Địa phương nào dẫn đầu chất lượng giáo dục?

09/08/2021 07:18 GMT+7

Qua kết quả đối sánh điểm thi, điểm học bạ THPT hằng năm, các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục đã có những phân tích, đánh giá với nhiều khía cạnh khác nhau về chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, cần có sự đối sánh giai đoạn 5 năm (2017 - 2021) để biết được quá trình tiến triển chất lượng giáo dục của từng địa phương, qua đó phân nhóm giúp biết được vị trí của mình để không ngừng cải tiến chất lượng giáo dục.
Dựa vào kết quả xếp hạng hằng năm theo tiêu chí: điểm trung bình tốt nghiệp của các địa phương xếp từ cao đến thấp trong giai đoạn 2017 - 2021, chúng tôi thực hiện tính trung bình thứ hạng cho từng địa phương và sắp xếp từ nhỏ đến lớn.
Từ kết quả này có thể phân chia các tỉnh, TP thành 3 nhóm: nhóm 20 địa phương đầu có chất lượng tốt và ổn định; nhóm 23 địa phương có chất lượng thấp hơn, thứ hạng trồi sụt; nhóm 20 địa phương cuối, chất lượng giáo dục đại trà còn thấp.

20 tỉnh, TP có chất lượng giáo dục phổ thông tốt

Nhóm đầu tiên gồm 20 tỉnh, TP có chất lượng giáo dục phổ thông tốt, ổn định. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có 7 địa phương: Nam Định (xếp hạng 1), Ninh Bình (2), Hà Nam (3), Vĩnh Phúc (6), Hải Phòng (9), Thái Bình (14), Hải Dương (16); vùng ĐBSCL có 7 địa phương: An Giang (5), Bạc Liêu (8), Vĩnh Long (12), Cần Thơ (13), Tiền Giang (17), Bến Tre (18), Đồng Tháp (19); vùng Đông Nam bộ 3 địa phương: Bình Dương (4), TP.HCM (7), Bà Rịa-Vũng Tàu (20); Tây nguyên có Lâm Đồng (10); miền núi phía bắc có Phú Thọ (11); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có Bình Thuận (15).
Trong nhóm này, các địa phương luôn giữ vững thứ hạng cao như Nam Định có 3 năm xếp hạng 1, hai năm hạng 2. Bình Dương có sự tiến bộ vượt bậc khi năm 2017 xếp hạng 8, năm 2021 hạng 1. Vĩnh Long từ hạng 12 năm 2017 nâng lên hạng 8 năm 2021. Tuy nhiên, cũng có tỉnh tụt hạng như Bình Thuận năm 2017 xếp hạng 11, năm 2021 hạng 20.

TP.HCM đứng thứ 7 về chất lượng giáo dục trong 5 năm qua

Độc Lập

23 địa phương có chất lượng trồi sụt

Nhóm thứ hai gồm 23 tỉnh, TP có chất lượng tốt nghiệp THPT thấp hơn. Trong đó, vùng miền núi phía bắc có 3 địa phương: Bắc Giang (21), Lào Cai (24), Tuyên Quang (39); đồng bằng sông Hồng có 3 địa phương: Bắc Ninh (22), Hà Nội (23), Hưng Yên (33); vùng ĐBSCL có 6 địa phương: Long An (25), Cà Mau (32), Sóc Trăng (36), Trà Vinh (40), Kiên Giang (42), Hậu Giang (43); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 7 địa phương: Nghệ An (37), Hà Tĩnh (28), Thừa Thiên-Huế (29), Bình Định (34), Khánh Hòa (35), Đà Nẵng (38), Quảng Trị (41); Đông Nam bộ có 3 địa phương: Tây Ninh (26), Bình Phước (27), Đồng Nai (30). Tây nguyên có 1 địa phương: Kon Tum (31).
Ở nhóm này năm 2021 có một số địa phương tăng hạng vượt bậc so với 2018, như Bình Định từ hạng 45 lên 30, Hà Tĩnh từ 25 lên 17, Thừa Thiên-Huế từ 33 lên 18 và Nghệ An từ 42 lên 36.
Bên cạnh đó, cũng có địa phương tụt hạng khá mạnh so với năm 2018 như: Trà Vinh từ hạng 34 tụt xuống hạng 53, Quảng Trị từ 38 xuống 56, Kon Tum từ 23 xuống 40.
Đáng chú ý, Hà Nội và Đà Nẵng là 2 TP trực thuộc T.Ư nhưng chất lượng giáo dục đại trà chưa cao, Hà Nội có xếp hạng hằng năm từ 23 - 26 (năm 2021 xếp hạng 25, tụt 2 bậc so với 2020), còn Đà Nẵng dao động từ 33 - 43.

Tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội tăng

5 năm qua, tỷ lệ thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội ngày càng tăng, năm 2017 là 43%, năm 2018 là 48%, 2019 là 53%, 2020 là 55,38% và 2021 là 53,38%. Trong khi đó, thí sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên ngày càng giảm, từ 38,01% năm 2017 giảm còn 32,9% năm 2020 và 2021 là 33,85%.

20 địa phương chất lượng còn thấp

Nhóm thứ ba gồm 20 tỉnh có chất lượng giáo dục còn nhiều khó khăn, nhiều tỉnh luôn xếp top cuối. Trong đó, vùng núi phía bắc có 11 địa phương: Bắc Kạn (45), Quảng Ninh (47), Điện Biên (48), Yên Bái (49), Thái Nguyên (50), Lạng Sơn (51), Lai Châu (53), Cao Bằng (60), Hòa Bình (61), Sơn La (62) và Hà Giang (63). Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 5 địa phương: Thanh Hóa (46), Quảng Bình (52), Quảng Ngãi (54), Quảng Nam (57), Phú Yên (58); Tây nguyên có 3 địa phương: Gia Lai (44), Đắk Nông (56), Đắk Lắk (59). Nhóm thứ ba chủ yếu là các tỉnh ở vùng núi phía bắc, Tây nguyên và miền Trung nhưng có huyện miền núi, nhiều học sinh là dân tộc ít người. Một số tỉnh thuộc nhóm này luôn nằm trong top 10 tỉnh cuối như: Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.

Giáo dục ĐBSCL tiến bộ vượt bậc

Trong 5 năm qua, chất lượng giáo dục đại trà các địa phương vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ vượt bậc, khi có tới 7 địa phương thuộc nhóm một, 6 địa phương thuộc nhóm hai, không có địa phương thuộc nhóm ba. Trong đó An Giang và Bạc Liêu luôn có thứ hạng nằm trong top 10; còn Vĩnh Long, Cần Thơ có năm lọt vào top này.

Cần nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Một số tỉnh, TP vừa có thứ hạng cao, vừa có chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi thấp như: Nam Định, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Bình, An Giang, TP.HCM. Đặc biệt là Bình Dương có điểm chênh lệch thấp nhất cả nước, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nên đã tăng từ hạng 8 năm 2017 lên hạng 1 năm 2021. Đây là xu hướng tích cực để tiến tới “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Cần hỗ trợ giáo dục miền núi hiệu quả hơn. Nhà nước, các địa phương cần có nhiều chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhất là về công nghệ thông tin cho các địa phương miền núi để giảm khoảng cách so với TP, đồng bằng; tiếp tục ưu đãi đặc biệt với giáo viên giảng dạy ở miền núi...
Điều này cho thấy có sự nỗ lực rất lớn của giáo dục các tỉnh ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên theo kết quả điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp THPT người dân từ 15 tuổi trở lên của ĐBSCL thấp nhất cả nước. Vì vậy, các địa phương ĐBSCL cần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đi học THCS, THPT đúng độ tuổi.

Trong 5 năm qua, chất lượng giáo dục đại trà các địa phương vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ vượt bậc

Xuân Phúc

Vùng đồng bằng sông Hồng có chất lượng giáo dục tốt nhất, khi có 5 địa phương luôn nằm trong top 10 là Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Tuy nhiên, Hà Nội là TP lớn, là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi và số điểm 10 thi THPT nhưng thứ hạng hằng năm ở mức 23 - 26. Điều này cho thấy giáo dục Hà Nội có sự phân hóa mạnh; một số địa phương miền núi như Lương Sơn (Hòa Bình cũ), hay một số địa phương thuộc Hà Tây trước đây chất lượng giáo dục chưa cao. Hà Nội cần hướng tới nằm trong top 10 của cả nước.
Còn giáo dục Đông Nam bộ luôn giữ vững thành tích của mình, trong đó Bình Dương và TP.HCM luôn ở trong top 10. TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn có điểm ngoại ngữ cao nhất nước. Tuy nhiên, giáo dục các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, giáo dục đại trà ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn.

Trung bình điểm thi tốt nghiệp lên xuống liên tục

Giai đoạn 2017 - 2021, thi tốt nghiệp THPT đã có sự ổn định và từng bước cải tiến. Năm 2017 là năm đầu tiên ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) hay tổ hợp khoa học xã hội.
Bên cạnh đó, kỳ thi cũng có những thay đổi đáng kể: từ năm 2020, kỳ thi này được gọi là thi tốt nghiệp THPT, không còn là kỳ thi THPT quốc gia; việc coi, chấm thi hoàn toàn giao cho các địa phương; trường ĐH, CĐ tham gia thanh tra thi. Phương thức tính điểm tốt nghiệp cũng thay đổi, trung bình điểm thi tham gia 70%, còn trung bình học bạ là 30%, thay cho tỷ lệ 50 - 50 như trước.
Với sự thay đổi này, yêu cầu độ khó của đề thi thay đổi, do đó trung bình điểm thi tốt nghiệp các năm trên phạm vi toàn quốc có sự thay đổi lên xuống: Năm 2017 (trung bình điểm tốt nghiệp là 5,19), năm 2018 (4,85), 2019 (5,97), 2020 (6,27) và năm 2021 (6,47).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.