Dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội việc làm của 1,6 triệu người

Thu Hằng
Thu Hằng
06/01/2021 18:12 GMT+7

Mặc dù tình hình lao động, việc làm quý 4.2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 4 và cả năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6.1 tại buổi họp báo về tình hình lao động, việc làm quý 4 và năm 2020.

Hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12.2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 đã tác động làm thay đổi xu hướng biến động mang tính mùa vụ của lực lượng lao động giữa các quý trong năm. Ở các năm trước, giai đoạn 2016 - 2019, lực lượng lao động của quý đầu tiên trong năm luôn thấp nhất sau đó tăng dần ở các quý sau và đạt mức cao nhất vào quý 4. Tuy nhiên, năm 2020, lực lượng lao động bắt đầu giảm ở quý 1, sau đó tiếp tục giảm mạnh và chạm đáy ở quý 2 và dần phục hồi vào quý 3 và quý 4, song đến quý 4.2020 vẫn chưa đạt được trạng thái khi chưa có dịch.
“Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016 - 2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người”, ông Vinh thông tin.

Gia tăng lao động phi chính thức

Mặc dù số lao động có việc làm quý 4.2020 tăng mạnh so với 2 quý trước nhưng do sự giảm sâu của lực lượng này trong quý 2 đã khiến số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế tính chung cả năm 2020 giảm 1,3 triệu người so với năm 2019. Biến động này hoàn toàn trái ngược với xu hướng tăng việc làm hàng năm giai đoạn 2010 - 2019. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm số lao động có việc làm tăng hơn 600.000 người. Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua. Trong số 1,3 triệu người bị đẩy vào tình trạng không có việc làm nói trên, có 51,6% là phụ nữ và đa phần đang ở trong độ tuổi lao động (76,2%).
Quý 4.2020 có 20,9 triệu lao động có việc làm phi chính thức, tăng 233.000 người so với quý trước và tăng 338.400 người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119.100 người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người, giảm 21.100 người so với năm 2019.
Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2016 - 2019 trước khi dịch Covid-19, bình quân lao động chính thức tăng 5,6%/năm, lao động phi chính thức tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức kéo theo tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm dần qua các năm.
“Đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên,…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng, dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm”, ông Vinh lý giải.
Đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch để vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thống kê đưa ra 3 giải pháp: tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện; tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức; đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý 4/2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 4 không những không duy trì được mức tăng trưởng như mọi năm mà còn giảm khá mạnh so với quý I và cùng kỳ năm trước. Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128.000 đồng). Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất - giảm 215.000 đồng; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156.000 đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng là thấp nhất - giảm 100.000 đồng/người/tháng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.