Dì Sáu hét ở Lê Công Kiều

27/03/2022 05:38 GMT+7

Lê Công Kiều (Q.1), con đường bán đồ cổ hiếm hoi ở TP.HCM có sức hấp dẫn đặc biệt về văn hóa, lịch sử, cùng các chính khách tên tuổi khắp thế giới , người sưu tầm khi đến con đường này đều biết đến dì Sáu hét - một người gắn cả đời mình với nghề đồ cổ, nay đã ngoài 80.

Trong số hơn 50 cửa tiệm buôn đồ cổ, đồ mỹ nghệ cùng hơn chục tiệm vỉa hè ở Lê Công Kiều, có thể khẳng định tên tuổi của dì Sáu hét là nổi bật nhất. Bởi hễ ai đã bước vào nghề sưu tầm cổ vật, sưu tầm đồ xưa cũ ở Lê Công Kiều, đều hơn một lần làm khách hàng của nhân vật này. Nhắc đến tên Sáu, Lê Công Kiều nổi tiếng với bộ tam gồm dì Sáu lùn (theo tướng mạo), Sáu đầu bạc (mái đầu trắng như cước), cả hai đã về vườn, giờ chỉ còn lại dì Sáu hét.

Khởi đầu với nghề mua bán đồ xưa cũ, dì Sáu bám trụ ở vỉa hè Lê Công Kiều, bán sang tay tất cả những gì mua được từ thương lái vùng ven Sài Gòn, rồi cả miền Tây. Ngay đến nhóm quý cô Bình Định mang đồ cũ, đồ cổ vào Sài Gòn, muốn trôi nhanh cũng đều qua tay dì Sáu hét. Dân buôn và người sưu tập từ phía bắc như Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang… vào TP.HCM săn cổ ngoạn, tiệm vỉa hè của dì Sáu hét cũng luôn là điểm đến của mọi người.

Đẹp lão, quý phái, tính tình đầy cởi mở, thêm hào sảng kiểu cư dân Nam bộ khiến người sưu tầm ai cũng cảm mến tên gọi Sáu hét. Giá cả mua bán rất phải chăng, nên từ giới bảo tàng, sưu tầm tư nhân, người mua bán đều là khách hàng thân thiết của dì, nhưng cũng sẵn sàng chửi tung trời khi không vừa lòng - cá tính tạo nên biệt danh Sáu hét.

Gắn bó với con đường cổ vật Lê Công Kiều hơn nửa đời người, làm giàu biết bao bộ sưu tập cổ ngoạn, từng thuê được tiệm lớn, bán những món cổ vật đắt giá, rồi lại ra vỉa hè. Đến giờ ở tuổi ngoài 80, dì Sáu hét là người vô gia cư. Đồ xưa, đồ cổ ngày càng khan hiếm, cách buôn bán bây giờ dựa trên các trang mạng nên dì Sáu không còn sức cạnh tranh, tiền thuê tiệm không kham nổi nên dạt ra vỉa hè ngồi tạm, cả gian hàng chỉ còn dăm ba món rẻ tiền.

Sống qua mùa Covid-19, dì Sáu may mắn hơn nhiều người bạn hàng cùng con đường Lê Công Kiều đã mất vì đại dịch. Ngồi vỉa hè bây giờ, dì Sáu cho hay chỉ mong gặp được người thân quen cho đỡ nhớ; chuyện mua bán với một người đã qua bao thăng trầm thời cuộc không còn là hệ trọng, chỉ cầu đủ sống qua ngày đến cuối đời.

Khách sưu tầm tìm đến chợ ngày càng hiếm

LAM PHONG

Với những món đồ ít giá trị, dì Sáu hét hiện giờ buôn bán cho qua ngày, mong gặp người quen cũ

LAM PHONG

Dì Sáu hét của 15 năm trước với đôi mắt cười bên tiệm cổ vật khang trang, toàn đồ sứ xanh trắng đắt giá

LAM PHONG

Cổ vật hiếm dần, cách buôn bán giờ đây cũng khác xưa, “kho báu” ngày nào của dì Sáu hét ngày càng thu nhỏ

LAM PHONG

Món tặng thêm cho vị khách đầu tiên trong ngày, người chơi mến dì Sáu hét bởi cái tính hào sảng, chân tình ấy

LAM PHONG

Khách sưu tầm giờ lang thang trên mạng nhiều hơn là tìm ra chợ đồ cổ

LAM PHONG

Gian hàng của dì Sáu hét giờ không còn những hiện vật đắt tiền

LAM PHONG

Gian hàng của dì Sáu hét ngày càng nhỏ lại

LAM PHONG

Rớm nước mắt, dì Sáu hét tâm sự: “Cả năm Covid ở nhà trọ, ngồi đúng thế này, túi có hơn 1 triệu cũng sống qua được; có người giàu hơn tui nhiều nhưng họ “đi” rồi”

LAM PHONG

Dì Sáu hét với gian hàng đồ cũ hiện tại bày nơi vỉa hè 31 Nguyễn Thái Bình

LAM PHONG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.