Đi về miền Dao: Huyền bí tranh thờ người Dao

16/03/2024 06:45 GMT+7

Hơn 200 bức tranh thờ của riêng người Dao, trong đó có những bức đã lưu truyền qua hơn 7 đời người, tạo thành một "triển lãm" đặc biệt diễn ra trong lễ Tẩu Sai ở Phìn Ngan, Lào Cai đầu năm 2024. Mỗi tác phẩm là sự hội tụ của tính thiêng, ý nghĩa, niên đại, kỹ thuật, mỹ thuật, chất liệu, phong cách thể hiện… hợp thành giá trị nghệ thuật vô giá.

Một trong những nghi thức trọng đại của lễ Tẩu Sai (cấp sắc lên 12 đèn) của người Dao ngay trong đêm đầu tiên là treo tranh thờ. Tranh thờ phục vụ nghi lễ tâm linh được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt.

Đi về miền Dao: Huyền bí tranh thờ người Dao- Ảnh 1.

Các bộ tranh quý được treo trong lễ Tẩu Sai của người Dao ở Phìn Ngan

Ảnh: Lam Yên - Phong An

Người được giao nhiệm vụ gìn giữ tranh là những vị có vai vế cao như trưởng họ, thầy cúng và đều có những nguyên tắc, luật lệ chặt chẽ. Vì vậy, thường rất khó để có thể thấy được tranh thờ trong đời thường. Tranh thờ khắc họa các vị thần tiên trong Đạo giáo (Tam Thanh, Ngọc Hoàng…), binh tướng, linh thú, và cả âm binh, ma quỷ… nên chỉ khi có đại sự thì người Dao mới treo tranh thờ. Khi xong việc phải thu tranh, cuộn lại, cất giữ thật kỹ.

Người Dao cho rằng khi mở tranh, âm binh sẽ theo đó ra ngoài đời thực nên khi xong việc nếu không thu về sẽ khiến thế lực xấu lang thang hại người. Chỉ dịp cúng lớn như lễ Tẩu Sai, bộ tranh quý của thầy cúng và dòng họ mới được đem treo, biến nơi diễn ra lễ cúng trở thành không gian triển lãm đặc biệt.

Nghi lễ treo tranh

Tín ngưỡng của người Dao là Đạo giáo, thờ Tam Thanh với Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Trong ngày đầu tiên của lễ Tẩu Sai, nghi lễ trọng đại nhất là cung thỉnh Tam Thanh về dự.

Đi về miền Dao: Huyền bí tranh thờ người Dao- Ảnh 2.

Thầy cúng Chảo Láo Sì treo bộ tranh cổ do tổ tiên truyền lại

Hơn 11 giờ đêm, các thầy cúng lớn của lễ Tẩu Sai ở Phìn Ngan như Chảo Tờ Phủ, Chảo Tờ Quẩy, Lý Phú Vảng, Chảo Tờ Sài… báo hiệu chuẩn bị làm lễ khai đàn thả tranh. Cái lạnh của sương núi, gió lộng, cộng với không gian rộng lớn của căn lán giữa đồng, tạo cho đêm đen thêm phần huyền bí. Tổng cộng có 43 cặp đôi dự lễ lên đèn cùng 18 vị thầy cúng; tất cả đều nghiêm trang và trầm tư.

Mọi người được yêu cầu ngồi yên tại vị trí, toàn bộ đèn tắt phụt. Các thầy cúng liên tục nhắc đi nhắc lại không sử dụng bất kỳ ánh sáng nào trong suốt nghi lễ, bởi chỉ nguồn sáng nhỏ cũng có thể làm mất linh nghiệm, Tam Thanh sẽ không về.

Trong không khí trang nghiêm, giọng văn cúng vọng lại thì thầm, vài tiếng chuông gieo ngân trong tĩnh mịch sơn cước. Bài văn cúng kết thúc, tiếng kèn giả gà gáy vang lên, trống và thanh la rộn ràng theo sau, đèn bật sáng. Tam Thanh đã về! Nhìn lên bức vách chính của lán trại, ba bức tranh Tam Thanh với sắc màu rực rỡ, ngự ở đó. Lễ thả tranh cúng được bắt đầu. 18 thầy cúng mang đến 18 bộ tranh, ngoài tranh Tam Thanh, các bức tranh khác gồm Ngọc Hoàng, các vị thần Hải Bá, Lý Thiên Sư, Đặng Nguyên Sư, Trương Thiên Sư, Triệu Nguyên Sư, Dương Khố, Thủy Khố, Thái Úy, cho đến Thập Điện Diêm Vương rồi Tứ Trực Công Tào… được trịnh trọng treo hết lên bức vách.

Khi được hỏi nguyên do vì sao phải treo tranh Tam Thanh trong bóng tối, thầy cúng Chảo Tờ Quẩy giải thích: "Phải treo đêm, tránh trường hợp có kẻ xấu muốn quấy phá, việc treo tranh không thành sẽ làm hỏng đại sự".

Tam Thanh tái sinh

Trong số hơn 200 bức tranh thờ được treo ở lễ Tẩu Sai, có một bức được giới nghiên cứu định danh là Tổng Đàn, khắc họa thần linh khắp cõi vũ trụ, thể hiện 9 phân lớp, tương ứng 9 tầng trời, trên cùng là Tam Thanh. Bức tranh này còn được gọi bằng một tên khác là Tam Thanh tái sinh.

Đi về miền Dao: Huyền bí tranh thờ người Dao- Ảnh 3.

Bức Tổng Đàn, còn gọi tranh Tam Thanh tái sinh của người Dao

Đi về miền Dao: Huyền bí tranh thờ người Dao- Ảnh 4.

Tranh nhiều dây phướn, chứng tỏ sử dụng nhiều, đồng nghĩa với niên đại cao và linh ứng

Câu chuyện Tam Thanh tái sinh được nhà nghiên cứu Dương Thanh thuật lại: Xưa có ngọn núi gọi là Mỹ Sơn, Tam Thanh sống ở đó, tu luyện và thuần hóa được ma quỷ, động vật. Sau đó, Tam Thanh truyền phép thuật cho con người rồi về trời. Tuy nhiên, con người mải vui chơi, quên pháp thuật khiến ma quỷ mạnh lên, dẫn đến chiến tranh, con người bị tiêu diệt dần. Người Dao đứng ra thỉnh cầu Ngọc Hoàng mời Tam Thanh quay trở lại hạ giới. Tam Thanh đầu thai vào vợ chưa cưới của vua Đường, bà qua đời khi sinh con nên đứa bé bị vứt vào rừng và được các loài muông thú nuôi sống. Tam Thanh lớn lên, luyện pháp thuật, khi trưởng thành chuyển đến nơi có rừng hoa mận trắng ở núi Mỹ Sơn và lưu lại 3 năm để nâng cao công lực (Đây cũng là lý do nơi ở của người Dao thường có hoa mận trắng, nở đều quanh năm. Giống mận này sai quả nhưng ăn rất chát, người Dao tin rằng hoa mận giúp xua đuổi tà ma quanh nơi họ cư trú - PV). Sau đó, Tam Thanh lần lượt làm các lễ lên 3 đèn, 7 đèn, 9 đèn, và tiến tới lên 12 đèn để đủ sức mạnh chiến thắng ma quỷ. Tuy nhiên, lúc này Tam Thanh bị 2 con rồng đen quấn chân, quấy nhiễu khiến việc lên 12 đèn rất gian nan. Cuối cùng nhờ tu luyện, Tam Thanh chiến thắng rồng đen. Từ đó, để thắng được ma quỷ, Tam Thanh dạy người Dao phải lên 12 đèn.

Hiện bộ tranh quý nhất của người Dao ở Lào Cai thuộc quyền lưu giữ của thầy cúng trẻ Chảo Láo Sì (con trai thầy cúng Chảo Sành Nhàn) gồm 24 bức có niên đại hơn 200 năm, được các nhà nghiên cứu xác định là bộ tranh cổ đầy đủ và hiếm hoi còn lưu lại trong cộng đồng người Dao trên thế giới.

Thầy cúng Chảo Láo Sì cho biết: "Bộ tranh của nhà mình lưu truyền nhiều đời rồi, ngày xưa tổ tiên đến đây mang theo bộ tranh này. Điểm đặc biệt ở bộ tranh là dùng màu từ đá quý, vảy bằng vàng thật".

Tranh thờ của người Dao, ngoài giá trị tín ngưỡng, tâm linh, còn là loại hình nghệ thuật độc đáo. Để vẽ hoàn thiện một bộ tranh thờ mất từ 2 đến 3 tháng ròng, họa công phải dựng nơi ở riêng sống tách biệt với cộng đồng, không được nhìn mặt vợ con cho đến khi cả bộ tranh hoàn thiện. Mỗi lần vẽ cũng phải chọn ngày giờ tốt, phù hợp. Họa công tạo nên tác phẩm bằng tinh thần, bằng niềm tin nên tranh thờ biểu đạt được thần thái, uy vệ đặc biệt. Tiếc rằng, người có khả năng vẽ tranh thờ, riêng ở Lào Cai, hiện chỉ còn Chảo Láo Sì là thế hệ tiếp nối. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.