Vào cuối tháng 7.2023, nhóm BlackPink sẽ làm concert worldtour "Born Pink" tại Mỹ Đình (Hà Nội), ước tính số lượng tham gia lên đến hàng chục ngàn người. Để có được trải nghiệm tuyệt vời, người trẻ cần lưu ý vấn đề gì?
Đầu óc quay cuồng, khó thở và sau đó không biết gì
N.N.G (25 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại 155/H9 đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM, chia sẻ bản thân đã bị ngất xỉu khi xem concert của một ca sĩ Việt Nam nổi tiếng tại sân vận động Phú Thọ (TP.HCM) vào tháng 4.2021.
"Hôm ấy, có hơn 10.000 người tham dự. Mình đã cố chen lấn đến gần phía khán đài để thấy rõ được mặt thần tượng. Nhưng khi mình bước vài bước thì cảm thấy chóng mặt, đầu óc quay cuồng, khó thở và sau đó không biết gì… Mình đã tỉnh lại ở lều dã chiến hỗ trợ cấp cứu gần đó", G. kể
Trước đây, Thanh Niên cũng đã đưa tin có khoảng 50.000 người đã tham gia lễ hội âm nhạc Astroworld (Mỹ). Và chỉ sau vài giờ, đám đông bắt đầu chen lấn về phía khán đài khiến 8 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Là người từng đi xem concert của BlackPink tại Thái Lan vào tháng 1.2023, Nguyễn Hoàng Hải (26 tuổi), ngụ tại Q.4, TP.HCM, cho biết anh chàng đã bị khó thở, chóng mặt tại chương trình vì do đứng đợi xếp hàng nhiều giờ liên tục, cũng như bị đám đông chen lấn.
"Trước khi đi mình đã ăn quá ít, do đó không có đủ thể lực. Song, mình phải có mặt từ rất sớm (trước 11 giờ trưa của ngày hôm đó) để đứng xếp hàng và gần tối thì mới thấy BlackPink xuất hiện. Bên cạnh đó, mỗi khi nhóm nhạc thể hiện ca khúc mới, đám đông bắt đầu hò hét, cổ vũ, chen lấn. Tại khu vực đứng, không ít bạn nữ đã ngất xỉu vì bị khán giả xô đẩy. Lúc đó, mọi người hô hoán, dạt hai bên để lực lượng cứu hộ, y tế vào cấp cứu", Hải nói.
Cũng từng đi xem concert của nhóm BlackPink tại Thái Lan, Cao Hoàng Mẫn (27 tuổi), ngụ Q.6, TP.HCM, cho hay mình đã chứng kiến nhiều bạn rơi vào trường hợp không vào được vì vé đã bị người khác sử dụng.
"Những bạn trẻ mua vé chợ đen hay sang nhượng thì khả năng rủi ro bị lừa rất cao. Ngoài ra, ai thấp hay thể lực yếu thì không nên chọn khu đứng vì dễ bị ngất xỉu và mỏi cổ cũng như khó tận hưởng được không khí của đêm nhạc", Mẫn nói.
Hoàng Mẫn giải thích thêm: "Khu đứng dù gần khán đài nhưng sẽ không có số cố định, không có ghế ngồi, ai cũng có thể chen lấn và sẽ mất chỗ nếu bạn đi đâu đó. Mọi người phải đến chương trình sớm từ lúc 11 giờ trưa, chưa kể phải xếp hàng, chạy giành chỗ, đợi thần tượng… cho nên ai có thể lực kém thì rất dễ bị ngất xỉu khi chọn khu đứng. Nếu mọi người muốn tận hưởng không khí, thấy toàn cảnh và có chỗ ngồi thì nên chọn khu vực khán đài để có trải nghiệm tốt".
Bên cạnh đó, để có một buổi xem concert thuận lợi, Hải khuyên: "Nên ăn no, đầy đủ chất trước khi đi. Nên mặc đồ gọn nhẹ, thoáng mát, đem theo những vật dụng nhẹ như: nón, quạt nhựa, sạc dự phòng. Điện thoại nên cầm trên tay, hoặc để vào túi đeo cổ. Đem đủ số tiền để trả phí xe lúc đi và về cũng như mua đồ ăn (bên ngoài) thức uống hoặc những thứ lặt vặt".
Để đảm bảo an toàn trong đám đông chen lấn
Đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết không ít nguy hiểm rình rập tại các chương trình âm nhạc của thần tượng. Sở dĩ, nơi đây tập trung rất đông người, việc mệt đói và ngất xỉu là những sự cố thường gặp và nguy cơ đám đông chen lấn, giẫm đạp lên nhau gây thương tích. Hoặc nạn nhân cũng có thể ngạt thở vì thiếu oxy trong không gian hẹp, nhất là những trường hợp có bệnh nền tăng huyết áp hay nhồi máu cơ tim, tai biến.
Đại úy Thái Ngô Hiếu cho biết thêm một số bạn có thể bị ngất xỉu trong đám đông chỉ vì nghe tin "xấu" ở đâu đó. Lúc này, họ suy nghĩ lung tung và sợ khi cứ nghĩ mình có thể bị kẹt lại trong "biển người", từ đó làm tăng nhịp tim, thở nhanh, gây cảm giác khó thở và dẫn đến bất tỉnh...
"Không nên tụ tập xung quanh người bị ngất xỉu. Trong thời gian đợi lực lượng cứu hộ đến ứng phó, hay tự cứu chữa lẫn nhau bằng cách sơ cấp cứu cơ bản, như hồi sinh tim phổi, cầm máu, cố định xương gãy (nếu biết). Đặc biệt, phải đảm bảo bản thân an toàn trước khi hỗ trợ người khác và tuyệt đối không hoảng loạn, vì càng hoảng loạn càng làm mất năng lượng, nhanh đuối sức", đại úy Hiếu chia sẻ.
"Trong trường hợp ở vị trí xung quanh toàn người, có biểu hiện chen lấn, đẩy nhau thì bạn nên "hùa" theo hướng đi của họ, nếu di chuyển ngược lại bạn sẽ té và bị người khác giẫm đạp. Nếu bị ngã hãy lập tức đứng dậy. Nếu không thể đứng dậy, hãy đưa tay ôm đầu để bảo vệ đầu và co chân lên gần với cơ thể, cố gắng giữ bình tĩnh, không la hét. Còn nếu đang ở vùng an toàn thì đứng im, chờ lực lượng cứu hộ, cố gắng cảnh báo cho người đến sau không đi vào khu vực nguy hiểm", đại úy Thái Ngô Hiếu cho lời khuyên.
Bình luận (0)