Trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc là do tôi tự nghĩ ra đề tài, tự làm lấy mọi việc, không ai đặt hàng cho tôi hết. Tôi viết trường ca này với lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, với những “dân ấp dân lân... cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” mà tôi thương yêu và đồng cảm hết lòng. Song tình cảm là một chuyện, ngưỡng mộ là một chuyện, còn khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng và tìm tài liệu cho trường ca, thì phải lao động cụ thể và tỉ mỉ.
|
Bắt đầu từ năm 1977, tôi đã tìm đọc những tài liệu (đã dịch ra tiếng Việt) về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam. Phải đọc rộng để hiểu cả phong trào kháng Pháp, rồi sau đó mới đọc sâu vào cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Càng đọc, càng tự hào và yêu thương dân tộc mình. Chính những khi người yêu nước lâm vào thế yếu, thế khó, thế kẹt, mới lừng lững xuất hiện những người anh hùng, những tập thể anh hùng, và nhân dân anh hùng lẫm liệt. Trong lịch sử, dân tộc ta đã từng thua quân nhà Minh, và phải sau cuộc trường kỳ kháng chiến mười năm “nằm gai nếm mật” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, chúng ta mới giành được thắng lợi. Nhưng ngay trong lúc thua, Việt Nam đã chói sáng lên bao anh hùng!
Với thời kỳ đầu kháng Pháp cũng vậy. Đọc lịch sử mới thấy, thực ra Trung Quốc thua phương Tây quá dễ dàng, dù đó là thua Anh hay Pháp. Thua dễ dàng và thê thảm. Còn Việt Nam thì không. Trong suốt thời kỳ 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam, chưa bao giờ kẻ xâm lược được yên. Thực dân Pháp dựng lên những nhà tù còn nhiều hơn những khu mỏ mà họ khai thác tài nguyên của Việt Nam. Những nhà tù ấy, chủ yếu để cô lập những "tài nguyên” thực sự của Việt Nam - đó là những người khởi nghĩa, những người yêu nước, và cuối cùng, là những nhà cách mạng Việt Nam sẽ làm cuộc vùng dậy thành công vào ngày 19.8.1945.
Để viết trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc tôi phải tìm tới những “khu mỏ” mà “khai thác tài nguyên”. Tôi đi Cần Giờ, Cần Giuộc, Gò Công. Cũng may là hồi kháng chiến chống Mỹ tôi có thời gian sống ở chiến trường Mỹ Tho, lại đã từng qua Long An, Đồng Tháp, nên những địa danh Nam bộ này hoàn toàn không xa lạ với tôi. Tôi như người về lại vùng đất cũ, nơi đã cưu mang mình trong chiến tranh. Và đúng là tôi đã được bà con ở Gò Công hay Cần Giuộc tiếp đón ân cần, dù họ chưa hiểu mục đích chuyến đi của tôi.
n cần nhất khi ta về những vùng quê ấy, là được… mời nhậu. Dạo đó tôi còn trẻ khỏe, và uống rượu rất chì. Tôi không từ chối bất cứ cuộc mời nhậu nào, dù rượu Cần Giuộc hay Cần Đước rất nặng độ, còn rượu Gò Công thì tuyệt vời khi được ngâm với trái sê ri là đặc sản của vùng đất này. Và bạn biết không, với bà con nông dân Nam bộ, thì sự xáp vô thật tình đó là “chứng chỉ” tốt nhất để bạn có thể được họ cảm mến.
Sẽ là một thiếu sót vô cùng nếu tôi không đưa vào trường ca của mình cái tên một nhà thơ vĩ đại của đất Chín Rồng, của đất dừa Bến Tre và đất ruộng Long An: nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đã nhờ cậy rất nhiều vào khí phách, vào thơ ca, vào nhân cách của cụ Đồ Chiểu khi viết trường ca này. Và sau khi Những nghĩa sĩ Cần Giuộc ra đời được mấy năm, tôi vẫn chưa thấy đủ nên lại viết tiếp trường ca Trò chuyện với nhân vật của mình mà cụ Đồ Chiểu là nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Tôi nghĩ, Trương Định và Đồ Chiểu là “cặp đôi hoàn hảo” ăn ý nhất không chỉ trong suy nghĩ và hành động yêu nước, cứu nước, mà cả trong thơ, trong văn học. Dường như người này sẽ thiếu rất nhiều nếu không có người kia, và ngược lại. Đó cũng là điều kỳ lạ ở đất nước chúng ta.
Với Việt Nam, thơ ca là nhập cuộc, là có ích, là chiến đấu. Và thơ ca là cầu nối cho những tình bạn cao đẹp, bền vững. Trương Định không phải nhà phê bình thơ, không làm thơ, nhưng có thể nói, Trương Định là người hiểu thơ Đồ Chiểu hơn ai hết. Quảng Ngãi quê tôi cũng không thiếu kẻ hèn, nhưng tôi tự hào vì có một con người can trường tới khi chết như Trương Định. Và ông cũng là niềm tự hào vô cùng với mọi người dân Nam bộ yêu nước và sống hồn nhiên, lành sạch. Ông đã ngã xuống đúng nơi cần ngã xuống. Vì đất nước Việt Nam.
Dân Mộ Nghĩa Biển ơi và lập tức tái sinh đứng trước người tôi chỉ là đứa trẻ cho tới khi tôi hòa nhập cùng người... khi đó tôi thành hạt muối nhỏ nhoi giọng cao tung bọt trắng trời tôi trôi qua những vùng bóng tối nhấp nhoáng ngọn lửa sình lầy ai đầu tiên rèn chiếc phãng gió bạt luồng chim về hai phía bỏ buồn cho em bỏ buồn cho tôi uống ngụm nước phèn chát ngắt chát ngơ tôi yêu quý hoa sen họ lấm láp sình lầy bước vào thơ Đồ Chiểu để dưới trăng lưỡi mác mài bén ngót tù và rúc xuyên đêm lồng lộng mù sương loang ngực sông những đàn chim bốc lên chân khẽ khàng đặt bên màu trắng bàn tay nâng nhẹ tổ chim có bậc thầy tay không bắt rắn họ sống lẫn mặt trời bóng tối nhịp chày ba giã gạo sáng trăng người già nhớ vùng quê hao gầy vùng quê điệu lý xanh trên dòng sông xanh kỳ lạ đền đài cát chuyển hóa về đâu những giọt nước mắt kia của ai phải lìa bỏ quê nhưng sao cực quá thế này? biết nguyền rủa ai cảm tạ ai đây thì tuôn nữa vào rừng hoang phát cỏ phát cỏ kẻ giàu ăn hết của kẻ nghèo đi đâu? vót nhọn thêm ngọn lao gỗ mun cất chòi nón rách phơi đầu gió cá lóc nướng trui cho tôi bài hát trẻ con tôi đã qua nhiều khoảng lặng im dễ gì nói được bằng lời có hề chi vài chữ tôi dùng tôi không phải nhà khảo cổ đây chỉ là cuộc gặp gỡ giản đơn nếu trời cho cơ hội cảm ơn nhà thơ mù hát về những ngọn sóng bình minh Thanh Thảo |
Thanh Thảo
>> 'Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc'' - Ngôi đền thiêng trong văn học
Bình luận (0)