Tại Khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, bé V.D (30 tháng tuổi) vừa được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật điều trị dị tật lỗ tiểu thấp. Một tuần sau mổ, tình hình sức khỏe của trẻ tốt, không bị đau ở vết mổ. Bác sĩ khuyên nên cho bé nằm thẳng, hạn chế vận động và cần theo dõi thêm.
Đại diện lãnh đạo khoa cho biết đây một trong số trẻ trai bị lỗ tiểu thấp được điều trị tại Khoa Ngoại Tiết niệu. Trung bình mỗi năm, tại đây thực hiện khoảng 200 - 250 ca phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp.
Các mức độ dị tật lỗ tiểu thấp |
Bệnh viện Nhi T.Ư |
Mẹ của bệnh nhi V.D chia sẻ, ngay từ khi bé được sinh ra, bác sĩ sản khoa đã thông báo về tình trạng dị tật bộ phận sinh dục của bé và tư vấn gia đình nên đưa bé đến cơ sở chuyên khoa tiết niệu nhi để khám và điều trị. Sau đó, gia đình đưa bé đến BV Nhi T.Ư. Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu đánh giá tình trạng dị tật của bé ở thể nặng, lỗ tiểu ở gốc dương vật, phải chờ đến khi bé 2 tuổi mới thực hiện phẫu thuật được. “Trước mổ, do lỗ tiểu của con ở gốc dương vật nên con không thể đi tiểu giống các bạn nam mà phải ngồi tiểu”, mẹ của bệnh nhi cho biết.
Ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ như thế nào?
Th.S-BS Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - BV Nhi T.Ư, thông tin: “Dị tật lỗ tiểu thấp là một bất thường về mặt giải phẫu của bộ phận sinh dục ở bé trai, bao gồm dương vật cong và lỗ tiểu nằm ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh quy đầu. Nguyên nhân chủ yếu do bất thường trong quá trình hình thành bào thai”.
Theo BS Dũng, chính vì những bất thường trong cấu tạo lỗ tiểu, tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà bị lệch xuống dưới hoặc ra sau. Nếu lỗ tiểu quá gần gốc dương vật, trẻ không đứng tiểu tiện được mà phải ngồi tiểu. Ngoài ra, có một số trường hợp hẹp lỗ tiểu, tia nước tiểu nhỏ, thời gian tiểu tiện của trẻ sẽ kéo dài. Đối với tật cong dương vật, nếu không can thiệp, việc sinh hoạt tình dục sau này sẽ gặp khó khăn khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành.
Nếu không can thiệp sớm, dị tật này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Trẻ có thể mặc cảm, tự ti vì điểm khác biệt của mình. Ngoài ra, dị tật này có thể có các bệnh kèm ở vùng sinh dục như thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, bìu chẻ đôi, dương vật thấp so với bìu…
Dị tật lỗ tiểu thấp tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể gây bất tiện đến các vấn đề liên quan sinh hoạt của trẻ. Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ nhiều hay ít phụ thuộc vào thể dị tật mà trẻ mắc phải.
Phẫu thuật điều trị
BS Lê Anh Dũng cho biết, dị tật lỗ tiểu thấp được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, có thể thực hiện khi trẻ 1 tuổi, nhưng phải phụ thuộc vào kích thước của dương vật. Nếu kích thước dương vật quá nhỏ sẽ không đủ vạt da để làm ống, quá trình phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.
Phương pháp phẫu thuật là làm thẳng cho dương vật và đưa lỗ tiểu lên về đúng vị trí tại đỉnh quy đầu. Phẫu thuật được thực hiện là tạo hình niệu đạo “một thì” hay tạo hình niệu đạo “hai thì”.
Với kỹ thuật tạo hình “một thì”, các bác sĩ sẽ làm thẳng dương vật và tạo hình niệu đạo trong cùng một lần phẫu thuật. Kỹ thuật này được chỉ định cho dị tật thể nhẹ và trung bình.
Tạo hình “hai thì” được chỉ định đối với dị tật lỗ tiểu thấp thuộc thể nặng. Ở thì một, bệnh nhân được phẫu thuật làm thẳng dương vật và chuẩn bị chất liệu để tạo hình niệu đạo cho thì hai. Thì hai, bác sĩ sẽ tiến hành tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân.
“Phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp có nhiều công đoạn phức tạp vì phải tạo hình dựng thẳng dương vật, sau đó tạo hình niệu đạo lỗ tiểu trên đỉnh quy đầu và cuối cùng là chuyển vạt da che phủ để dương vật có hình thể bình thường. Vì vậy, cha mẹ nên lựa chọn các cơ sở chuyên khoa về ngoại tiết niệu nhi uy tín, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này của trẻ”, BS Dũng lưu ý.
Lỗ tiểu thấp có thể dễ dàng quan sát được ngay sau khi trẻ được sinh ra.
Triệu chứng điển hình đầu tiên là lỗ tiểu của trẻ không nằm ở đỉnh dương vật mà nằm dọc theo mặt dưới của thân dương vật.
Dựa vào vị trí của lỗ tiểu, có thể chia dị tật này thành 3 thể:
Thể nhẹ: Vị trí lỗ tiểu nằm ở rãnh quy đầu.
Thể nặng: Vị trí lỗ tiểu nằm từ thân đến gốc dương vật.
Thể rất nặng: Vị trí lỗ tiểu nằm từ bìu đến tầng sinh môn.
Tùy thuộc vào mức độ nặng của dị tật, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật phù hợp.
(Nguồn: Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi T.Ư)
Bình luận (0)