Di tích khảo cổ học quốc gia Phôi Phối - Bãi Cọi bị lãng quên

Phạm Đức
Phạm Đức
17/11/2022 07:10 GMT+7

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi ở Hà Tĩnh được xác định là nơi giao thoa, hội tụ của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn, ẩn chứa nhiều bí ẩn đòi hỏi tiếp tục tìm hiểu, khám phá. Thế nhưng, di tích được xếp hạng cấp quốc gia này hiện nay dường như đang bị lãng quên...

Nơi giao thoa các nền văn hóa cổ

Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là một cồn đất cát rộng hơn 3 ha phân bố trên địa phận thuộc thôn 9, xã Xuân Viên, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 1974, di chỉ Phôi Phối lần đầu tiên được Viện Khảo cổ học và Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia HN) phát hiện khi thực hiện nghiên cứu dấu vết liên quan đến thời kỳ Hùng Vương ở Nghệ Tĩnh.

Người dân địa phương chăn thả gia súc trong di tích khảo cổ

PHẠM ĐỨC

Đến năm 1976, Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh phối hợp thám sát, khai quật, thu được 460 hiện vật bằng đá và 34.991 mảnh gốm, khuyên tai, rìu… với nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào đặc trưng đồ gốm, đá và mối quan hệ giữa các di chỉ trong vùng, các nhà nghiên cứu nhận định Phôi Phối là một di chỉ cư trú, niên đại hậu kỳ đá mới, thuộc văn hóa Bàu Tró.

Mùa hè năm 1977, Bảo tàng Lịch sử VN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đến khảo sát di chỉ Phôi Phối, phát hiện một số mảnh gốm, đặc biệt là 2 vòng thủy tinh màu xanh lục, cho thấy sự tồn tại của một giai đoạn muộn hơn ở khu vực này. Trong 30 năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã vài ba lần phúc tra lại di chỉ Phôi Phối, nhưng chủ yếu khảo sát trên bề mặt, không tiến hành bất cứ một cuộc thám sát và khai quật nào.

Đến tháng 11.2008, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và cán bộ UBND xã Xuân Viên đã thông báo về việc người dân đã đào được rất nhiều đồ cổ trong quá trình lấy cát, đặc biệt là đồ đồng trong khu Bãi Cọi, liền kề với di chỉ Phôi Phối được phát hiện trước đó. Nhận được thông tin trên, Bảo tàng Lịch sử VN phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tiến hành khảo sát kỹ khu vực này.

Từ năm 2008 - 2013, Bảo tàng Lịch sử VN đã phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh cùng các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước tổ chức 3 đợt thám sát, khai quật, phát hiện kho hiện vật bằng gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng... có niên đại khoảng 2.000 năm.

Qua các đợt khai quật, giới chuyên môn kết luận, Phôi Phối - Bãi Cọi hội tụ đủ yếu tố của nền văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung bộ) và Đông Sơn (khu vực phía bắc), cho thấy mảnh đất Hà Tĩnh là vùng đệm, nơi giao thoa của 2 nền văn hóa nổi tiếng thời sơ sử. Nhận thấy tầm quan trọng cũng như những giá trị đặc biệt của di tích, năm 2014, Bộ VH-TT-DL đã công nhận di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp quốc gia.

Các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật tại di tích khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi vào năm 2009

BÁCH KHOA

Di chỉ bị xâm hại

Theo ghi nhận của PV, hiện di tích khảo cổ này vẫn đang là bãi đất cát hoang vu với cỏ dại mọc um tùm, ở giữa là rừng bạch đàn. Nơi này cũng không có biển báo chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử và không có người trông coi bảo vệ. Trong di tích này cũng xuất hiện nhiều hố sâu do người dân địa phương vào đây khai thác cát trái phép để lại. Đáng nói, người dân sống gần di tích thường xuyên lùa trâu bò vào khu vực này để chăn thả.

Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du nói rằng vào năm 2008, khi đang là cán bộ của Sở VH-TT-DL tỉnh, ông đã tham gia thám sát, khai quật di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi cùng với các nhà nghiên cứu khảo cổ. Qua khảo sát, giới nghiên cứu nhận thấy đây là một di tích khảo cổ học rất quan trọng nhưng đang bị xâm hại nặng nề.

“Tôi nhận thấy điểm khảo cổ học này bị xâm hại nghiêm trọng do quá trình lấy cát của người dân địa phương. Đặc biệt, do không có người trông coi, bảo vệ nên đã có những nhóm người trộm đồ cổ đến đây đào bới, làm phá vỡ nhiều hiện vật và nguy cơ biến mất di tích khảo cổ học này. Thời điểm đó, tôi đã đích thân làm văn bản đề nghị cơ quan kiến nghị với cấp trên phải khẩn cấp cho khai quật để thu giữ các hiện vật mà tiền nhân để lại”, ông Khoa nói.

Ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh khẳng định di tích khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi là một điểm hẹn, nơi gặp gỡ của các nền văn hóa lớn thời sơ sử ở VN. Hiện nay, các hiện vật, cổ vật có giá trị khai quật được đang được Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, trưng bày. Tuy vậy, dù đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia nhưng di tích này vẫn đang hằng giờ đối mặt với sự xâm hại đến từ nạn săn tìm cổ vật và khai thác cát trái phép.

“Theo luật Di sản văn hóa thì di tích được xếp hạng phải phân thành 2 khu vực để bảo vệ. Khu vực 1 thì khoanh vùng cấm người dân, bất khả xâm phạm để bảo vệ các yếu tố gốc của di tích, còn khu vực 2 bao quanh khu vực 1 thì có thể tu bổ, tôn tạo các công trình hỗ trợ. Theo tôi thì chính quyền các cấp nên nhanh chóng tiến hành xây dựng bờ bao xung quanh để bảo vệ di tích này”, ông Công chia sẻ.

Thiếu kinh phí bảo vệ di chỉ

Trao đổi với PV, ông Bùi Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Xuân, cho hay chính quyền địa phương cũng ý thức được giá trị rất lớn về khảo cổ học của di tích Phôi Phối - Bãi Cọi, đặc biệt là trong việc nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí để xây dựng hàng rào bảo vệ, xây dựng nhà trưng bày nên di tích khảo cổ vẫn bị người dân địa phương tự do ra vào.

“Đây là di tích có diện tích rất lớn, chi phí để lập quy hoạch cũng cao nên huyện không có khả năng và tỉnh cũng hạn chế. Đặc biệt là kinh phí của Bộ VH-TT-DL về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa lâu nay cũng cắt giảm rất nhiều nên kinh phí hỗ trợ về cho địa phương rất thấp. Chúng tôi cũng rất trăn trở và hiện nay đã tiến hành lập quy hoạch toàn bộ di tích khảo cổ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước mắt, chúng tôi đề xuất tỉnh và T.Ư hỗ trợ kinh phí để làm bờ rào bảo vệ xung quanh”, ông Hùng lý giải.

Theo ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi từ trước đến nay chưa được T.Ư đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo. Hiện tại Sở này cũng đã xuất với tỉnh về phương án bảo vệ di tích và tới đây sẽ tiến hành họp bàn để thống nhất triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.