PHI CÔNG NGUYỄN VĂN LAI HY SINH
Ngày 20.6.1965 biên đội Mai Đức Toại - Nguyễn Văn Lai xuất kích từ Đa Phúc, dự kiến chặn đánh máy bay của hải quân Mỹ đang vào khu vực Bá Thước - Quan Hóa. Nhưng lực lượng máy bay hải quân Mỹ lại là các máy bay cánh quạt tốc độ nhỏ, loại AD-6, nên "dẫn đường sở chỉ huy" đã dẫn máy bay ta bị vượt lên trước. Vì thế tốp AD-6 đã phát hiện và giảm thấp độ cao xuống sát thung lũng để tránh MiG-17. Khi phát hiện được máy bay địch, đội trưởng Mai Đức Toại cơ động máy bay thật gấp để bám theo mục tiêu và liên tục xả đạn vào máy bay địch nhưng không trúng.
Ngày 3.11.2020 tôi và anh Hà Quang Hưng đã đến gặp ông Toại để tìm hiểu thêm về trận đánh thì được ông nói cho biết: "Tao đã bắn nhiều loạt thấy có trúng một loạt, nhưng không thấy máy bay địch rơi. Còn bay số 2 là Lai thì không chứng kiến, không thấy số 2, không biết có bắn được không?". Các tài liệu khác thì ghi nhận số 2 bám theo vào công kích nhiều lần giữa các hẻm núi sát mặt sông. Theo đội trưởng Mai Đức Toại: "Sau khi cơ động bám theo bằng các cú lộn vòng rất gấp và khi Lai xuống rất thấp đã va vào núi hy sinh".
Tại cuộc gặp mặt các cựu chiến binh phi công Việt - Mỹ được tổ chức lần đầu tại Việt Nam ngày 13.4.2016 thì một thành viên của tốp AD-6 trong trận đánh đó là Clinton B.Johnson nói: "Máy bay MiG-17 của phi công Lai công kích tốp đi trước không được thì phải vòng lại nhưng không thấy 2 chiếc AD-6 của chúng tôi bay ở phía sau nên giơ bụng ra, và bị 2 chiếc này đồng loạt nổ súng bắn rơi!". Hai tổ bay này của không quân, hải quân Mỹ được công nhận mỗi tổ bay bắn rơi 1/2 chiếc MiG-17 của Nguyễn Văn Lai.
Ý kiến của Clinton B.Johnson đã bị anh Mai Đức Toại phản ứng quyết liệt: "Các anh nói sai, tôi thấy anh Lai lao vào núi vì cơ động gấp ở độ cao quá thấp chứ không phải các anh bắn rơi".
Tài liệu lịch sử không quân ghi nhận Nguyễn Văn Lai bắn rơi 1 chiếc sau đó lại nâng lên là 2 chiếc AD-6.
TỔN THẤT NẶNG NỀ
Để tiếp tục các nỗ lực đánh thăm dò, ngày 24.6.1965 biên đội MiG-17 Trần Huyền - Trần Ngọc Síu vào trận với các máy bay F-4 của Mỹ ở khu vực Phả Lại - Bắc Ninh, Bắc Giang. Máy bay MiG-17 đã công kích, bắn ca-nông xối xả vào máy bay địch, nhưng không trúng.
Ngày 10.7.1965, đội MiG-17 của Phạm Thanh Nhạ - Nguyễn Cương lại được dẫn ra chặn đánh không quân địch ở nam Tam Đảo. Trận đánh không cân sức giữa 8 chiếc F-4 và 2 chiếc MiG-17 xảy ra ác liệt với kết quả cả hai phi công của ta đã hy sinh. Trận này Sở chỉ huy không quân ta phát hiện sớm máy bay địch từ biên giới Việt - Lào, dự đoán địch đánh Yên Bái, nhưng có lẽ vì cho biên đội xuất kích muộn nên các máy bay F-4 tiêm kích Mỹ bảo vệ cường kích đã đón, chặn sẵn ở ngay chân Tam Đảo phía tây bắc cách Đa Phúc 20 - 30 km.
Các sách tổng kết và lịch sử các đơn vị không nói về nguyên nhân này; nhưng khi phân tích và tìm hiểu tư liệu từ phía không quân Mỹ (Clashes Air Combat over North Vietnam 1965 - 1972, tr.21-23 của Marshll I.Michel III và MiG Killers của Donald S.McCarthy.Jr, tr.28-29) cho thấy 4 chiếc F-4C "MiG-Cap" (săn lùng MiG) đã phát hiện 2 chiếc MiG-17 của ta ngay sau khi rời sân bay Đa Phúc để lấy hướng bay về phía Yên Bái. Biên đội 4 chiếc F-4C đã tách được 2 chiếc MiG-17 ra để 2 đánh 1 bằng các động tác cơ động chiến thuật và hỏa lực tên lửa dày đặc…
Những tổn thất nặng nề của các trận không chiến (mất 6 máy bay, 4 phi công hy sinh) đã làm đứt đoạn ghi chép, thống kê các trận đánh của không quân Việt Nam tới 2 tháng. Đó là thời gian của các cuộc họp rút kinh nghiệm chiến đấu, nghiên cứu bàn bạc cách đánh, tìm hiểu cách đánh và sự đối phó của không quân và hải quân Mỹ với lực lượng phòng không và không quân ta.
Vào thời gian này, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng ráo riết tuyển chọn và đưa đi đào tạo phi công, thợ máy cho hàng trăm thanh niên ở các trường không quân Liên Xô và Trung Quốc. Cùng với nỗ lực chuyển loại cho một số phi công MiG-17 và thợ máy để nhanh chóng tiếp nhận loại máy bay mới MiG-21.
Mặt khác, các trận không chiến với MiG-17 đã thúc đẩy không quân Mỹ tăng tốc nghiên cứu triển khai huấn luyện không chiến, sử dụng súng cự ly gần từ kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên giữa F-86 với MiG-15. Họ cũng luyện tập các đòn đánh của F-105 và F-4 với MiG-17 mà Mỹ sử dụng máy bay F-86 (tương đương MiG-17) để làm "giáo cụ trực quan" trên không theo chương trình mà sau này chúng ta mới được biết gọi là: Feadther Duster 1 & 2. Để thực tế hơn nữa Bộ Chỉ huy không quân Mỹ còn tìm cách mua cả MiG-17 và MiG-21 để tập luyện cách đánh với MiG-17. (còn tiếp)
(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)
Bình luận (0)