Đi tìm chữ nghĩa Nam bộ

28/04/2017 06:54 GMT+7

Chắc Cà Đao, Tha La là xứ nào? Vì sao gọi là Gái Nha Mân? Dinh Cậu hay Tràm Chim có nghĩa gì? Hạn bà chằn là gì? Lưu Linh miễn tử là biệt danh để chỉ ai?... tất cả được tác giả - TS ngôn ngữ Huỳnh Công Tín lý giải trong Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ ( ảnh ) do NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành ngày 28.4.

Các mục từ này có thể thấy trong Từ điển Từ ngữ Nam bộ (NXB Khoa học xã hội, 2007 hoặc NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, bản in có sửa đổi bổ sung năm 2009) nhưng theo tác giả Huỳnh Công Tín, các mục từ trong từ điển thường được giải thích ngắn gọn, vừa đủ thông tin cơ bản để hiểu, mà không mở rộng nội dung thông tin như ở các mục chuyện trong tập sách này. Cụ thể, mỗi mục từ của hai phần trong sách được viết khoảng 400 chữ dưới dạng một câu hỏi và một phần trả lời.
Trong phần Chuyện địa danh, có hơn 150 địa danh được đề cập đến. Tác giả cho rằng: “Người trước có tư duy đơn giản trong gọi tên, định danh vùng đất. Nói cách khác, con đường hình thành địa danh của từ ngữ có nguyên do rõ ràng và đôi khi rất đơn giản”. Tuy nhiên, ông thừa nhận khi đi vào thực tiễn từng mục từ, lý giải chuyện gọi tên không đơn giản. “Vẫn còn những lý giải khác biệt về Chằm Chim hay Tràm Chim, Nhà Bàn hay Nhà Bàng... Hay có những trường hợp đơn giản như Sơn Nam giải thích hai địa danh Ông Ra và Ông Rầy là những nơi mà cọp (được gọi kiêng dè là ông) hay “ra” và “quấy rầy” để cảnh báo dân chúng lưu ý khi đi lại nơi này. Qua thời gian hình thành địa danh Ông Ra, Ông Rầy; mà hai địa danh này dễ nhầm lẫn và được xếp lạc vào nhóm địa danh “ông + tên”. Hay như tên gọi Cần Thơ, Cần Đước, Cần Giờ, Cần Giuộc... vẫn là địa danh phổ biến, nhưng lý giải nghĩa của địa danh Cần Thơ cũng chưa có một hướng giải thích thuyết phục”, tác giả cho biết.
Phần Chuyện chữ nghĩa, trước đây đã được NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành, nay được in lại có sửa chữa và bổ sung thêm một số mục từ. Có thể thấy các mục từ được chọn thường ít được sử dụng trong giao tiếp hiện nay, như: “ăn đầu thảo, ăn công ký, ăn ong, dặm hú, quá mùa hò, thằng xà bát...”; hoặc nghĩa của các mục từ gắn liền với những sự kiện, con người trong lịch sử mà muốn hiểu phải có sự dẫn giải thêm, như: “Bạch công tử, Hắc công tử, bá hộ, dân ngũ Quảng, giấy bộ lư...”; hay những từ ngữ có những nét nghĩa cổ, nghĩa địa phương có thể tạo nên sự hiểu nhầm, ngộ nhận, như: “ngựa trớ đường, thị thiềng, thị quá, loạn cào cào, phân đồng, phần thủ...”. Tất cả giúp người đọc hình dung được một số nét đặc thù về tự nhiên, xã hội, con người vùng đồng bằng Nam bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.