Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm

03/11/2024 09:26 GMT+7

Đường Nguyễn Tất Thành được xem là con đường chính nối trung tâm TP.HCM với Q.4 và 7, tuy nhiên, trung bình một ngày ở đây có đến 3 lần ùn tắc giao thông.

Theo thống kê từ Sở GTVT TP.HCM, tính từ đầu năm đến tháng 9.2024 trên địa bàn TP.HCM có 6 điểm ùn tắc giao thông chuyển biến tốt, 10 điểm có chuyển biến nhưng tình hình còn phức tạp, 8 điểm không chuyển biến.

Trong 8 điểm ùn tắc giao thông không chuyển biến đó, đường Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM) đứng đầu danh sách ùn tắc giao thông với 811 lần. Như vậy, bình quân mỗi ngày, trên đường này xảy ra 3 lần ùn tắc giao thông.

Một ngày xảy ra 3 lần ùn tắc

Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Ngô Thành Vinh (47 tuổi), người dân sống cạnh đường Nguyễn Tất Thành khi nói về tình trạng ùn tắc giao thông tại đây. Ông Vinh cho biết: "Có 3 khung giờ kẹt xe nghiêm trọng trên con đường này. Đó là buổi sáng từ 6 giờ 30 - 9 giờ, buổi trưa từ 11 giờ đến đầu giờ chiều, buổi chiều tối từ 16 giờ đã kẹt đến 19 giờ và với tình trạng kẹt xe liên miên này không biết khi nào khá hơn".

Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 1.

Đường Nguyễn Tất Thành trở thành nỗi khổ sở khi đi lại mỗi ngày

Ảnh: Phan Diệp

Do đó, trong những ngày cuối tháng 10, phóng viên báo Thanh Niên đã đến đây, sử dụng xe máy, hòa cùng dòng người đi đường để thấu cảm rõ hơn nỗi khổ mỗi ngày của người dân.

6 giờ 30 phút, ngày 30.10, phóng viên xuất phát từ địa phận Q.1, đi qua cầu Khánh Hội đến đường Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy có rất đông xe cộ đi lại. Nguyên nhân là bởi thời gian này đối tượng đi lại chính là học sinh, sinh viên khi đi học cùng lúc.

Đường có 2 chiều, mỗi chiều 2 làn xe nhưng lại là làn đường hỗn hợp. Do đó, xe máy, ô tô, xe tải hay xe bồn phải chen nhau trên cùng làn đường. Đôi lúc nhiều ô tô "chiếm" hết 2 làn khiến xe máy chỉ còn một lối nhỏ sát lề bên phải để di chuyển. Đoạn đường ngắn, nhưng có đến 6 trường học từ mẫu giáo đến đại học. Xe đông, đường hẹp chỉ là một phần. Phần lớn lý do khiến đoạn này ùn tắc từ rất sớm như thế là do rất nhiều cha mẹ dừng lại ngay trước các cổng trường đưa con đi học.

Mỗi người chỉ dừng lại vài phút nhưng có đến cả ngàn phụ huynh cùng có mặt tại khung giờ này mỗi sáng. Vì thế, tình trạng ùn ứ là điều không thể tránh khỏi. Khi di chuyển, nhiều lần phóng viên phải đi chậm hoặc dừng lại vì ùn tắc giao thông tại các điểm trường.

Đến 7 giờ, khi học sinh đã vào lớp thì cũng là lúc lượng lớn người lao động ồ ạt dồn về đường Nguyễn Tất Thành. Lúc này, trên đường đã bắt đầu xảy ra ùn tắc nhiều hơn. Đông nhất là ở làn đường hướng từ cầu Tân Thuận đến cầu Khánh Hội.

Gần 8 giờ, phóng viên di chuyển theo chiều ngược lại, từ Q.7 hướng về Q.1. Thời điểm này, tình trạng ùn ứ nghiêm trọng hơn, một lượng xe lớn từ H.Nhà Bè, Q.7 từ đường Huỳnh Tấn Phát cùng lúc dồn vào đường Nguyễn Tất Thành.

Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 2.

Xe máy, ô tô chen chân trên đoạn đường khoảng 3 km

Ảnh: Phạm Hữu

Thăm dò ý kiến

Bạn ám ảnh với con đường ùn ứ nào ở TP.HCM?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Khi qua khỏi cầu Tân Thuận, phóng viên lọt thỏm giữa dòng xe cộ chen chúc, việc cho xe máy nhích từng chút, nắm chặt tay ga cố giữ xe ổn định tốc độ thôi cũng đủ mệt mỏi. Chưa kể, mùi khói xe phả ra ken kịch từ những phương tiện phía trước. Mặt trời cũng bắt đầu lên cao, qua quan sát, vẻ mệt mỏi hiện rõ lên gương mặt, đôi mắt của người đi đường.

Nóng lòng khi di chuyển qua đoạn kẹt xe, nhiều tài xế xe máy trong đó không ít chị em phụ nữ cũng cố vặn tay ga cho xe leo lên vỉa hè. Đi được đoạn ngắn thì gặp trạm xe buýt, nhà dân… cản lại, buộc phải trở xuống đường. Vỉa hè nơi đây dường như biến thành một làn đường, dành riêng cho xe máy khi muốn "tranh thủ" vượt nhanh qua đoạn kẹt.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, ông Vinh còn kể thêm chuyện xảy ra mỗi ngày: "Vỉa hè ở đây xây dốc và cao hơn với mặt đường, chạy lên rất khó, khiến nhiều người bị té trong lúc cố chen chân. Nhiều đoạn vỉa hè không chịu nổi áp lực xe nên bể tan nát, xuất hiện ổ gà lớn".

Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 3.
Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 4.

Không khó để nhận thấy cảnh xe máy leo lề ở đường Nguyễn Tất Thành

Ảnh: Phan Diệp

Video Clip ghi lại cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm sáng và chiều tối ở đường Nguyễn Tất Thành

Mệt mỏi vì giờ tan tầm chiều

Theo ghi nhận, đường Nguyễn Tất Thành không quá dài, chỉ khoảng 3 km, là trục chính nối giữa cầu Khánh Hội và cầu Tân Thuận 1 và 2. Cả 2 hướng nối về Q.1, 3 và Bình Thạnh và hướng ngược lại đi về Q.7, H.Nhà Bè. Đường nằm dọc sông Sài Gòn (cảng Sài Gòn), mặt còn lại kết nối các con đường như Tôn Đản, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết để đi vào trung tâm Q.4.

Tuy nhiên, vì vị trí địa lý đặc biệt kể trên mà người dân 2 nơi ít có sự lựa chọn để di chuyển bởi nếu từ đường Huỳnh Tấn Phát, điểm qua Q.1 không đi đường Nguyễn Tất Thành thì phải đi trục đường xa hơn là: Khánh Hội – Hoàng Diệu - cầu Ông Lãnh. Hơn nữa, trên thực tế, vào giờ cao điểm, tình trạng ùn ứ, kẹt xe ở tuyến đường này cũng không khá hơn.

Không chỉ mới đây mà đã từ nhiều năm qua, tuyến đường Nguyễn Tất Thành luôn rơi vào tình trạng ùn tắc do diện tích đường hẹp, lượng xe lớn trong các giờ cao điểm mặc dù đã có các lực lượng chức năng, CSGT trực chốt. Để giải quyết hạn chế ùn tắc, Công an Quận 4 đã duy trì bố trí tối đa lực lượng CSGT, Công an phường cũng như các lực lượng hỗ trợ khác như đoàn viên thanh niên, lực lượng an ninh trật tự cơ sở … tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại tất cả các giao lộ dọc trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành vào các khung giờ cao điểm.

Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 5.
Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 6.

Đường Nguyễn Tất Thành nìn từ trên cao

Ảnh: Nhật Thịnh

Lúc 16 – 17 giờ, phóng viên tiếp tục trở lại con đường này để tiếp tục ghi nhận tình hình. Quan sát từ trên cao, dòng xe cả 2 hướng đi ở giờ cao điểm chiều tăng nhiều hơn so với buổi sáng. Đặc biệt, đây là thời điểm tan trường của học sinh nên lưu lượng đông đúc từ sớm. Lúc này, dải phân cách di động ở giữa đường bắt đầu đóng lại. Nếu di chuyển hướng Q.7 vào Q.1 thì chỉ còn một con đường duy nhất, xe cộ không thể rẽ hoặc chuyển hướng trở lại.

18 giờ lại con đường này, tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn. Nắng tắt nhưng sau một ngày hấp thụ nhiệt, mặt đường, nhà cửa phả ra hơi nóng càng làm tăng hơn vẻ mệt nhoài sau một ngày làm việc vất vả của người dân. Mệt mỏi, kiệt sức mỗi ngày là điều người dân phải chấp nhận từ nhiều năm nay khi đi trên con đường này.

Đi trên con đường ùn tắc nhất TP.HCM từ trung tâm sang Q.7: Mệt mỏi ngày lẫn đêm- Ảnh 7.

Giờ cao điểm chiều, xe cộ tấp nập, nối đuôi nhau khiến đoạn đường trở nên ùn tắc

Ảnh: Phạm Hữu

Người chạy xe đã mệt nhưng người ở trên đường cũng càng mệt theo, bà Ngô Thanh Tuyền (52 tuổi) cho biết, đã buôn bán tại đường Nguyễn Tất Thành này được 6 năm.

Theo lời bà: "Thời gian gần đây, đường Nguyễn Tất Thành ngày càng kẹt xe trầm trọng. Chỉ cần đầu đường có đám hay một sự cố như mưa lớn cũng sẽ khiến con đường rơi vào tình trạng kẹt cứng, phải có lực lượng chức năng điều tiết mới thông thoáng hơn. Buôn bán ở đây cũng tùy theo giờ, nếu kẹt quá thì ít khách, họ ngại và đi về luôn phải chờ đến khi xe giãn ra, người ta mới vào mua. Tôi ở đây sợ nhất vào khung giờ chiều tối vì hầu như chẳng làm được gì, nhìn xe thôi cũng đủ mệt mỏi rồi".

Đến 19 giờ, tình hình giao thông ở đây có vẻ khả quan hơn. Tuy nhiên, cảnh ùn tắc lại dồn vào điểm cuối ở gần chân cầu Khánh Hội và Tân Thuận.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc, Công an Quận 4 chủ động phối hợp với lực lượng Công an Quận 1, Đội CSGT Bến Thành, Đội CSGT Nam Sài Gòn thuộc Phòng PC08 – CATP, Kênh VOV Giao thông để phối hợp cảnh báo, phân luồng từ xa, điều chỉnh lộ trình di chuyển cho các phương tiện khi xảy ra tình trạng ùn ứ hoặc các sự cố phát sinh (tai nạn giao thông, xe hư hỏng, chết máy ..).

Về một số giải pháp, trước mắt, đơn vị đã phối hợp Sở Giao thông vận tải TP đóng các giao lộ trên tuyến Nguyễn Tất Thành trong giờ cao điểm, trừ giao lộ Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành để hạn chế tình trạng xung đột của các phương tiện; bố trí lắp đặt biển báo cấm các loại xe ôtô rẽ trái từ đường Nguyễn Tất Thành vào đường Hoàng Diệu (hướng từ Quận 7 về Quận 1) từ 6 – 9 giờ và 16 – 20 giờ hàng ngày. Đồng thời lực lượng CSGT điều chỉnh tăng thời gian đèn xanh của đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ dọc tuyến Nguyễn Tất Thành để tăng năng lực lưu thông, giảm thiểu thời gian ùn ứ của các dòng phương tiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.