Địa phương đối mặt thiếu máy móc, sinh phẩm chống dịch

07/08/2020 04:18 GMT+7

Tiền có, vật tư sẵn, nhu cầu cần, trong điều kiện dịch đang có diễn biến nguy hiểm, nhưng nhiều địa phương vẫn không mua nổi máy móc, sinh phẩm chống dịch vì “cơ chế”.

Viện Pasteur Nha Trang ngưng nhận mẫu vì hết sinh phẩm

Ngày 6.8, TS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) 11 tỉnh, TP thuộc khu vực miền Trung, về việc tạm hoãn nhận mẫu xét nghiệm Covid-19 do không còn nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao. Viện Pasteur Nha Trang đề nghị CDC các tỉnh chủ động xét nghiệm; nếu quá tải và có nhu cầu xét nghiệm có thể gửi mẫu về Viện, nhưng phải kèm sinh phẩm, kit tách chiết, vật tư tiêu hao tương đương với số lượng mẫu.
Thiếu sinh phẩm phục vụ xét nghiệm, cuộc chiến Covid-19 của VN sẽ đối mặt nhiều khó khăn ẢNH: S.X

Thiếu sinh phẩm phục vụ xét nghiệm, cuộc chiến Covid-19 của VN sẽ đối mặt nhiều khó khăn

ẢNH: S.X

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên về vấn đề này, TS Đỗ Thái Hùng thông tin: Sau khi gửi văn bản đi, lãnh đạo Viện đã liên hệ với một số đơn vị và được hỗ trợ kit test nhưng với số lượng ít, chỉ đủ thực hiện cho những tỉnh khó khăn và trường hợp nguy cơ có khả năng dương tính.

Viện Pasteur Nha Trang tạm hoãn nhận mẫu xét nghiệm Covid-19 vì hết nguồn sinh phẩm

Trước việc này, BS Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc CDC Khánh Hòa, nói thông báo của Viện Pasteur Nha Trang đã khiến tỉnh gặp khó khăn, vì Khánh Hòa cũng tiếp nhận cách ly hàng trăm người từ nước ngoài trở về Việt Nam, phải làm xét nghiệm. Theo ông Dõng, hiện nay có một đơn vị đề xuất hỗ trợ đặt máy xét nghiệm Covid-19 và tỉnh chỉ cần mua hóa chất, vật tư tiêu hao. Để chủ động trong chống dịch, CDC Khánh Hòa đã tham mưu Sở Y tế, báo cáo xin chủ trương từ UBND tỉnh và được đồng ý. Hiện tại, CDC đang làm các bước để lắp đặt máy, dự kiến, trong tuần sau sẽ triển khai đặt máy với công suất khoảng 200 mẫu/ngày.
Trong khi đó, theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, những ngày gần đây, các mẫu gửi về xét nghiệm liên tục tăng. Hiện tại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vẫn còn sinh phẩm thực hiện chẩn đoán do đã dự trù từ trước. ‘‘Tuy nhiên, nếu không bổ sung thì cũng sẽ hết. Mà muốn mua bổ sung thì cần có kinh phí. Và không phải mua là có ngay”, một cán bộ của Viện cho biết.

Bản tin Covid-19 ngày 6.8: Sẽ có hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, nhiều bệnh nhân đang nguy kịch

Nhiều tỉnh “cân đo đong đếm” vật tư

Sở Y tế Quảng Ninh cũng cho biết địa phương này đang phải “cân đo đong đếm” đối với vật tư phục vụ việc xét nghiệm Covid-19 vì thiếu. Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nói Quảng Ninh đón hàng nghìn công dân về nước trên các chuyến bay và bắt buộc phải làm các xét nghiệm Covid-19 nên tiêu hao vật tư rất lớn, nhưng muốn mua bổ sung thì rất khó khăn và mất thời gian. “Vừa rồi hàng nghìn chuyên gia nước ngoài đến cách ly ở Hạ Long phải chờ đợi khá lâu mới được xét nghiệm vì thiếu vật tư, hóa chất. Bây giờ các trường hợp nghi nhiễm, được chỉ định mới làm xét nghiệm chứ không thể làm ồ ạt được”, ông Hậu nói. Theo Sở Y tế Quảng Ninh, trong số 8.000 người địa phương này trở về từ vùng dịch từ ngày 1.7 đến nay thì chỉ có gần 200 người được xét nghiệm Realtime-PCR, còn lại chỉ là test nhanh.
Còn theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang Từ Quốc Hiệu, năng lực xét nghiệm hiện tại của Bắc Giang “có nhưng yếu”, “kit test cũng hiếm” và nói thêm: “Khi có nhu cầu thì chúng tôi báo cáo, xin Bộ mang cho một ít, hoặc mua của doanh nghiệp”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc CDC Thanh Hóa, cho hay các vật tư, sinh phẩm dùng để xét nghiệm PCR tỉnh còn đủ dùng 1 hoặc 2 tuần, phụ thuộc vào số lượng mẫu cần xét nghiệm nhiều hay ít trong những ngày tới. “Nguồn cung ứng gặp nhiều khó khăn. Đến hôm nay (6.8), chúng tôi đang còn gần 2.000 sinh phẩm test để chẩn đoán và các hóa chất sinh phẩm khác để làm mẫu sàng lọc, xét nghiệm”, ông Trương nói.
“Đồng cảnh ngộ”, hiện Thái Bình cũng chỉ còn gần 1.500 kit test mà chưa thể mua bổ sung. Theo ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, tỉnh có 2 vấn đề khó khăn. Một là, nếu dịch bùng phát thì sẽ không đủ máy thở (toàn tỉnh chỉ có 14 máy). Hai là, thiếu bộ xét nghiệm. “Trên thực tế, Thái Bình rất quyết liệt trong chống dịch và không thiếu kinh phí nhưng lại gặp khó khi mua thiết bị”, theo ông Dịu.

Tổng hợp tin Covid-19 tại Việt Nam ngày 6.8: Thêm 34 bệnh nhân mới, 2 ca tử vong

Cùng ngày, liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, CDC TP.HCM, báo cáo đã có 43.898 người từ Đà Nẵng đến TP.HCM từ ngày 1.7 thực hiện khai báo y tế phòng Covid-19. Trong số này có 30.581 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, bao gồm 17.365 mẫu có kết quả âm tính, 6 dương tính (đã công bố), các mẫu còn lại đang đợi kết quả. TP đang ứ đọng một lượng lớn mẫu chưa được chạy. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC TP.HCM, cho biết thêm TP.HCM tiếp nhận một lượng người khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm khá lớn. Những người này sẽ được phân loại theo nhóm nguy cơ để thực hiện khai báo y tế và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngay với những người có nguy cơ cao. Hiện năng lực xét nghiệm thực tế của TP là từ 4.000 - 5.000 mẫu/ngày, ngành y tế TP đã thẩm định thêm 8 đơn vị nữa để thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để người dân an tâm.

“Không mua sắm gì được”

Trong bối cảnh dịch càng lúc càng có diễn biến khó lường, nhiều địa phương đã kêu khó với Thủ tướng, đề nghị tháo gỡ cơ chế về mua sắm vì họ rất “sợ” về giá cả. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư “tháo gỡ”, đưa ra giá tham chiếu để các địa phương căn cứ vào đó chỉ định thầu. Nhiều tỉnh khác cũng có chung tâm tư này.
“Tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ lần trước, chúng tôi cũng đã nói, cái cần nhất hiện nay là làm sao nâng cao năng lực xét nghiệm, máy móc, hóa chất... Hiện tại vướng nhất khi mua máy là cơ chế. Không gỡ vướng cơ chế thì làm sao mua được? Vừa rồi Thủ tướng đã giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, và chúng tôi đang đợi hướng dẫn, chứ như hiện nay không biết đằng nào mà mua. Kể cả đấu thầu chúng tôi cũng đang đợi, mà chưa thấy bộ nào hướng dẫn”, ông Từ Quốc Hiệu nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Dịu cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ra quy định về mặt bằng giá thiết bị y tế và có quy định gọn nhẹ về thủ tục mua sắm. “Bộ Y tế cần công bố bảng giá các thiết bị chống dịch để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch mua, tránh sai phạm. Riêng việc mua bộ xét nghiệm bây giờ cũng cần có 3 báo giá. Thực tế thì lại chỉ có 1 đơn vị có bộ kit được công nhận kết quả. Điều này khiến việc lập dự toán mua gặp khó”, ông Dịu nói.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 7.8: Thêm 3 ca mắc mới ở Quảng Trị, Thanh Hóa

Cả nước thêm 34 ca bệnh mới, 31 ca liên quan Đà Nẵng

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), tới cuối giờ chiều 6.8 cả nước ghi nhận thêm 34 bệnh nhân (BN) Covid-19, nâng tổng số BN của cả nước lên 747 ca. Trong đó, số ca mắc mới trong cộng đồng, liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng, tính từ ngày 25.7 đến nay là 295 ca.
Cụ thể, trong sáng 6.8, BCĐ công bố 4 BN (BN 714 - 717), trong đó có 3 BN tại Quảng Nam và 1 BN tại Hà Nội. Chiều cùng ngày, BCĐ công bố thêm 30 BN (BN 718 - 747); bao gồm 27 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có liên quan tới Đà Nẵng (20 BN tại Đà Nẵng, 6 BN tại Quảng Nam, 1 BN tại Bắc Giang). 3 BN còn lại nhập cảnh được cách ly ngay khi về Việt Nam.
Trong ngày 6.8, Việt Nam ghi nhận thêm 2 BN Covid-19 tử vong là BN 651 (nữ, 67 tuổi, quê Quảng Nam) và BN 718 (nữ, 67 tuổi, quê tại Đà Nẵng, được xác định nhiễm Covid-19 vào cuối giờ sáng 6.8 và công bố trong bản tin 18 giờ chiều cùng ngày), nâng tổng số BN Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 10 người. Cả 2 BN đều được ghi nhận tử vong tối 5.8. BN 651 tử vong do viêm phổi, suy hô hấp, suy thượng thận mạn tính, đái tháo đường type 2 và Covid-19. BN 718 tử vong do đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết và Covid-19.
Theo Tiểu ban Điều trị thuộc BCĐ, tất cả các BN tử vong đều có tiền sử bệnh rất nặng. Trước khi mắc Covid-19, các BN này đã có thời gian dài duy trì sự sống dựa vào máy móc và thuốc, nhiều người suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo, kèm theo một loạt bệnh nặng khác. Hiện có khoảng 24 BN Covid-19 có tiên lượng nặng, có diễn biến nặng lên; 11 BN nguy kịch phải thở máy, ECMO, hồi sức tích cực (ICU)…
Liên Châu - Lê Hiệp 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.