Đi tìm thung lũng MiG: Liệt sĩ Trần Ngọc Xíu - 'điểm mờ' của lịch sử

30/09/2023 06:54 GMT+7

Năm 1960, Trần Ngọc Xíu học bay trong Đoàn bay thứ 2 do đoàn trưởng Trần Mạnh và đoàn phó Nguyễn Phúc Trạch chỉ huy. Cùng đoàn bay với anh từ năm 1960 - 1965 có các phi công sau này là các anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao, Ngô Đức Mai, Võ Văn Mẫn…

TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG CỦA PHI CÔNG TRẦN NGỌC XÍU

Ngày 30.9.1967, biên đội Trần Ngọc Xíu - Mai Văn Cương được lệnh cấp 1 và xuất kích từ sân bay Đa Phúc lúc 15 giờ 8 phút. Khi 2 chiếc MiG-21 bay đến gần Chi Lăng (bắc sân bay Kép) thì máy bay địch cũng đến Lục Nam. Phi công bay số 2 Mai Văn Cương phát hiện đội hình 16 chiếc máy bay địch có 4 chiếc F-4 đi đầu, 12 chiếc F-105 đi sau (cách tốp F-4 khoảng 500 m).

Đi tìm thung lũng MiG: Liệt sĩ Trần Ngọc Xíu - 'điểm mờ' của lịch sử
 - Ảnh 1.

Phần mộ liệt sĩ Trần Ngọc Xíu tại Bắc Giang

Tư liệu tác giả

Trong khi số 2 phát hiện ra máy bay địch thì thấy số 1 Trần Ngọc Xíu đã bay ngang với tốp F-4 đi đầu. Mai Văn Cương vòng lại để bám vào chiếc F-105 phía sau, đến cự ly cho phép bắn thì địch cũng bổ nhào vào mục tiêu.

Xíu báo cáo thấy địch và xin vào công kích. Cương (số 2) bám theo tốp F-105 sau cùng thấy 3 chiếc máy bay địch đồng thời thấy loáng thoáng cả

MiG-17, anh nhắc số 1 chú ý phía trên có MiG-17 và đuổi một lúc thì một chiếc F-105 chui vào mây mất! Còn 2 chiếc. Cương bám sát và bắn 1 quả tên lửa vào 1 chiếc F-105. Khi vòng phải thoát ly thấy một phát tên lửa phía sau - bên phải phóng tới. Số 2 "thấy tên lửa phán đoán là số 1 cùng công kích". Khi vòng gấp nhìn lại phía sau không còn thấy ta cũng không thấy địch thì số 2 phán đoán đây là tên lửa của tốp F-105 phía sau, sau khi đánh xong thoát ra khỏi mục tiêu thì thấy máy bay ta nên chúng bắn để uy hiếp.

Tài liệu báo cáo trận đánh này cho biết: "Số 1 - đồng chí Xíu yểm hộ số 2, lúc này cũng đã bám theo tốp 1. Công kích hay không. Chưa rõ! Khi vòng trái thoát ly lên độ cao 4 - 5 km thì bị địch bắn rơi và hy sinh…".

Ngày 3.7.2020, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Mỹ (H.Lạng Giang, Bắc Giang) chúng tôi đến thắp hương cho các liệt sĩ không quân và dừng lại rất lâu trước mộ của liệt sĩ Trần Ngọc Xíu. Nhìn vào ngôi mộ mà thấy lòng buồn man mác đến ứa nước mắt. Phải so sánh tư liệu lưu giữ về các phi công đã hy sinh với nội dung trên bia, tôi mới khẳng định được đúng là mộ của liệt sĩ Trần Ngọc Xíu.

"Sau khi thắp hương cho anh Trần Ngọc Xíu (trong tư liệu có chỗ viết là Síu), tôi đã rất xúc động và muốn tìm hiểu sâu thêm về con người mà ngay ở chỗ tưởng niệm, vinh danh liệt sĩ, tên tuổi, công trạng và sự hy sinh của anh đã bị bỏ qua mà cả trong trận đánh cuối cùng cũng không tìm được đầy đủ bối cảnh của sự hy sinh thân mình cho sự nghiệp cách mạng".

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái

Trên tấm bia của liệt sĩ đã ghi sai tên đệm như thế này "Trần - Nguyễn Xíu", thay vì Trần Ngọc Xíu. Trước đây còn dòng chữ "Thượng úy, phi công, trung đoàn 921…", thì nay chỉ còn họ tên (viết sai) với năm sinh 1936 và hy sinh ngày 30.9.1967. Quê quán Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Khi chúng tôi chất vấn cán bộ chính sách xã hội cấp xã: "Tại sao các anh chị đã ghi sai họ tên mà còn bỏ cả cấp bậc, chức vụ, đơn vị của liệt sĩ làm chúng tôi tìm mãi mới ra?"; thì được biết đó là quan điểm của ngành lao động - thương binh - xã hội chỉ đạo tới các xã: Liệt sĩ thì không còn phân biệt cấp chức nữa, họ đều đã hy sinh vì Tổ quốc vậy nên chỉ cần ghi thế là đủ!

Tôi xin không viết thêm mà dành cho bạn đọc bình luận nhưng quả thật trong lòng thấy uất nghẹn…

IỂM MỜ" CỦA LỊCH SỬ

Trần Ngọc Xíu là một trong số những phi công bay giỏi của đoàn bay MiG-17 nên chỉ sau khi về Trung đoàn 921 một thời gian ngắn, anh đã được xếp vào trực ban chiến đấu cùng với các phi công như Trần Huyền, Đồng Văn Đe, Lưu Huy Chao.

Ngày 7.7.1966 anh ghi chiến công đầu bắn rơi 1 chiếc F-105 tại sân bay Đa Phúc trên loại máy bay MiG-21 bằng rocket. Lần lập công tiếp theo của Trần Ngọc Xíu là trận đánh ngày 8.12.1966 với Mai Văn Cương. Anh đã bắn rơi tiếp 1 chiếc F-105 nữa trên khu vực đầu tây sân bay Đa Phúc bằng hai quả tên lửa K-13…

Một thời gian ngắn về tham gia chiến đấu, Trần Ngọc Xíu đã tham gia trực chiến, xuất kích hàng chục lần với hơn 10 trận không chiến trên cả hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21, bắn rơi 2 chiếc F-105 của không quân Mỹ, khi mới phong quân hàm thượng úy.

Tôi viết sâu về trường hợp hy sinh của phi công Trần Ngọc Xíu để thế hệ sau hiểu thêm một khía cạnh của chiến tranh ác liệt, nguy hiểm đến từ nhiều yếu tố mà những người lính chiến nói chung và phi công chiến đấu nói riêng đã phải thường xuyên đối mặt, và rồi cũng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng; vì chiến trận không để ta kịp có thời gian suy ngẫm. Có những trường hợp nằm trong "điểm mờ" của lịch sử nên thiệt thòi cho gia đình, con cháu của họ.

(còn tiếp)

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.