Từ sự thịnh vượng đến “bong bóng thời trang”
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có một lịch sử lâu đời, nhưng chỉ đến năm 1995, khi mà Viện mẫu thời trang đầu tiên tại Việt Nam FADIN ra đời thì ngành thời trang Việt Nam mới tạo được sự chú ý trong cộng đồng xã hội. Chương trình quy mô lớn về thời trang đầu tiên có thể kể đến là cuộc thi thiết kế thời trang Vietnam Collection Grand Prix tổ chức lần đầu tiên năm 1999.
Năm 2004, thị trường bán lẻ thời trang bùng nổ và phát triển nhanh chóng nhờ chính sách mở cửa nền kinh tế. Tháng 12.2014, Tuần lễ thời trang Việt Nam chính thức được tổ chức nhằm tạo một cú hích cho nền thời trang trong nước đang có dấu hiệu chững lại. Show truyền hình thực tế đầu tiên về nhà thiết kế thời trang Việt Nam Project Runway cũng tạo làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng đam mê ngành công nghiệp hào nhoáng này. Nhà thiết kế thời trang nhanh chóng trở thành một nghề thời thượng và được giới trẻ săn đón.
Sau khoảng 10 năm phát triển liên tục, thị trường thời trang có sự canh tranh ngày càng gay gắt. Chúng ta đã nghe tới cụm từ “bong bóng công nghệ”, tiếp đến sẽ là “bong bóng thời trang”. Hàng trăm shop quần áo được mở ra mỗi năm và nhanh chóng đóng cửa vài tháng sau đó, những thương hiệu được đầu tư nhiều hơn cũng chỉ cố gắng được 2 - 3 năm. Các thương hiệu được lăng xê mạnh bởi giới truyền thông có tuổi thọ cao hơn, nhưng cũng gặp vấn đề về lợi nhuận kinh doanh.
Đối với thị trường sản xuất, các công ty may mặc thì chủ yếu vẫn nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài. Theo thống kê từ Tổng công ty May 10, doanh thu gần 2.500 tỉ đồng mỗi năm của May 10 bao gồm 80% là xuất khẩu và chỉ có 20% là cho nội địa. Dạo quanh các chợ chuyên bỏ sỉ cho shop thời trang như chợ Tân Bình, chợ An Đông… thì phải đến gần 80% nguồn hàng từ Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
|
Đi tìm lời giải cho chất lượng
Cần thẳng thắn thừa nhận rằng thời trang trong nước đang thiếu sự đồng bộ, mang tính chất tự phát hơn là đi theo những chiến lược phát triển bài bản. Nếu như bộ máy thời trang thế giới là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa những bộ phận khác nhau từ giai đoạn dự báo xu hướng, sản xuất vải, thiết kế, sản xuất sản phẩm, truyền thông đến hệ thống bán lẻ, thì ở Việt Nam sự hợp tác giữa những cá nhân kinh doanh thời trang, giữa những nhà thiết kế vẫn còn yếu vì tâm lý “có gì đấy nhỏ của riêng mình vẫn thích hơn có gì đấy lớn của anh và tôi”.
Tư duy manh mún, thiếu cái nhìn dài hạn về sự phát triển và lợi ích chung khiến các bộ phận của ngành thời trang chưa liên kết được với nhau, và chính điều này lại hạn chế sự phát triển riêng của từng bộ phận ngành. Khi bán lẻ gặp khó khăn thì sản xuất cũng bị trì trệ. Sản xuất không phát triển thì không có tiền đầu tư công nghệ mới, nguồn nguyên liệu mới.
Nguyên vật liệu trong nước hiện không còn đáp ứng được cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, nhiều nhà máy hay xí nghiệp đã phải tìm đến các nguồn cung cấp nguyên vật liệu ở nước ngoài. Các nhà đầu tư thì luôn nhìn vào những con số để quyết định. Chỉ khi nào có sự kết hợp giữa các bộ phận ngành tạo thành một vòng quay liên tục và chuyên nghiệp thì khi đó, một ngành công nghiệp thực sự mới bắt đầu hình thành.
|
Giáo dục thời trang - nền tảng kiến thức của ngành
Chúng ta thường cho rằng thiết kế là một bộ môn nghệ thuật sáng tạo, và sáng tạo là tố chất thiên bẩm, không cần phải đi học. Nhưng bạn sáng tạo dựa vào đâu? Nền tảng cho sự sáng tạo của bạn là gì? Sự sáng tạo mà không có nền tảng cũng giống như trang trí cho một cái nhà không có móng vững chắc, cái nhà sẽ rất nhanh sụp. Vì vậy, bạn cần đi học. Giáo dục bài bản sẽ cung cấp một tư duy thời trang chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, chọn trường để học cũng là một vấn đề lớn của những người yêu thời trang. Hầu hết các trường đào tạo giáo dục chuyên nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo ngắn hạn tư nhân bên ngoài thường chú trọng vào vẽ mẫu, phối màu thật đẹp, kỹ thuật chỉ chú trọng vào kỹ thuật may, dựng rập 3D (draping) trong khi kỹ thuật rập 2D (drafting) mới là nền tảng của thiết kế. Một trong số ít cơ sở đào tạo được đánh giá cao về sự đổi mới trong giáo dục thời trang hiện nay là Học viện thời trang Việt Nam (VFA). Người sáng lập chia sẻ: “Kỹ thuật drafting cực kỳ quan trọng trong thời trang nhưng lại dễ bỏ quên. Và thực tế thì tuyển thợ rập 2D hiện nay cực kỳ khó vì rất ít người giỏi. Lý do học viện chú trọng đào tạo kỹ thuật drafting vì đây mới là nền tảng của thiết kế thời trang. Thậm chí đối với các bạn làm stylist, hoặc các nghề liên quan thì có kiến thức căn bản về cấu trúc trang phục là một lợi thế lớn”. Song song, VFA cũng đần phát triển các môn học chuyên môn thời trang cùng với các giáo viên, giáo sư và hợp tác quốc tế với các giảng viên danh tiếng từ các trường đạo học thời trang.
Hàng loạt cuộc thi thời trang lớn, nhỏ được tổ chức. Những nhà quán quân sau cuộc thi đều nhanh chóng mở một thương hiệu riêng, truyền thông vào cuộc pr cho sản phẩm với sự xuất hiện của người nổi tiếng. Nhưng thực tế, có rất nhiều thương hiệu vẫn đang vướng mắc vào vấn đề tài chính, bởi lẽ, thời trang là một ngành công nghiệp khắc nghiệt, vốn hết rất nhanh mà lợi nhuận lại chậm. Có lẽ sự hào nhoáng đã che mờ đi những góc khuất của ngành. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông đã tạo ra công thức “Nhà thiết kế - người nổi tiếng” khiến ngành thời trang Việt Nam hiện nay đang bị “showbiz hóa”. Các bạn trẻ mải trang bị cho mình những cuộc thi nhiều hơn là kiến thức bài bản mà quên đi rằng bạn chiến thắng trong một cuộc thi chỉ chứng tỏ bạn có tiềm năng. Nhưng để biến tiềm năng đó thành tài năng thật sự, có thể khẳng định trên thương trường quốc tế lại cần sự trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ thuật nhiều hơn nữa.
|
Lời kết
Thời trang là ngành công nghiệp có tỷ lệ thất bại cao nhất trên thế giới. Trong thời kỳ mở cửa kinh tế, đặc biệt là khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thị trường thời trang sẽ cạnh tranh gay gắt hơn nữa. Là những người làm thời trang trong nước, chúng ta sẽ làm gì để nâng tầm thương hiệu Việt trên đấu trường quốc tế?
Bình luận (0)