Đi và trải nghiệm...

29/08/2012 03:00 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đã có dịp đặt chân đến từng đảo, nhà giàn ở Trường Sa, thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, và tình yêu Tổ quốc trong họ ngày một lớn dần.

Đó là những trải nghiệm lắng đọng của Alex Thùy Dương, học viên nhảy dù thuộc CLB Hàng không miền Bắc (đến Trường Sa vào tháng 6) khi viết bài cảm nhận mang tên: Mỗi bước chân đi thêm yêu Tổ quốc.  Cô gái trẻ này vốn ưa thích khám phá những vùng đất mới: “Tôi đang từng bước thực hiện cung đường lớn nhất của cuộc đời mình, một cung đường mà tôi luôn mơ ước, luôn khắc khoải, luôn nhung nhớ... trong suốt hơn 20 năm qua”. Chứng kiến cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng tinh thần luôn lạc quan, vững vàng của người lính đảo; nghe giọng hát giao lưu ấm áp của các anh cùng những điều mắt thấy tai nghe ở đảo, niềm xúc cảm của cô gái trẻ tuôn trào như những đợt sóng xô bờ: “Lần đầu tiên tôi khóc như một đứa trẻ khi nghe một bài hát, khóc hồn nhiên giữa rất nhiều người. Tôi thấy trái tim mình như nghẹn đắng khi phải rời xa những người mà tôi gặp... Với Trường Sa, tôi đã có những lần đầu tiên như thế”.

 Bạn trẻ có những trải nghiệm đáng nhớ sau chuyến thăm, giao lưu chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió
Bạn trẻ có những trải nghiệm đáng nhớ sau chuyến thăm, giao lưu chiến sĩ hải quân
nơi đầu sóng ngọn gió - Ảnh: Như Lịch

Anh Lê Hải Bình, công tác tại Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, đã ghi lại cảm nhận về chuyến đi qua bài thơ: Chuyện Trường Sa. Trong đó có những câu mộc mạc mà làm xao động lòng người: Nhớ đảo hiên ngang trước từng cơn bão/Nhớ cơn gió, hạt mưa, nhớ biển Đông mùa hạ/Mai mốt về đất liền, vẫn chòng chành đến lạ/Vì trái tim anh còn ở lại Trường Sa. Cũng như nhiều thành viên khác trong đoàn, anh Bình không thể nào quên câu chuyện có thật xảy ra với một chiến sĩ trẻ trên đảo Đá Đông: Có anh lính Trường Sa nhớ quê hương/Chẳng kịp về khi biết tin bà mất/Quặn thắt tim anh súng trên vai, đứng gác/Nước mắt lăn thầm, anh lặng hát: Nội tôi…

Đối với chị Nguyễn Thu Hằng, chuyên viên Văn phòng Chính phủ, khát khao cháy bỏng bấy lâu là được một lần chạm tay vào sóng nước Trường Sa nay đã thành hiện thực. Vậy nên, cảm xúc vui sướng cứ vỡ òa theo những dòng chia sẻ của chị: “Nếu ai hỏi âm thanh nào bạn thích nhất ở Trường Sa? Tôi sẽ nói ngay rằng, tiếng Quốc ca và tiếng chuông chùa! Đây là hai thanh âm sâu sắc nhất trong tâm thức tôi. Tiếng chuông trầm mặc thỉnh vào thinh không, thỉnh vào lòng người nguyện cho quốc thái dân an, trăm họ viên mãn. Tiếng Quốc ca là thanh âm của chủ quyền, thanh âm lời thề của mọi thế hệ quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Không chờ về đến đất liền mới lưu luyến những hòn đảo yêu dấu nơi khơi xa mình đã đi qua, nỗi nhớ của chị Thu Hằng thật mãnh liệt: “Tôi nhớ Trường Sa ngay cả khi tôi đang đứng giữa Trường Sa. Nỗi nhớ thanh mảnh mà sắc như cật nứa vậy!”.

Còn nhớ, lúc tàu HQ 571 sắp cập cảng Cát Lái để đưa đoàn trở lại đất liền, cô ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý liên tục nhận những cuộc gọi từ người thân, bạn bè. Và, lần nào cũng vậy, trước khi trả lời điện thoại, cô gái đa tài, vốn có lối sống nội tâm này trở nên sôi động đến bất ngờ khi hát đi hát lại điệp khúc: Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa - Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ - Ta vẫn vượt qua. Lý nói, sau một dịp lênh đênh trên biển và đến thăm các đảo, những câu hát trên đã ăn sâu vào tiềm thức của cô, nên giờ cứ bật ra như một điều tự nhiên vậy.

Như Lịch

>> Triển lãm ảnh về Trường Sa
>> Bác sĩ Trường Sa cứu ngư dân gặp nạn
>> Công an TP.HCM hướng về Trường Sa
>> Tặng bằng khen cho Trường tiểu học Trường Sa Lớn
>> Bia “chủ quyền” Trung Quốc không có Hoàng Sa - Trường Sa
>> Vì học sinh Trường Sa thân yêu
>> Môt đời vì Hoàng Sa-Trường Sa
>> Khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa
>> Xúc động với Cảm xúc Trường Sa
>> Trường Sa ấm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.