Đi trên thủy tinh không phải là dũng cảm

01/09/2015 08:28 GMT+7

Nhiều người vẫn hay nhập nhằng giữa chuyện vượt qua nỗi sợ, sự gan lì liều lĩnh là lòng dũng cảm. Đi trên đống thủy tinh được nhiều người gán cho là nhằm xây dựng lòng dũng cảm cho trẻ em, tôi thì không nghĩ vậy.

Nhiều người vẫn hay nhập nhằng giữa chuyện vượt qua nỗi sợ, sự gan lì liều lĩnh là lòng dũng cảm. Đi trên đống thủy tinh được nhiều người gán cho là nhằm xây dựng lòng dũng cảm cho trẻ em, tôi thì không nghĩ vậy.

Rèn luyện lòng dũng cảm cần gắn liền với một mục đích thiết thực - Ảnh: Shutterstock

Có nhiều cách để xây dựng lòng dũng cảm nhưng trong đó không nên có cách đi qua đống thủy tinh vỡ. Về cơ bản, việc này hướng tới mục đích giúp trẻ nhận ra những “mánh lới” (hay nói khác hơn là nguyên tắc vật lý chịu lực) thì đúng hơn là tạo lòng dũng cảm, kiểu như, “à, hóa ra là nó không đáng sợ, không gây rách chân như mình nghĩ”. Chưa kể, sau khi thực hành trò này xong trẻ còn tưởng rằng có thể làm thế mọi lúc mọi nơi. Và việc giáo dục trẻ rằng đi lên đống thủy tinh mà ít người dám đi là lòng dũng cảm thì hoàn toàn sai lầm.

Lòng dũng cảm cần sự gan lì liều lĩnh và vượt qua nỗi sợ nhưng chừng đó chưa đủ, lòng dũng cảm phải có ý nghĩa đi kèm, mục đích đúng đắn. Không ai bảo rằng bạn đút tay vào ổ cắm điện mà không bị giật là dũng cảm, hoặc vác súng đi cướp nhà băng là dũng cảm, vì nó không mang ý nghĩa và mục đích đúng đắn, đi qua đống thủy tinh cũng vậy.

Trong bài viết của anh Chung Nguyên, anh có lấy ví dụ về việc bố mẹ ở Na Uy cho trẻ em tập bơi trong nước lạnh để rèn luyện, đó chính xác là chuyện tốt. Nhưng anh đánh đồng việc đó với đi trên đống thủy tinh thì anh hơi nhầm lẫn. Vì tập bơi là rèn luyện kỹ năng sống, nó mang một ý nghĩa thiết thực, mang một mục đích đúng đắn, nó không đơn thuần chỉ là vượt qua nỗi sợ hãi mà không mang đến một ý nghĩa gì như đi qua đống thủy tinh.

Anh Chung Nguyên bảo rằng tập cho trẻ đi trên đống thủy tinh là cần thiết nhưng tôi lại thấy nó không cần thiết. Trẻ con không cần phải học những thứ thiếu thiết thực ngoài đời sống, làm chẳng để làm gì như đi qua đống thủy tinh “biểu diễn”. Trẻ con cần học những kỹ năng sống mang ý nghĩa rõ ràng hơn và thực tế hơn.

Nếu muốn dạy cho trẻ những kỹ năng sống thiết thực, hãy cho nó tham dự những lớp trại hè, những buổi cắm trại trong rừng để luyện kỹ năng đóng cọc dựng lều, hoặc luyện kỹ năng xác định phương hướng, thích nghi với môi trường sống. Hay quan trọng hơn nữa là tập luyện khả năng tự lo cho bản thân mình khi gặp tai nạn như hỏa hoạn hoặc là rớt xuống nước

Nếu muốn dạy cho trẻ những kỹ năng sống thiết thực, hãy cho nó tham dự những lớp trại hè, những buổi cắm trại trong rừng để luyện kỹ năng đóng cọc dựng lều, hoặc luyện kỹ năng xác định phương hướng, thích nghi với môi trường sống. Hay quan trọng hơn nữa là tập luyện khả năng tự lo cho bản thân mình khi gặp tai nạn như hỏa hoạn hoặc là rớt xuống nước... Những thứ đấy mới thực sự là cần thiết hơn là trò “Sơn Đông mãi võ” đi trên đống thủy tinh anh Chung Nguyên ạ! Và ngay cả chuyện tự tin, cũng cần phải tự tin cho đúng đắn chứ không phải cái gì cũng làm là tự tin.

Lòng dũng cảm cần phải đi kèm một ý nghĩa nhất định, vượt qua nỗi sợ để làm một việc có ý nghĩa thì là lòng dũng cảm, còn làm chuyện vô nghĩa chỉ là sự liều lĩnh. Hẳn nhiên, trò đi qua đống thủy tinh có thể đưa vào một hoạt động ngoại khóa như là một trò chơi, một bài học về vật lý hơn là rao giảng về lòng dũng cảm hay là luyện tập kỹ năng sống.

Bản thân mỗi người Việt Nam sinh ra đã dũng cảm với truyền thống ngàn năm chinh chiến, mỗi người đều có lòng dũng cảm dù ít hay nhiều. Rèn luyện lòng dũng cảm là cần thiết, rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết nhưng phải làm cho đúng, cho thích hợp. Đừng cổ xúy cho những việc làm chưa đúng đắn và nâng lên thành những thứ cao xa như giáo dục lòng dũng cảm để bao biện cho cái sai hiện hữu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.