Dịch tả lợn châu Phi đã có hàng trăm năm, vì sao chưa có vắc xin?

06/04/2019 10:41 GMT+7

Dù đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu, nhưng đến nay chưa có bất cứ vắc xin dịch tả lợn châu Phi nào được phép lưu hành và sử dụng trong thực tế.

Chia sẻ tại hội nghị liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Y tế, Khoa học - Công nghệ (KH-CN) ngày 5.4 tại Hà Nội để hoạch định hướng nghiên cứu vắc xin phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết thế giới đã và đang có rất nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Vi rút có cấu trúc gen phức tạp

Theo thống kê của Cục Thú y, thế giới đã có trên 1.500 bài báo khoa học nói chung về bệnh này và khoảng 200 bài báo khoa học chuyên về vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, Tạp chí Nature, một trong những tạp chí khoa học nổi tiếng nhất thế giới, đã đăng tải 227 bài báo khoa học về bệnh dịch tả lợn nói chung và 62 bài về vắc xin dịch tả lợn châu Phi nói riêng.
Nhưng đến nay, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn là một thách thức lớn khi chưa có bất kỳ loại vắc xin nào được phép lưu hành và đưa vào sử dụng trong thực tế.
Ông Phạm Văn Đông cũng dẫn chứng nhiều nguyên nhân được các nhà khoa học thế giới thừa nhận, vi rút dịch tả lợn châu Phi có cấu trúc gen phức tạp, có nhiều loại protein khác nhau được mã hóa bởi nhiều gen khác nhau.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định được loại kháng nguyên nào dùng để sản xuất vắc xin để giúp lợn có cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.
Vi rút dịch tả lợn châu Phi tấn công vào tế bào đại thực bào (macrophage), nhân lên, phá hủy hoặc làm điều chỉnh chức năng hoạt động của tế bào này, dẫn đến lợn bị nhiễm bệnh không còn khả năng tạo ra miễn dịch để chống lại vi rút.
Trên thế giới đã có một số vắc xin đã được sản xuất và thử nghiệm ở trong phòng thí nghiệm. Các vắc xin này có thể giúp lợn có được kháng thể, nhưng loại kháng thể này không hoặc ít có khả năng làm trung hòa, tiêu diệt được vi rút.
Ông Phạm Văn Đông cũng cho hay, các nhà nghiên cứu đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin nhược độc (Live Attenuated Vaccine, LAV) là loại được xem là khả dĩ, có khả năng đem lại thành công cao trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, đến nay, sản xuất vắc xin nhược độc cũng đang gặp nhiều khó khăn khi hiệu quả bảo hộ của vắc xin nhược độc vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng; chưa có được tế bào dòng ổn định để nuôi cấy làm tăng vi rút với số lượng lớn cần thiết để sản xuất vắc xin nhược độc.
Bên cạnh đó, vi rút dịch tả lợn châu Phi phát triển tốt ở trong hệ thống nuôi cấy trên tế bào đại thực bào hoặc tế bào lympho của lợn, nhưng giải pháp này khó có thể thực hiện được vì cần phải sử dụng một số lượng lợn rất lớn để có đủ lượng tế bào cho sản xuất vắc xin thương mại. Điều này đồng nghĩa cần phải giết mổ rất nhiều lợn để có đủ lượng tế bào và giá thành sản xuất vắc xin là rất cao, không khả thi.

Ít nhất 4 năm nữa, thế giới mới có vắc xin

Theo Tổ chức Thú y thế giới, vi rút dịch tả lợn châu Phi được ghi nhận lần đầu tiên ở Kenya cách đây 100 năm và hiện đã xuất hiện tại 60 quốc gia trên 5 châu lục. Dịch bệnh nguy hiểm này vẫn đang có xu hướng lây lan trên phạm vi toàn cầu. Trên thế giới, nhiều quốc gia, doanh nghiệp lớn đang đầu tư rất nhiều nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ để nghiên cứu vắc xin.
Ở các nước châu Âu, điển hình là Anh đã chi hàng trăm triệu bảng cho nghiên cứu vắc xin. Còn tại Mỹ, Chính phủ nước này có chính sách ưu tiên đặc biệt, sẵn sàng cấp kinh phí và có cơ chế đặc biệt cho phép lưu hành nếu có vắc xin. Gần đây nhất, Trung Quốc đã phê duyệt khẩn cấp chương trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi sử dụng chủng vi rút phân lập tại nước này.
dich-ta-lon-chau-Phi
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị định hướng nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam Ảnh Phan Hậu
Còn tại Việt Nam, theo thông tin tại hội nghị liên Bộ NN-PTNT, KH-CN và Y tế để định hướng nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi từ các chủng vi rút phân lập tại các ổ dịch phát hiện trong thời gian qua, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp hiện đã tiến hành phân lập thành công 14 mẫu vi rút được lấy các mẫu bệnh phẩm lợn bệnh lấy tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội và Thái Bình.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, thành công bước đầu này sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, ngoài hướng đến sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả châu Phi còn có thể mở ra hướng nghiên cứu để tìm ra thuốc kháng vi rút, các bộ kit test vi rút và xây dựng quy trình ứng phó dịch phù hợp với đặc điểm chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ của Việt Nam.

 Sức đề kháng cao, vi rút sống cả 1.000 ngày trong thịt lợn đông lạnh

Cục Thú y cho biết, vi rút gây bệnh dịch tả lợn thuộc họ Asfarviridae, giống Asfivirus, có cấu trúc phức tạp dạng hình khối, có kích thước 200 nm, có vỏ bọc, DNA, 170 - 190 kbp, có 160 - 167 protein với 23 - 24 kiểu gien (genotype) khác nhau, nhân lên trong đại thực bào và rất khó hoặc không kích thích cơ thể lợn sinh ra kháng thể trung hòa vi rút.
Đặc biệt, vi rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại thời gian dài ở ngoài môi trường và ở trong các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh).
Vi rút có khả năng chịu được nhiệt 56°C trong 70 phút, ở 70°C trong 20 phút, ở 100°C trong 1 phút. Vi rút có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.