Đó là khu đất rộng hơn 10.000 m2 nằm trong Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả thuộc nền văn hóa Óc Eo, tọa lạc tại xã Đức Hòa Hạ (H.Đức Hòa), đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989.
Ảnh hưởng quyền lợi của người dân
Gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (60 tuổi, ngụ ấp Bình Tả 1) có 7 nhân khẩu, sinh sống lâu đời bằng nghề làm ruộng. Năm 1985, đoàn khảo cổ của tỉnh Long An đã đến xin khảo sát tìm cổ vật trên diện tích đất đang trồng xoài và trỉa đậu của gia đình bà. Do đoàn khảo cổ hứa chỉ đào một số rãnh nhỏ để khảo sát, làm xong sẽ trả lại đất nên bà Lâm đồng ý.
Tuy nhiên, sau khi tìm thấy một số cổ vật có giá trị vào năm 1986, đoàn khai quật không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu của mảnh đất. Toàn bộ diện tích đất vườn của bà Lâm hơn 1.000 m2 đã bị đào xới tan nát, tạo ra nhiều hố sâu nên gia đình bà không thể tiếp tục canh tác. Gia đình bà đã khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Mãi đến năm 2010, đoàn công tác gồm Bảo tàng Long An, đại diện ngành tài nguyên huyện và chính quyền xã đến gặp bà Lâm để thông báo sẽ quy hoạch khu đất đã bị đào xới trước đây của gia đình bà làm khu di tích. “Nghe có chủ trương quy hoạch, kê biên đền bù, gia đình tui rất phấn khởi. Thế nhưng sau đó mới biết phương án đền bù không tính đến phần thiệt hại thực tế mà gia đình tui phải chịu trong suốt gần 30 năm qua. Bình quân mỗi năm trên diện tích này tui trồng hoa màu và cây ăn trái, dù ít hay nhiều cũng đem về nguồn thu đáng kể cho gia đình”, bà Lâm bức xúc nói.
Với phương án đền bù này, gia đình bà Lâm không đồng ý cho quy hoạch khu di tích, nhưng sau đó khu đất đã có giấy CNQSDĐ của bà vẫn bị xây tường bao kiên cố xung quanh.
|
“Treo” vì thiếu vốn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hộ bà Lâm, nhiều hộ dân khác có đất trong khuôn viên di tích này cũng đang rất bức xúc với phương án đền bù nói trên. Được biết, sau khi có khiếu nại từ người dân, ngày 28.5.2012, HĐND tỉnh Long An đã có công văn chuyển đến UBND H.Đức Hòa xem xét giải quyết. Đến ngày 25.8.2012, UBND H.Đức Hòa có văn bản giao cho Phòng Tài nguyên và môi trường huyện tham mưu, đề xuất UBND huyện trả lời đơn kiến nghị của dân. Thế nhưng, đến nay những bức xúc của người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và dự án quy hoạch cụm di tích này vẫn còn “treo”.
Ông Phạm Văn Trấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Long An cho biết, ngoài cụm di tích nói trên, tại H.Đức Hòa còn có di tích khảo cổ An Sơn (xã An Ninh Tây) với quy mô hơn 10.000 m2. Thời gian qua Sở đã phối hợp với UBND H.Đức Hòa chỉ đạo Ban Quản lý dự án xây dựng công trình văn hóa, thể thao và du lịch ký kết hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiến hành kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng 2 cụm di tích này. Việc kê biên và lập phương án bồi thường hỗ trợ đã hoàn thành từ năm 2011, với tổng kinh phí 11,3 tỉ đồng.
“Chúng tôi đã 2 lần có công văn xin bố trí vốn để sớm kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng 2 di tích này. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có phương án bố trí vốn nên chưa thể bồi thường cho người dân, khu di tích vì thế vẫn phải “treo”. Về phản ánh của người dân đối với phần thiệt hại hoa màu trong mấy chục năm qua nhưng không nằm trong phương án bồi thường, qua xem xét cũng có cơ sở. Thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có kiến nghị UBND tỉnh xem xét sớm bố trí vốn, đồng thời có hỗ trợ phần nào cho người dân đối với phần thiệt hại này”, ông Phạm Văn Trấn nói.
T.N
Bình luận (0)