Đi tìm thung lũng MiG: Trung đoàn 923 vào trận

25/09/2023 07:38 GMT+7

Ngày 7.10.1965, biên đội MiG-17 của trung đoàn 923 là Trần Huyền - Lê Trọng Huyên - Nguyễn Văn Bảy - Lưu Huy Chao được Sở chỉ huy quân chủng cho lệnh xuất kích từ sân bay Đa Phúc với nhiệm vụ chặn đánh không quân hải quân Mỹ vào đánh phá sân bay Kép (Bắc Giang) và mục tiêu xung quanh.

Dẫn đường Sở chỉ huy và màn hình ra đa là Nguyễn Văn Chuyên và Lưu Đức Bình. Ghi chép của đơn vị ở trận này rất ít ỏi, có lẽ vì không có kết quả mà máy bay của phi công Nguyễn Văn Bảy lại nát bươm do dính 84 mảnh tên lửa trên thân, cánh và nắp buồng lái.

TRẬN KHÔNG CHIẾN DÀI NHẤT

Trận đánh ác liệt này đã ngăn chặn và hạn chế được một phần đòn tiến công đường không của địch, nhưng gần như rơi vào quên lãng trừ câu chuyện kỳ tích của phi công Nguyễn Văn Bảy mang được chiếc máy bay đầy vết đạn về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người…

Nguyễn Văn Bảy, người phi công sau này bắn rơi 7 máy bay Mỹ, lúc được ca ngợi tài ba, dũng cảm quá đà khi về hạ cánh với thương tích đầy mình, từng nói: "Trận đánh đó may mà tôi không chết thôi chứ đánh nhau trên trời ai mà dám vỗ ngực rằng chẳng thằng nào bắn rơi được mình!". Ông còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công vì thành tích này, nhưng ông nói: "Thưởng gì mà kỳ? Đánh không được suýt chết còn bày đặt!".

Đi tìm thung lũng MiG: Trung đoàn 923 vào trận - Ảnh 1.

Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (bìa phải) mô tả lại trận đánh cùng đồng đội

Tư liệu tác giả

Xin tiết lộ thêm 4 phi công của biên đội này đều đã có danh hiệu cao quý nhất (có 2 liệt sĩ là Trần Huyền và Lê Trọng Huyên, sau chiến tranh đều được truy phong Anh hùng Lực lượng vũ trang; Nguyễn Văn Bảy và Lưu Huy Chao được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang từ khi còn chiến tranh).

Trận đánh tiếp theo của trung đoàn 923 diễn ra vào ngày 25.11.1965, giữa biên đội Trần Ngọc Síu - Nguyễn Thế Hôn - Lưu Huy Chao - Đồng Văn Đe với các loại máy bay của hải quân Mỹ như F-8, A-4. Thời gian không chiến tới 5 phút - dài nhất từ khi không quân Việt Nam tham chiến với không quân Mỹ. Trận đánh xảy ra ở Đông Triều, rất ác liệt với nhiều lần nổ súng nhưng tiếc rằng "Bắn xa không kết quả", như ghi chép của Sở chỉ huy trong trận đầu của trung đoàn 923 (rất tiếc các tư liệu khác về trận này không tìm được). Đây chắc là trận đánh cuối cùng của không quân Việt Nam trong năm 1965.

CHẤN CHỈNH BIÊN CHẾ, ĐIỀU CHỈNH CÁCH ĐÁNH

Trước trận này, lịch sử của trung đoàn 921 còn ghi nhận trận đánh của biên đội Trần Hanh - Ngô Đoàn Nhung - Phạm Ngọc Lan - Trần Minh Phương ở khu vực Vụ Bản - Hòa Bình khi được Sở chỉ huy quân chủng dẫn ra đánh vào lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Mỹ. Phi công Mỹ - trung tá George Carton Mc.Cleary chỉ huy không đoàn 355 trên F-105 bị phòng không miền Bắc bắn rơi và nhảy dù ở khu vực đó. Theo TS Nguyễn Sỹ Hưng viết trong sách Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 - 1975) nhìn từ hai phía (NXB Quân đội Nhân dân, 2013) đây là viên không đoàn trưởng thứ 3 bị bắn rơi tính đến thời điểm này.

Phi công Ngô Đoàn Nhung là người phát hiện đầu tiên ở cự ly 10 km trong tư thế đối đầu ở độ cao dưới 1.000 m. Để rồi bằng động tác cơ động vòng chiến đấu gấp, quyết liệt đã bám được chiếc trực thăng trong đội hình, do chênh lệch tốc độ rất lớn buộc Ngô Đoàn Nhung khẩn trương chỉnh lại đường ngắm. Và chỉ sau hai loạt đạn chính xác, chiếc CH-53 bị bắn hạ, khép lại trận đánh thắng cuối cùng của không quân Việt Nam trong năm 1965.

Phi công Ngô Đoàn Nhung sinh năm 1940 ở Mộ Đức, Quảng Ngãi; học bay ở Trung Quốc, thuộc quân số đoàn bay MiG-17 thứ 3 do đồng chí Trần Mạnh dẫn đầu, đã từ Trung Quốc về nước tháng 7.1965 và đầu quân cho trung đoàn 921.

Sau trận đánh này, Ngô Đoàn Nhung không bay nữa và được chuyển sang làm trợ lý tác chiến, chuyên làm nhiệm vụ chỉ huy bổ trợ cho phi công tại sân bay Kiến An những ngày cuối năm 1967. Thời gian đó sân bay Kiến An liên tục bị không quân Mỹ đánh phá. Anh hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại Đài chỉ huy cất hạ cánh Kiến An vào ngày 21.11.1967 cùng với hạ sĩ Đinh Văn Nam (quê Hưng Hà, Thái Bình) là chiến sĩ thông tin của Đài chỉ huy cất hạ cánh sân bay Kiến An.

Vào thời điểm cuối 1965 đầu 1966, khi không quân và không quân hải quân Mỹ chưa đủ sức tập trung lực lượng đánh lớn ra miền Bắc, bộ đội không quân tranh thủ tập luyện, chấn chỉnh hoàn thiện biên chế, tổ chức. Những người chỉ huy không quân từ cao xuống thấp lúc này cũng nát óc suy nghĩ, nghiên cứu, tổng kết công tác chỉ huy tìm cách đánh của MiG-17 và chuẩn bị đưa MiG-21 vào trận.

Sau hơn 1 tháng "xuống thang" (từ 27.12.1965 đến 31.1.1966) không quân Mỹ lại "leo thang" đánh ra phía bắc. Ngày 3.2.1966, trận đánh đêm của phi công Lâm Văn Lích đã đánh dấu bước hoạt động trở lại của Không quân nhân dân Việt Nam sau gần 3 tháng làm công tác chấn chỉnh biên chế, tổ chức và điều chỉnh cách đánh…(còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.