Dịch Covid-19 tại TP.HCM hạ nhiệt

08/01/2022 06:30 GMT+7

Một tháng qua, số ca mắc Covid-19 mới nhập viện và tử vong tại TP.HCM đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên không thể lơ là, chủ quan.

Ngày 6.1, PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bình Dân, kiêm phụ trách Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 8, cho biết lúc cao điểm của dịch bệnh Covid-19, BV tiếp nhận đến 5.000 ca. Từ sau ngày 1.10.2021, con số giảm xuống còn 200 ca. Hiện tại, chỉ còn 20 - 30 ca nằm viện và hầu như không có ca nặng.

Đẩy nhanh tiêm vắc xin bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ

ĐỘC LẬP

Covid-19 sáng 8.1: Cả nước 1.859.841 ca nhiễm | Biến thể Omicron lây lan chóng mặt ở nhiều nơi

Giảm tải rõ rệt

Lãnh đạo BVDC số 8 nhận định, có thể nhờ hiệu quả của tiêm vắc xin nên số ca nặng và nhập viện ít. Do đó, BVDC số 8 cũng rút bớt quân số, nhưng vẫn sẵn sàng khi có dịch bệnh quay trở lại.

Bác sĩ (BS) Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, phụ trách BVDC số 3, cũng cho biết giai đoạn cao điểm BVDC số 3 tiếp nhận đến 2.500 ca. Sau ngày 1.10, số ca bệnh chỉ còn khoảng 1.000 - 1.200 ca. Hiện tại, chỉ còn 100 ca, đa số là các ca bệnh nặng. Các lực lượng hỗ trợ cho BVDC số 3 cũng đã rút về bớt.

“Vì số bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 hiện còn ít nên BV đã dồn BN về 1 khoa và chuẩn bị thành lập khoa Covid-19”, BS Đặng Quốc Quân, Giám đốc BV đa khoa khu vực Hóc Môn, trao đổi với PV Thanh Niên vào sáng 6.1. Cũng theo BS Quân, thời kỳ cao điểm, BV chuyển thành BV điều trị Covid-19 và tiếp nhận 600 - 700 ca. Sau 1.10.2021, số ca giảm xuống còn khoảng 300, và hiện giảm rất nhiều nên BV đã quay trở lại hoạt động bình thường.

Tại BVDC 3 tầng số 14, tầng 3 (hồi sức) ngày 6.1 còn 68 ca bệnh nặng, trung bình mỗi ngày chỉ nhận từ 1 - 3 ca, còn trước đây từ 7 - 10 ca. BVDC 3 tầng số 16, tầng 3 còn 100 bệnh nặng, số BN tầng 1, 2 hầu như rất ít vì đa phần BN điều trị tại nhà.

Nhìn lại tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có thể thấy, ngày 1.10.2021, TP trở lại trạng thái bình thường mới, số BN Covid-19 tạm thời ổn định. Nhưng từ cuối tháng 10.2021, số ca mắc mới có xu hướng tăng đến hết tháng 11, đầu tháng 12.2021. Từ tuần thứ 2 của tháng 12.2021, số ca mắc mới đã giảm dần đến hiện nay.

Nguồn: Bộ Y tế - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM

Tổng hợp: Sỹ Đông - Duy Tính. Đồ họa: Quốc Bảo

Cụ thể, một tháng trước, tại thời điểm 5.12.2021, TP.HCM có tổng cộng 87.200 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca nhập viện tầng 2, tầng 3 là 13.803 ca, cách ly tập trung là 5.723 ca và cách ly tại nhà là 67.674 ca. Số ca mắc trong ngày 5.12.2021 là 1.492 ca và tử vong là 69 ca. Thời điểm đó, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 3.188 ca, thở máy xâm lấn lên đến 434 ca… Từ sau thời điểm đó đến nay, số ca mắc, nhập viện và tử vong có xu hướng giảm đều.

Đến ngày 5.1, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị cho 42.816 ca mắc Covid-19, giảm hơn một nửa so với thời điểm 1 tháng trước. Cụ thể, số ca nhập viện điều trị tầng 2, 3 chỉ còn 5.535 ca, cách ly tập trung còn 970 ca và 36.304 ca cách ly tại nhà. Số ca mắc mới mà Bộ Y tế công bố trong ngày là 448 ca và 25 ca tử vong, trong đó có đến 5 ca nặng do các tỉnh khác chuyển đến. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 1.746 ca và thở máy xâm lấn là 338 ca.

Đồ họa: công mẫn

Dịch bệnh giảm, kinh tế phục hồi

Tại buổi họp giao ban phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế chiều qua 6.1, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh 2 tín hiệu khả quan trong tuần đầu tiên của năm 2022 là: số ca mắc, số ca chuyển nặng, số ca tử vong đều giảm và chỉ số phục hồi kinh tế xã hội đang tăng đều trên các lĩnh vực. Hiện TP.HCM ghi nhận 11 ca mắc biến thể Omicron. Ông Nên đặc biệt yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời tập trung ưu tiên tiêm vắc xin bổ sung cho toàn bộ người thuộc nhóm nguy cơ cao, không để bỏ sót. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề, TP.HCM sẽ đón nhiều du khách, kiều bào về vui xuân, đón tết, ông Nên yêu cầu chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng và ngành y tế cần tính toán lại việc cách ly cho hợp lý, để người dân đón tết. “Phải tính toán thật sát, để lỡ bà con có dương tính thì vẫn có cơ hội đón tết, chứ về TP, cách ly xong rồi quay lại thì không còn nghĩa lý gì”, ông Nên nói.

Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình

ĐỨC LONG

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngành y tế rà soát, củng cố chiến lược y tế với 6 thành phần, trong đó phấn đấu trong tháng 1.2022 hoàn thành tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ giai đoạn 2, các địa phương cần tổ chức xét nghiệm tầm soát lần 3 cho người nhóm nguy cơ trên 65 tuổi; đồng thời cập nhật bổ sung, mở rộng nhóm nguy cơ sang người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm vắc xin từ tháng 2.2022.

Sắp tới, quân đội sẽ rút lực lượng tại khoảng 200 trạm y tế lưu động trên địa bàn. Để chuẩn bị cho tình huống này, ông Mãi yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ để củng cố y tế tại chỗ, phát huy vai trò các cơ sở y tế tư nhân, nhà thuốc trong việc chăm sóc F0 tại nhà, kéo giảm số ca điều trị ở tầng 2, 3.

Liên quan đến chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau 1 tháng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ngành y tế đã lập danh sách 637.806 người; trong đó có hơn 25.000 người chưa tiêm vắc xin, sau đó can thiệp tiêm vắc xin gần 13.900 người. Qua tầm soát xét nghiệm, TP.HCM phát hiện 5.402 người đang mắc Covid-19 mà không biết. Hiện các quận, huyện đã hoàn thành cập nhật danh sách, hoàn thành xét nghiệm người thuộc nhóm nguy cơ và tổ chức đợt cao điểm tiêm vắc xin từ nay đến Tết Nguyên đán 2022.

Theo kế hoạch, TP.HCM tiếp tục tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TP.HCM sinh sống và làm việc), tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi của TP, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định. TP.HCM sẽ tiêm dứt điểm mũi 3 trong tháng 1.2022.

Về hoạt động giám sát người nhập cảnh, ngành y tế đã test nhanh cho hơn 1.000 hành khách, trong đó có 13 trường hợp dương tính và ghi nhận 11 ca mắc biến thể Omicron. Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cho phép y tế tư nhân tham gia công tác xét nghiệm nhanh tại sân bay theo cơ chế có thu phí theo quy định dưới sự hướng dẫn, giám sát chuyên môn của Sở Y tế.

Bám sát Nghị quyết 128

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 6.1, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nói dịch bệnh trên địa bàn đã có nhiều tín hiệu lạc quan, các giải pháp của TP.HCM vẫn bám sát tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả. Về việc ngừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây chỉ là kiện toàn, sắp xếp lại công việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình mới. Hiện các trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch cấp cơ sở vẫn hoạt động bình thường và TP vẫn có bộ phận thường trực phụ trách các phần việc như trước đây.

Ông Mãi cho biết hằng tuần Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM vẫn họp giao ban, tổ chức họp báo bình thường. Quan điểm xuyên suốt của TP.HCM là thích ứng linh hoạt, mở cửa từng bước thận trọng với tình hình dịch bệnh.

TP.HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 mắc Covid-19 tại nhà còn 10 ngày
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.