Trưa 12.6, bác sĩ Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã ký phát đi công văn gửi 24 quận huyện về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống bệnh
dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP.
[VIDEO] Lập chốt chặn dịch tả lợn châu Phi, bắt được xe gà ngay cửa ngõ Sài Gòn
|
Không gây biến động thị trường
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, hiện TP đang đối phó tình huống 3 - xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi. Do vậy, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề nghị UBND 24 quận huyện khẩn trương: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng. ẢNH: DUY TÍNH
|
Truyền thông kịp thời, đầy đủ để cung cấp các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về an toàn thực phẩm. Xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng... Khuyến cáo các cơ sở sử dụng nguồn thịt lợn đảm bảo nguồn gốc, có kiểm soát của cơ quan thú y, không gây biến động thị trường.
Giám sát chợ tự phát, chợ tạm
Phối hợp với Đội Quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện trực thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, nhằm quản lý chủ động chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ...
Cũng theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt lợn, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Trước đó ngày 10.6, tại hộ chăn nuôi lợn của bà Lê Thị Ngọc Cẩm (P.Phú Hữu, Q.9), cơ quan chức năng giám sát phát hiện đàn lợn có triệu chứng điển hình của dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan thú y TP đã lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y Vùng 6, kết quả được trả ngày 11.6 xác định các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP đã phối hợp với UBND P.Phú Hữu và UBND Q.9 tổ chức
tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và thức ăn thừa tại khu đất xa dân cư.
3 tình huống ứng phó dịch bệnh tả lợn Châu Phi
Trước đó ngày 9.1.2019, UBND TP đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Theo kế hoạch thì TP đưa ra 3 tình huống ứng phó. Tình huống 1: Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền trung (các tỉnh không cung cấp nguồn heo, sản phẩm thịt lợn cho thị trường thành phố). Tình huống 2: Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường TP. Tình huống 3: Xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP.
Hiện TP đang áp dụng các biện pháp để ứng phó trong tình huống 3. Đó là biện pháp xử lý tiêu hủy lợn bệnh và lợn tiếp xúc mầm bệnh; biện pháp khoanh vùng ổ dịch; biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; biện pháp kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm thịt lợn; biện pháp giám sát và cảnh báo dịch bệnh. Trong tình huống 3 này, TP sẽ hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
|
Bình luận (0)