hiện thực Liên Xô và châu Âu có thể được tìm thấy trong sáng tác của ông về công nhân nhà máy, nông dân, nhưng góc nhìn vô cùng thơ mộng, biểu cảm, đẹp đẽ và có phần phức tạp. Những tác phẩm này cũng thể hiện lòng yêu nước sâu sắc và trực tiếp", Nora Taylor nêu quan điểm.
Cũng theo Nora Taylor, rất khó để tìm thấy một nghệ sĩ trổ giấy có kỹ năng như Vũ Duy Nghĩa. Đây là loại hình nghệ thuật đòi hỏi khả năng hình dung mảng khối vừa trừu tượng vừa hiện thực, khả năng cảm nhận cả ánh sáng và bóng tối, phác thảo và lên nội dung cùng lúc, đồng thời. "Qua trổ giấy, ông khắc họa cảnh quan xung quanh bằng những khối hình màu đen, lớn, nhấn mạnh bóng đổ, phần sẫm của bầu trời, chẳng hạn như cái gai của cây xương rồng, hay những nếp nhăn trên khuôn mặt bà cụ... Tạo hình tài hoa của ông đặc biệt được biết đến trong những tác phẩm thời chiến. Cơ thể những người lính, những người lao động xuất hiện có vóc dáng mạnh mẽ và kiên cường", Nora Taylor đánh giá.
Theo Nora Taylor, "họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là ví dụ tiêu biểu cho trào lưu hướng ra nghệ thuật thế giới, đẩy mạnh, phát triển chứ không làm giảm giá trị nghệ thuật Việt Nam. Những khuôn mặt biểu đạt có hòa sắc lấp lánh trong tác phẩm của ông gợi nhớ những công nhân Xô Viết, nhưng với tài hoa của Vũ Duy Nghĩa, những bức tranh ấy đậm chất người Việt".
Bình luận (0)