Trang Thị Hoàng Liên (22 tuổi), ngụ TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp, cho biết trước đây quần áo cũ không còn dùng đến, cô thường mang đi cho hoặc cất trong tủ, vừa làm không gian chật chội, lại mất thời gian dọn dẹp. Từ khi biết đến dịch vụ sửa chữa, thiết kế quần áo cũ, Liên đã mang nhiều quần, yếm jean sửa thành những bộ áo, chân váy mới toanh với chi phí chỉ vài chục ngàn đồng.
Tương tự, Nguyễn Thị Kim Thanh (27 tuổi), ngụ tỉnh Bình Thuận, cũng rất thích dịch vụ sửa quần áo cũ, sẵn sàng gửi đồ qua bưu điện đến những tỉnh thành khác để được làm mới.
"Lần đầu tiên mình gửi 3 - 4 bộ đồ cũ, trong đó có một chiếc sườn xám may liền mà bản thân không thích lắm. Sau đó, thợ sửa đồ đã tách nó thành áo ngắn và chân váy, kết hợp lại rất đẹp, ưng ý vô cùng", Thanh nói và cho biết nhờ dịch vụ này, cô đã tận dụng được nhiều quần áo cũ trước khi nghĩ đến mua mới. Đồ cũ có thể mặc lại theo cách mới, tránh lãng phí.
Dịch vụ này hợp xu hướng giới trẻ, nên từ sở thích và khả năng may vá, nhiều người có thể kiếm thêm thu nhập nhờ sửa quần áo cũ cho khách.
Chị Nguyễn Phạm Thế Ngân (31 tuổi), ngụ tỉnh Vĩnh Long, cho biết ngoài việc bán phụ kiện ở cửa hàng, công việc sửa chữa quần áo cũ cũng giúp chị có thêm thu nhập. Đối tượng khách của chị thường là nữ, độ tuổi 20 - 35.
"Ban đầu mình chỉ sửa quần áo cũ của mình vì nó lỗi thời, không thể đem cho, còn vứt đi lại thấy tiếc và cũng gây ô nhiễm môi trường. Mình nghĩ cách tái chế để mặc tiếp, không nghĩ rằng mọi người sẽ liên hệ nhờ sửa đồ và giúp mình có thêm công việc như hiện tại", chị Ngân nói.
Với những mẫu áo quần đơn giản, chị Ngân chỉ mất từ 1 - 2 tiếng đồng hồ để hoàn thành, còn những bộ phức tạp hơn có khi cả ngày mới xong. Tuy nhiên, chi phí sửa đồ lại rất phải chăng, chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng, cao nhất chưa đến 100.000 đồng/sản phẩm.
Tương tự, Ngô Thị Hồng Yến (27 tuổi), ngụ H.Cao Lãnh, Đồng Tháp, bắt đầu làm dịch vụ sửa chữa quần áo cũ thành mới từ giữa năm nay. Hiện mỗi ngày chị nhận sửa 5 - 8 món đồ, giá từ 60.000 - 100.000 đồng/món tùy kiểu áo quần.
"Mỗi công đoạn đều khó như nhau, trong đó việc lên ý tưởng mất nhiều thời gian nhất. Trang phục sửa mới cần có kết cấu tương đồng với đồ cũ, nhưng kiểu phải khác. Làm công việc này phải cẩn thận, tỉ mỉ vì tìm ra loại vải tương đồng khá khó khăn, đôi lúc chỉ cần sai một đường kéo là hư cả bộ đồ", Hồng Yến chia sẻ.
Bình luận (0)