Đi tìm hấp lực của Thiền, 'giải mã' những chuyện kỳ lạ

Như Lịch
Như Lịch
17/07/2018 12:37 GMT+7

Sức hút của thiền, thế giới muôn màu trong việc ứng dụng, hành thiền hiện nay và cả những câu chuyện kỳ lạ sẽ dần được “giải mã”...

Những năm gần đây, thiền trở nên “hot” từ giới lao động bình dân đến nhân viên văn phòng, nghệ sĩ, doanh nhân nổi tiếng... Thiền như một giải pháp giúp giải tỏa căng thẳng trước áp lực của cuộc sống hiện đại.
Mới đây, sau mấy năm “ở ẩn” trên rừng, một doanh nhân nổi tiếng bất ngờ trở lại. Ông xưng “qua” và gọi người tham dự là “những người anh em”. Sự xuất hiện này gợi nhớ chuyện thiền nhịn ăn của ông và câu nói của vợ ông với truyền thông: “49 ngày thiền định nhịn ăn của anh ấy, đã phá đi tất cả…”.
49 ngày thiền định nhịn ăn “ghê gớm” vậy sao?
Tiết thực 49 ngày
Giúp kiểm soát cảm xúc theo hướng tích cực
Có thể tạm hiểu thiền là một hình thức tĩnh tâm, mục tiêu là “thanh lọc”, giúp con người nhận thức một cách sáng suốt nhất về bản thân cũng như thế giới xung quanh từ đó tìm được sự bình an trong tâm hồn, dịu bớt những căng thẳng trong cuộc sống.
Thiền chú trọng đến tinh thần: tâm trí tự tại, sáng suốt, chữa tâm bệnh (các vấn đề do tâm lý gây ra)... nên sẽ hướng đến việc “kiểm soát” cảm xúc theo hướng tích cực.
Những trường phái thiền nổi bật là: thiền Osho, thiền Vipassana, thiền Mật tông, thiền Lão giáo...
Với sự chỉ dẫn của cô Trang Phương, huấn luyện viên yoga tại TP.HCM, tôi trải nghiệm đợt tiết thực (giảm chứ không nhịn ăn) trong 3 ngày.
Ngày thứ nhất, bữa sáng tôi ăn cháo loãng, trưa và tối ăn một ít trái cây (nên dùng dưa hấu hoặc thanh long ruột đỏ vì có nhiều khoáng, chất xơ và nước, dễ thẩm thấu). Ngày thứ hai, tôi ăn sáng bằng ít trái cây, trưa và tối chỉ uống nước lọc. Ngày thứ ba, sáng và trưa là trái cây, bữa tối cháo loãng (có thể thay súp rau củ). Cạnh đó, mỗi ngày uống khoảng 1 lít nước lọc. Những ngày trên, thỉnh thoảng tôi nghe bụng mình sôi lên, đầu hơi váng vất và cảm nhận “thời gian sao trôi qua chậm quá (nhất là ngày thứ hai)!”.
“Những người mới tiết thực cần được hướng dẫn của huấn luyện viên có kinh nghiệm và kiến thức, cùng sự theo dõi chính bản thân. Không nên thay đổi đột ngột thói quen trong quá trình thanh lọc, dễ khiến cơ thể bị sốc, gây tụt huyết áp, nguy hiểm tính mạng... ”, cô Trang Phương lưu ý.
Tại thời điểm này, cô Trang Phương đang trong quá trình tiết thực 49 ngày lần thứ hai (lần trước cách đây 3 năm). Hằng ngày, sau khi thức dậy lúc 4 giờ 30 và trước khi ngủ lúc 9 giờ tối, cô thường dành khoảng 30 phút để ngồi thiền. Cô cũng thường hành thiền khi dạy yoga và trong những sinh hoạt khác.
Theo cô Trang Phương, có những khoảng thời gian (chẳng hạn suốt tuần thứ năm của liệu trình 49 ngày) cô hoàn toàn nhịn ăn. Khi đó, những độc tố ở cơ thể cũng tự động được tống ra. Những lúc đó, cô sử dụng năng lượng “của để dành” bên trong và thu nhận năng lượng vũ trụ nên vẫn khỏe mạnh. Cô “bật mí”ở liệu trình trước, cô giảm 10 - 12% trọng lượng cơ thể, chủ yếu là giảm mỡ.
“Tám năm qua, bản thân tôi trải nghiệm nhiều phương pháp, học hỏi từ nhiều người, nhiều trường phái mới xây dựng liệu trình thiền - tiết thực này. Nói thiệt, cũng có vài lần tôi bị gãy đổ kế hoạch. Đó là những khi tôi làm việc quá sức, chịu nhiều áp lực hoặc rớt vô những ngày “đèn đỏ”... Sau này, tôi chú ý sức khỏe hơn, không ôm đồm công việc nên chuyện tiết thực diễn ra như mong muốn”, cô Trang Phương chia sẻ.
Theo cô, liệu trình 49 ngày phải được tập luyện từ từ, mỗi năm nâng dần cấp độ. Thông thường nên bắt đầu tiết thực 1 ngày, cứ 2 tuần làm một lần trong suốt 6 tháng - 1 năm cho cơ thể quen dần. Sau đó, tiết thực 3 ngày (cũng từ 6 tháng đến 1 năm) rồi dần dần nâng lên 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày…
“Có những người ép xác ngồi thiền, nhịn ăn năm này qua tháng nọ nhưng không thay đổi gì hết, thậm chí sau đó họ còn… ăn nhiều hơn trước nữa. Cũng có người tưởng mình đã thay đổi, nhưng thực ra chỉ là ảo vọng. Cho nên, bao nhiêu ngày không quan trọng bằng việc mình có nhận biết chính mình và phát triển về tâm, tức là có tư tưởng phóng khoáng để nhìn nhận mọi vấn đề nhẹ nhàng hơn hay không”, cô Trang Phương nói.
Ông Phan Văn Biểu xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) từng trải qua hai đợt thiền tuyệt thực Ảnh: Như Lịch
Thiền “trường sinh học”
Qua giới thiệu, tôi tìm gặp ông H., một trong những người “tu tại gia” lâu năm ở H.Đức Linh, Bình Thuận. Nhà ông H. nằm trên một cánh đồng, khá biệt lập với khu dân cư.
Chỉ căn phòng nhỏ đơn sơ và khá kín đáo, ông H. giải thích: “Trước đây, một số huynh đệ của tôi có nguyện vọng muốn được cắt thực, tịnh khẩu, nên tôi đã cho họ nhập thất (ẩn tu). Suốt 1 tuần họ chỉ ở trong phòng này, uống nước sôi để nguội, không ăn và không nói gì. Chúng tôi âm thầm quan sát và trợ duyên cho họ, chủ yếu về mặt tâm lý”.
Khi tôi ngỏ ý muốn tham gia, ông H. thẳng thắn: “Nếu cô trải nghiệm với tư cách cá nhân thì có thể được. Nhưng cô còn là nhà báo, nên tôi rất ngại… Cô nên đến những trung tâm tổ chức các khóa thiền công khai. Ở đó, họ chuẩn bị mọi thứ khá kỹ lưỡng, thậm chí có ban y tế kiểm tra sức khỏe. Còn chúng tôi đâu biết gì về y tế, lỡ có chuyện gì xảy ra với cô thì…”.
Ông H. kể ông từng trải qua đợt cắt thực, tịnh khẩu kéo dài 1 tuần tại nhà riêng của “sư huynh” ở H.Dầu Tiếng, Tây Ninh. Trước khi lên đường, ông uống ly sữa. Nhưng từ lúc vô nhập thất, ông hoàn toàn nhịn ăn, nhịn nói - kể cả giao tiếp bằng mắt, để hạn chế tiêu hao năng lượng và không bị phân tâm.
Nhập thất khoảng 3 ngày, ông H. cảm nhận mồ hôi mình rất trỉn (rít) như dầu và rất… hôi, hơi thở cũng hôi… Tới ngày thứ sáu, mọi thứ đối với ông có vẻ bình ổn trở lại. Ông cho hay bản thân ông được như vậy là nhờ tập trung thiền (lúc khỏe thì ngồi, lúc mệt thì nằm). “Mình càng nạp nhiều năng lượng, quá trình thanh lọc cơ thể, thanh lọc tâm trí càng đến nhanh hơn”, ông H. lạc quan.
Trong khi đó, vài môn sinh cùng đợt cắt thực với ông chịu không nổi, phải bỏ cuộc. Đặc biệt, một phụ nữ tên Thu (ngụ H.Phù Cát, Bình Định) sau 3 ngày đã thoái lui do bị ói ra máu…
Tôi tò mò: “Có khi nào mục đích ban đầu đặt ra hoàn toàn khác với mục đích lúc đang trải nghiệm nhập thất?”, ông H. nhìn nhận: “Có chớ! Mục đích ban đầu của đa số người tham gia là muốn chữa lành thân bệnh. Tuy nhiên, khi được ở yên tĩnh một mình, lắng nghe hơi thở bản thân, chúng tôi có dịp chiêm nghiệm sự sống và cái chết. Có những lúc tôi cảm thấy mình không trụ được nữa, sắp sửa “ra đi”... Nhưng thay vì lo sợ, tôi lại thấy tâm hồn mình bình an, sẵn sàng đón nhận mọi điều có thể xảy đến, kể cả cái chết”.
Thiền nâng đỡ tinh thần cho đội bóng Heo Rừng
Theo truyền thông Thái Lan và quốc tế, kinh nghiệm hành thiền của huấn luyện viên 25 tuổi Ekapol Chanthawong đã nâng đỡ tinh thần cho chính anh và 12 cầu thủ nhí đội bóng Heo Rừng của Thái trong thời gian đội bị mắc kẹt trong hang sâu từ ngày 23.6 và được giải cứu từ ngày 8 - 10.7.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Werachon Sukondhapatipak cho hay “huấn luyện viên Ekapol khuyên các cháu nằm xuống, cố gắng thiền, không cử động quá nhiều, không lãng phí năng lượng. Và tất nhiên nhờ thiền, cả đội luôn tĩnh tâm, không suy nghĩ vẩn vơ”.
Được biết, khi Ekapol 10 tuổi, một dịch bệnh hoành hành ở miền bắc Thái Lan đã cướp đi mạng sống của cha mẹ và em trai, khiến Ekapol trở thành "đứa trẻ buồn và cô đơn". Sau đó, người thân quyết định đưa anh vào chùa tu tập. Ekapol sống trong chùa khoảng 10 năm và hành thiền trước khi hoàn tục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.