Xuyên đêm kiểm tra giết mổ, mua bán thịt heo

Duy Tính
Duy Tính
13/03/2019 08:37 GMT+7

Từ đêm 11.3 đến rạng sáng 12.3, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra thực tế tại các lò giết mổ heo lớn và kiểm soát nguồn thịt vào chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền.

[VIDEO] TP.HCM tăng cường kiểm tra, ngăn chặn heo bệnh xâm nhập
Lực lượng kiểm tra gồm Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục Thú y TP.HCM. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đêm 11.3 lò Xuyên Á tiếp nhận mổ 900 con heo, lò Xuân Thới Thượng mổ 1.500 con. Trong khi đó, chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ 5.000 con/đêm, chợ đầu mối Bình Điền 2.700 con/đêm.
Tại buổi kiểm tra, đại diện các lò mổ, chợ đầu mối đều cam kết không tiếp tay cho giết mổ, tiêu thụ heo nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác trên địa bàn TP.

Nguy cơ từ các “vựa” giáp ranh

Trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP, cho biết trong tuần qua tại chợ đầu mối Hóc Môn lượng heo tiêu thụ tăng đột biến với 1.000 con. Theo bà Lan, hiện thương lái không đưa thẳng heo từ miền Bắc vào TP, mà đưa về các vựa ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An..., sau đó ngược về TP. Do vậy, nguy cơ heo mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào TP.HCM là rất lớn. Mặt khác, các điểm giết mổ nhỏ lẻ cũng là điểm nguy cơ, do vậy ban tăng cường kiểm tra, xử lý. Bà Lan cho rằng cần nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương kiểm soát giết mổ, đồng thời kêu gọi người dân sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, cũng cho rằng heo từ phía bắc trà trộn để đưa vào TP có thể xảy ra tại các vựa heo ở tỉnh giáp ranh. Do vậy, chi cục kiến nghị các cơ quan T.Ư cần xem xét lại hoạt động của các vựa trên.

Giao trách nhiệm cho chủ tịch quận, huyện

Cùng ngày 12.3, UBND TP.HCM họp các sở ngành liên quan để nghe báo cáo tình hình phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, TP hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con, trong đó có 247 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, có nguy cơ cao đối với dịch tả lợn châu Phi. Hằng đêm 11 lò mổ tại TP giết mổ khoảng 6.500 - 7.000 con heo.
Chi cục Thú y cũng nêu rõ những khó khăn do TP là đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất khu vực, tuy nhiên Bộ NN-PTNT chưa có biện pháp cương quyết trong quản lý kiểm dịch vận chuyển heo từ khu vực các tỉnh có dịch sang các tỉnh chưa có dịch. Bình quân hằng ngày có 14 - 16 xe vận chuyển khoảng 2.000 - 2.500 con heo từ phía bắc vào các tỉnh miền Tây, nguy cơ lây dịch rất cao. Ngoài ra, một số địa bàn như Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân, Q.12 chưa xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ heo trái phép...
Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu tập trung, quyết liệt phòng chống dịch, rà soát lại các phương án, chuẩn bị sẵn sàng tình huống có dịch bệnh xảy ra.
Ông Liêm giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND quận, huyện tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn và phải chịu trách nhiệm nếu dịch xảy ra. Các quận, huyện cần kiện toàn ban chỉ đạo và có dự thảo kế hoạch trong tuần này, đồng thời tăng cường lực lượng giám sát, ngăn chặn và xử lý giết mổ lậu, việc chuyên chở heo trên thị trường. Chi cục Thú y phối hợp các tỉnh quản chặt nguồn heo về TP, tăng cường kiểm tra, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm. Về lâu dài, TP sẽ rà soát, qua đợt này tái cơ cấu ngành chăn nuôi...
Hưng Yên thêm ổ dịch mới
Ngày 12.3, ông Ngô Văn Tuynh, Phó chủ tịch UBND xã Hoàn Long (H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), cho biết tính đến hôm qua địa phương này đã có thêm 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch được ghi nhận xảy ra tại nhà ông Ngô Văn Nhiệm, thôn Chấn Đông với 73 con heo có tổng trọng lượng trên 4,8 tấn và tại nhà ông Nguyễn Hồng Cường, thôn Đại Hạch với 17 con heo tổng trọng lượng trên 2,4 tấn. Tất cả số heo bệnh đã bị tiêu hủy.
Cũng tại H.Yên Mỹ (Hưng Yên), xã Yên Phú là địa phương mới nhất ghi nhận có dịch tả lợn châu Phi. Bà Trần Thị Bưởi, Trưởng ban Thú y xã Yên Phú, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại hộ chăn nuôi thôn Từ Tây dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Trong ngày 12.3, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng thú y đào hố chôn lấp, tiêu hủy 170 con heo của hộ chăn nuôi này đồng thời triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch tại địa phương.
Cùng ngày, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết vừa tiêu hủy đàn heo 39 con còn lại của gia đình ông Bùi Văn Đăng (thôn 2, xã Quảng Thịnh, H.Hải Hà, Quảng Ninh) do nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi. Theo điều tra của H.Hải Hà, từ ngày 9.3 đàn heo của gia đình ông Đăng có dấu hiệu ốm, chết. Đến ngày 11.3, ông Đăng báo cán bộ thú y đến xét nghiệm. Kết quả, các mẫu xét nghiệm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đến chiều 11.3, đàn heo của ông Đăng đã có 21 con bị chết. Ngay sau đó, gia đình ông Đăng tự đào hố chôn số heo chết trong vườn nhà. 
Phan Hậu - Lã Nghĩa Hiếu
Nhiều địa phương lập chốt chặn
Ngày 12.3, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặt tại thôn Nam Lãnh (xã Quảng Phú, H.Quảng Trạch) và thôn Tân Ấp (xã Hương Hóa, H.Tuyên Hóa). Đây là 2 vị trí nằm ở phía bắc Quảng Bình, án ngữ trên 2 trục đường bộ vào nam gồm QL1 và đường Hồ Chí Minh. Chốt kiểm dịch trực kiểm soát 24/24 nhằm kiểm tra số lượng, chủng loại động vật, sản phẩm động vật theo giấy chứng nhận kiểm dịch và các chi tiết liên quan (mã số, dấu, tem vệ sinh thú y, niêm phong...); về tình trạng sức khỏe động vật; thực trạng vệ sinh thú y của sản phẩm, phương tiện vận chuyển... Ngoài ra, các chốt cũng khử trùng tiêu độc, hướng dẫn tuyến đường đi cho các phương tiện, xác nhận đã kiểm tra nếu đạt yêu cầu; trường hợp không đạt yêu cầu thì tạm đình chỉ vận chuyển, hướng dẫn và giám sát tiêu hủy khi phát hiện heo, sản phẩm heo mắc bệnh.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Tiền Giang, cho biết chi cục đã phối hợp với cơ quan chức năng lập 3 chốt hoạt động 24/24 giờ để kiểm tra tất cả các xe chở heo và sản phẩm từ heo di chuyển qua địa bàn, nhằm kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Vị trí chốt đặt tại đường dẫn xuống cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc xã Tam Hiệp, H.Châu Thành; trên QL1, đoạn thuộc xã Tân Hương, H.Châu Thành và trên QL50, đoạn gần khu vực thu phí cầu Mỹ Lợi, xã Bình Đông, TX.Gò Công. Theo bà Mến, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 600.000 con heo, mỗi ngày có hơn 10 xe chở heo qua cao tốc Trung Lương với số lượng hàng ngàn con. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các xe chở heo di chuyển qua tỉnh Tiền Giang trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đều phải dừng lại kiểm tra, phun thuốc sát trùng. 
Trương Quang Nam - Bắc Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.