Dịch giả Đoàn Tử Huyến - Mái tóc trắng đã về miền mây trắng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/11/2020 06:12 GMT+7

Dịch giả Đoàn Tử Huyến vừa qua đời. Dịch giả tiếng Nga thế hệ sau, TS Nguyễn Thụy Anh, viết: Mái tóc trắng đã về miền mây trắng.

Linh hồn của Tạp chí Văn học nước ngoài

Nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Xuân Nguyên vẫn nhớ kỷ niệm từ rất xưa với dịch giả Đoàn Tử Huyến. Thời điểm đó là năm 1994, ông Nguyên đọc được tiểu thuyết Sự bất tử của nhà văn Czech định cư ở Pháp - Milan Kundera trên một tạp chí tiếng Nga. Ông Nguyên thích quá nên đã dịch tác phẩm. Bản dịch được chép tay trên giấy đen. “Tôi thích thì dịch thôi, không nghĩ đến in ấn. Rồi khi đó, tờ Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam được tái lập. Trước nó từng in nội bộ và phát cho hội viên rồi bẵng đi nó chết. Sau Đổi mới, dịch giả Đoàn Tử Huyến đề nghị tái lập tạp chí này. Ông Huyến là Phó tổng biên tập tạp chí đó, nhưng có thể nói ông chính là linh hồn của Văn học nước ngoài”, dịch giả Phạm Xuân Nguyên nhớ lại.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến - Mái tóc trắng đã về miền mây trắng

Nghệ nhân và Margarita - tác phẩm dịch văn học tiêu biểu của Đoàn Tử Huyến

Thời điểm đó, khi dịch giả Đoàn Tử Huyến kêu gọi anh em gửi bài về làm số đầu tiên Tạp chí Văn học nước ngoài, ông Nguyên đã gửi bản dịch tiểu thuyết đó về. “Sự bất tử tôi dịch từ tiếng Nga được đưa in số 1 vào năm 1995. Đó là lần đầu Kundera xuất hiện ở Việt Nam. Tạp chí dày 300 trang nên có thể in trọn tiểu thuyết được. Sau đó anh Huyến động viên tôi dịch Kundera tiếp. Năm 1999, anh Huyến in 3 tiểu thuyết Kundera do tôi dịch”, ông Nguyên cho biết.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp đại học tại Nga và giảng dạy văn học Nga tại Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Sau đó vài năm, ông chuyển sang làm biên tập viên NXB Lao động.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến được bạn đọc biết đến qua nhiều tác phẩm dịch văn học Nga. Ông từng là Ủy viên Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn VN), Phó tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Ông cũng là người sáng lập Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Đây là không gian văn hóa xuất hiện rất sớm tại Hà Nội, đồng thời cũng là đơn vị thúc đẩy xuất bản các tác phẩm hay nhưng ít người đọc.
Một số tác phẩm văn học Nga do ông Đoàn Tử Huyến dịch: Tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgacov), tập tản văn Giọt rừng (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết Trái tim chó (Mikhail Bulgacov), truyện dài Đêm sau lễ ra trường (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn Những ô cửa màu xanh (nhiều tác giả), tập truyện ngắn Khóm hoa tử đinh hương (nhiều tác giả)... Trong đó, tác phẩm dịch Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgacov) đã được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN năm 2008. Đây cũng là tác phẩm dịch văn học tiêu biểu của dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Ông cũng biên soạn và dịch chung một số tác phẩm khác: tiểu thuyết Bố già (tác giả Mario Puzo, dịch chung với Trịnh Huy Ninh); văn học hậu hiện đại: Những vấn đề lý thuyết (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn); Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ (Đoàn Tử Huyến, Hoàng Thái dịch)…
Dịch giả Đoàn Tử Huyến qua đời ngày 22.11, thọ 68 tuổi. Tang lễ được tổ chức từ 7 giờ 15 - 9 giờ 15 ngày 24.11 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Dịch giả Đoàn Tử Huyến được an táng tại quê nhà: Hòa Lạc, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Song song với việc thúc đẩy dịch tác phẩm, bản thân ông Đoàn Tử Huyến cũng là một dịch giả văn học Nga - Xô Viết giỏi. “Công của anh Huyến là đã đưa được tác giả Mikhail Bulgacov về Việt Nam. Đó là một tác giả lớn, nổi tiếng của Nga nhưng có một số phận bầm dập. Anh đã đưa được tác phẩm lớn nhất của Bulgacov về - đó là Nghệ nhân và Margarita. Chính tác phẩm ấy đã tạo nên tên tuổi Đoàn Tử Huyến và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam”, ông Nguyên nói.
Tạo không gian văn hóa sáng tạo, thúc đẩy xuất bản Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại đánh giá rất cao dịch giả Đoàn Tử Huyến ở khả năng tổ chức bản thảo, xuất bản. “Anh Huyến sau khi về NXB Lao động thì bắt đầu tổ chức các hoạt động như hoạt động của các công ty văn hóa truyền thông bây giờ. Lúc đó vào khoảng đầu những năm 1990 thì cái đó chưa được phép. Ông thực hiện theo kiểu lập nhóm, đi đặt làm bản thảo sách và làm với nhà in. Sau đó, ông mới thành lập được Trung tâm văn hóa Đông Tây, thu hút các giảng viên dịch văn học Nga như Thúy Toàn, Vũ Thế Khôi và một số giảng viên khác nữa”, ông Ân nhớ lại.
Cũng theo ông Ân, Viện Đông Nam Á lúc đó tham gia hoạt động với Trung tâm văn hóa Đông Tây. “Họ hoạt động theo cách chủ yếu là xuất bản, và đi vào xuất bản có định hướng, làm những công việc liên quan đến những tác phẩm lớn. Chẳng hạn, ông Chương Thâu đã tìm đến đó và ra được bộ về Phan Bội Châu”, ông Ân cho biết. Cũng theo cách thúc đẩy các ấn bản tốt này, ông Đoàn Tử Huyến đã đặt hàng ông Lại Nguyên Ân làm bản thảo bộ sách cho Thơ Mới. Bộ sách có 15 tập lẻ để giới thiệu các tác giả. Sau đó, một tổng tập lớn về Thơ Mới cũng ra đời, dày hơn ngàn trang.
TS Nguyễn Thụy Anh, dịch giả tiếng Nga, chia sẻ mình luôn coi dịch giả Đoàn Tử Huyến là một chỗ dựa tinh thần trên con đường dịch tiếng Nga. “Chú Đoàn Tử Huyến là một tấm gương làm việc thực sự chuyên nghiệp. Có thể mọi người thấy chú đi rong chơi, nhưng thực ra quan sát sẽ thấy chú không uống nhiều đâu. Chú là người uống ít để tối còn làm việc. Hai chú cháu hay chia sẻ câu chuyện dịch thuật, từng chi tiết, bàn bạc. Chú Huyến tôn trọng người trẻ thực sự. Trong các trao đổi công việc thấy rõ chú đặt ý kiến người trẻ ngang hàng”, TS Thụy Anh nói.
Dịch giả Thụy Anh gọi sự ra đi của dịch giả Đoàn Tử Huyến là “mái tóc trắng đã về miền mây trắng”. Dịch giả cũng viết: “Chú là con người rong chơi ung dung giữa đất trời mà vẫn không ngừng sáng tạo, cống hiến cho cuộc đời, đã quyết định ra đi, trong một giấc ngủ nhẹ nhõm, thanh bình. Đón nhận tin này, cháu đã nghĩ về sự nhẹ nhõm ấy. Đó có thể là món quà số phận tặng cho chú! Nhưng những người thân, người bạn, đồng nghiệp của chú và chúng cháu, đều bàng hoàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.