Bộ đĩa sau này được cất giữ ở Kho bạc Nhà nước trong suốt những năm chiến tranh và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020.
Các đĩa này được đánh số từ 1 - 5, có kích thước và trọng lượng: Đường kính từ 19 - 24 cm, cao từ 3 - 4 cm, tổng 5 đĩa nặng 1,724 kg. Kiểu dáng của tất cả các đĩa đều được chế tác phỏng theo hoa cúc vạn thọ loại cánh to đầu tròn. Về đề tài trang trí, có 3 đĩa chạm hoa lá, 2 đĩa chạm chim phượng và hoa lá. Đặc biệt là đĩa số 5 ở mặt sau, cạnh rìa mép có chạm một hàng minh văn chữ Hán.
Bộ đĩa kể từ khi được phát hiện đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu và đã có một số bài viết về bộ đĩa đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Đầu tiên là tác giả Trần Khoa Trinh với bài Tìm hiểu những đĩa vàng bạc cổ và di tích Trần Thị Ngọc Am vợ chúa Trịnh Tráng phát hiện tại làng Cộng Vũ (Hưng Yên) đăng trên Nghiên cứu lịch sử (số 83, tr.55-59). Tiếp đến là GS Tống Trung Tín nghiên cứu rất kỹ với bài Sưu tập 5 đĩa hoa sen vàng Cộng Vũ (Hưng Yên) thời Lý đăng trong Khảo cổ học (số 4 năm 2020).
Tác giả Trần Khoa Trinh cho rằng niên đại của bộ đĩa vào thời Lê. Về chủ nhân bộ đĩa, tác giả Trần Khoa Trinh đã đọc và giải nghĩa hàng minh văn chạm khắc trên đĩa số 5 là “Vàng của công chúa Thụy Minh biếu lại nặng 8 hoa”. Đáng ghi nhận là ông đã liên hệ với các di tích xung quanh nơi tìm thấy bộ đĩa, đặc biệt là di tích bà chúa Mụa Trần Thị Ngọc Am, đệ nhất cung tần của Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 - 1657) thời vua Lê Thần Tông, rồi dựa vào truyền thuyết ghi trong bia ký và đưa ra giả thuyết có thể bà Ngọc Am khi làm vợ chúa Trịnh Tráng được phong làm công chúa lấy tên là Thụy Minh…
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng 5 đĩa này có cái đầu thời Lê, có cái muộn hơn, được coi như những vật gia bảo trong kho tàng của vua chúa, đến khi đem cho làm của riêng của Thụy Minh công chúa thì được khắc thêm chữ vào. Thụy Minh đã biếu vào ngôi chùa gần đó.
Tác giả Tống Trung Tín đã đối chiếu so sánh các họa tiết trong 5 đĩa với các hoa văn trên các di tích và khẳng định niên đại của bộ đĩa thuộc thời Lý. Còn hàng minh văn ông cũng cho rằng là được chạm thêm về sau nhưng không bàn gì. Nhưng điều đáng nói là ông đã cho rằng các đĩa có kiểu dáng hoa sen. Thực hư ra sao?
Mặt trước và hàng minh văn ở mặt sau đĩa số 5 |
Bảo tàng Hưng Yên |
Bộ đĩa được công chúa Thụy Minh cúng dường
Công nghệ thông tin và tư liệu phong phú ngày nay cho phép các nhà nghiên cứu khẳng định một cách chắc chắn là bộ đĩa có niên đại vào thời Lý. Như vậy, đồng nghĩa với giả thuyết của tác giả Trần Khoa Trinh đã hoàn toàn sụp đổ, còn thân thế của công chúa Thụy Minh như thế nào, thuộc đời vua nào, triều đại nào cho đến nay vẫn còn là dấu hỏi lớn. Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng liên quan đến lịch sử, văn hóa, nhất là bộ đĩa này hiện là bảo vật quốc gia, xin được lý giải như sau.
Là người trong nghề kim hoàn, tôi cho rằng ở đây vẫn còn manh mối, bởi qua xem xét hàng chữ cho thấy chạm khắc ở rìa mép mặt sau thì rõ ràng là vị trí của hàng chữ đó không thuộc vùng danh dự và chính thức. Điều này chứng tỏ nó không nằm trong thiết kế mà chỉ có thể là được chạm thêm về sau. Mặc dầu là vậy nhưng nó cũng chỉ ra chủ sở hữu bộ đĩa là công chúa Thụy Minh, nhưng vấn đề là công chúa biếu lại cho ai và hàng minh văn đó công chúa cho khắc hay nơi được biếu cho khắc.
Với nội dung minh văn đã được tác giả Trần Khoa Trinh dịch và giải nghĩa thì chỉ có thể được hiểu là nơi được biếu đã cho khắc và nơi đó cũng chỉ có thể là chùa, bởi thời Lý rất sùng đạo Phật và xem đạo Phật là quốc giáo, các vua Lý cũng thường cho đúc tượng Phật bằng vàng.
Tức là bộ đĩa này đã được công chúa Thụy Minh cúng dường, rồi sau đó nhà chùa đã cho khắc minh văn để lưu lại. Đây chính là câu trả lời rất phù hợp cho nét chữ chạm chuệch choạc không đều, khoảng cách không cân xứng, bởi đơn giản là người chạm đó không phải là nghệ nhân cung đình.
Còn trường hợp cho là công chúa cho khắc thì chắc chắn “Nội kim tượng cuộc” của triều đình sẽ đảm trách và giao cho nghệ nhân kim hoàn trong cung thực hiện. Cùng là người trong nghề kim hoàn, tôi tin rằng các nghệ nhân xưa sẽ không bao giờ khắc ở vị trí như hiện tại, mà hàng chữ đó sẽ được khắc ở trong lòng đĩa thuộc vị trí trống giữa các vòng hoa văn, đồng thời nét chữ sẽ chuẩn xác và đẹp hơn. Ở đây chính vì nhà chùa cho khắc và do không có chuyên môn về nghề kim hoàn cùng với tỏ lòng thành kính công chúa nên không dám cho chạm khắc ở trong lòng đĩa.
Nếu đúng như vậy, có thể bộ đĩa này được lưu giữ trong một ngôi chùa nào đó ở thời Lý, nhưng trong diễn biến của lịch sử như trải qua thời Trần, Hồ, nhất là giặc Minh sang xâm lược và cướp bóc tàn phá nước ta nên bộ đĩa vàng này đã được nhà chùa mang đi di tản rồi chôn dấu ở Cộng Vũ và không có liên quan với các di tích gần đó.
Tóm lại, công chúa Thụy Minh là người hoàng tộc nhà Lý, nhưng thuộc đời vua nào thì do thế phả nhà Lý đã mất, nên công cuộc tìm kiếm thân thế của nàng cũng là thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu hiện nay, dù những gì mà hàng minh văn bộ đĩa vàng thời Lý - một bảo vật quốc gia cũng phát lộ nhiều chuyện hay.
Bình luận (0)