Thi THPT quốc gia: Địa phương nào tiêu cực, học trò nơi đó chịu thiệt

02/04/2019 08:03 GMT+7

Từ năm 2014 đến nay, ngành GD-ĐT đã có nhiều giải pháp cải tiến mang tính đột phá cho kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên tiêu cực vẫn xảy ra do con người can thiệp khâu coi thi, chấm thi. Vì vậy, vấn đề con người vẫn là giải pháp căn cơ, triệt để nhất.

 Tiêu cực do động cơ vì tiền
[VIDEO] Cục trưởng Mai Văn Trinh nói về giải pháp chống gian lận thi cử trong kỳ tuyển sinh 2019
Mặc dù quy chế thi ngày càng chặt chẽ hơn, phần mềm xử lý coi thi, chấm thi ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng vẫn không tránh khỏi những sơ hở. Một số cán bộ, giáo viên ở địa phương lợi dụng các kẽ hở này để can thiệp vào khâu coi thi và chấm thi.
Kỳ thi năm 2018 đề khó hơn năm 2017, điểm cao rất ít, trong khi một số địa phương có điều kiện giáo dục thấp hơn lại có tỷ lệ bài thi điểm 9, 10 vượt lên so với các địa phương như: Hà Nội, Nam Định, TP.HCM. Dư luận nghi ngờ, công an vào cuộc điều tra, kết quả cho thấy có 3 hội đồng thi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có gian lận trong thi cử, 9 người bị bắt tạm giam với tội danh lạm dụng trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong khi thi hành công vụ.
Tiêu cực thi cử ở 3 tỉnh trên là một bài học hết sức đắt giá cho ngành giáo dục. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, việc tiêu cực này là những “hình ảnh xấu xí”, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với ngành.
Điều đáng nói là tại sao một số cán bộ quản lý cấp sở, kể cả phó giám đốc sở lại thực hiện hành vi tiêu cực, đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm của “người thầy”. Trong đó ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, lại thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng. Như vậy, những người này nắm quy chế rất rõ, nhưng có nhiều động cơ khác nhau để tiêu cực, trong đó có động cơ vì tiền.

Các tỉnh, thành lớn không bị ảnh hưởng!

Có thể khẳng định rằng, từ năm 2014 đến nay, thi THPT đã có nhiều thay đổi, quy chế thi ngày càng chặt chẽ, phần mềm xử lý thi ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, tiêu cực vẫn là do con người. Dân ta có câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nên dù quy chế thi chặt chẽ, phần mềm xử lý thi có hoàn thiện đến đâu, nếu con người cố ý sẽ tìm ra kẽ hở để can thiệp.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phòng quản lý chất lượng của một sở GD-ĐT cho rằng, năm 2018 tiêu cực thi cử xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía bắc rất nghiêm trọng nhưng không ảnh hưởng đến các tỉnh khác. Theo cán bộ này, địa phương nào, trường nào chạy theo thành tích, tiêu cực thì học trò địa phương đó, trường đó thiệt thòi.
Hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết: “Tiêu cực này đáng xấu hổ, nhưng chúng tôi không quan tâm lắm, bởi vì trường tôi phấn đấu làm sao học sinh học tốt ngoại ngữ, đủ khả năng để đi du học. Vì đa số phụ huynh có nguyện vọng cho con du học sau tốt nghiệp THPT, nên việc học và thi của học sinh trường tôi rất nghiêm túc”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Ở nơi nào càng tiêu cực thì người dân và học sinh ở đó càng thiệt thòi, muốn người dân và học trò của mình hưởng lợi nhiều nhất thì ngành giáo dục, nhà trường ở đó càng phải nghiêm túc.

Giải pháp con người là quan trọng

Rút kinh nghiệm năm 2018, kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT chủ trương thực hiện 3 nhóm giải pháp: tăng cường ngân hàng đề thi, hoàn thiện phần mềm xử lý thi để không có sơ hở và siết chặt quy trình về tổ chức thi, đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi minh bạch, công khai, rõ ràng. Trong đó khâu thứ ba là khâu quan trọng nhất vì liên quan đến con người, phải làm sao người làm giáo dục nhận thức rằng, muốn giáo dục có chất lượng thì phải trung thực, nghiêm túc và trách nhiệm. Cần thay đổi người ở các khâu hằng năm, không nên để một người làm một công việc nhiều năm, nhất là người quét ảnh, xử lý thi bằng máy tính.
Đồng thời cần phải có chính sách, chế độ coi thi, chấm thi xứng đáng để những người làm giáo dục tham gia coi thi, chấm thi “không cần tiêu cực”, “không nên tiêu cực” và quy chế phải chặt chẽ để mọi người “không được tiêu cực” và “không thể tiêu cực”.
Thay đổi liên tục nhưng vẫn tiêu cực
Năm 2014, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp theo hướng hai trong một. Kết quả thi của thí sinh được sử dụng để xét tốt nghiệp, đồng thời làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh...
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2015 và năm 2016, tiếp tục đổi mới, học sinh dự thi 4 môn để xét tốt nghiệp, trong đó 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, một môn do học sinh tự chọn từ các môn lý, hóa, sinh, lịch sử và địa lý. Về coi thi, thực hiện phân chia thí sinh thành 2 cụm thi khác nhau, một cụm thi do trường ĐH chủ trì (dành cho học sinh có nhu cầu tuyển sinh ĐH) và một cụm thi do địa phương chủ trì (dành cho những học sinh chỉ xét tốt nghiệp)...
Hai kỳ thi THPT năm 2017 và 2018 đánh dấu một thay đổi rất lớn trong đề thi và phương thức đề thi. Ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh lựa chọn giữa bài thi khoa học tự nhiên (tổ hợp môn lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (tổ hợp 3 môn sử, địa, giáo dục công dân). Tất cả các môn thi, bài thi bằng hình thức trắc nghiệm, trừ môn ngữ văn thi tự luận. Mỗi tỉnh, thành phố thành lập một ban chỉ đạo thi, do lãnh đạo địa phương làm trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo các trường ĐH...
Minh Đức
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.