Dịch vụ ‘đàn ông cho thuê’

24/12/2021 17:18 GMT+7

Dịch vụ ‘đàn ông cho thuê’ phổ biến ở Nhật Bản nay đã lan rộng sang một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác ở châu Á.

Ở Nhật Bản, với mức phí 90 USD (2 triệu đồng)/phiên hoặc 10 USD/giờ, những “người đàn ông cho thuê” trong độ tuổi 30 - 50 sẵn sàng ngồi lắng nghe khách hàng trò chuyện, tâm tình, là một bờ vai để khách tựa vào khóc, đi hát karaoke chung hoặc chỉ đơn giản xuất hiện, ngồi im lặng trước mặt khách hàng trong lúc họ cảm thấy cô đơn...

Giờ đây, dịch vụ "đàn ông cho thuê" cũng đã xuất hiện tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác ở châu Á, như Hồng Kông, theo phản ánh của tờ South China Morning Post ngày 24.12.

Chẳng hạn, hai “người đàn ông cho thuê” tên Fio và Sky Lip ở Hồng Kông đăng quảng cáo trên Facebook, giới thiệu rằng họ sẵn sàng phục vụ bất kỳ ai cần bạn đồng hành để đi đến bất cứ đâu hoặc làm bất cứ điều gì họ thích.

“Đàn ông cho thuê” sẵn sàng lắng nghe mọi niềm vui nỗi buồn của khách hàng

Shutterstock

Là một chuyên viên tư vấn thực phẩm và đồ uống, anh Fio (27 tuổi) làm thêm dịch vụ “đàn ông cho thuê” kể từ đầu năm 2021. Anh kể, chỉ trong tuần đầu tiên đăng quảng cáo trên Facebook, 3 người có nhu cầu đã để lại bình luận.

Cụ thể, một nhân viên văn phòng vừa chia tay người yêu đã thuê Fio đưa cô đi làm mỗi ngày. Khách hàng thứ hai là một sinh viên chuyên ngành thể thao muốn anh ngồi xem và quan sát những buổi tập của cô ở trường đại học. Còn một người nội trợ chỉ cần anh đưa ra nhận xét về những món ăn mới do cô nấu để chuẩn bị cho bữa tiệc kỷ niệm ngày cưới.

Tương tự, nhiếp ảnh gia tự do Lip (45 tuổi) hành nghề “đàn ông cho thuê” được 1 năm và nhận thấy những khách hàng đôi khi chỉ cần một lời động viên, an ủi.

Sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, ông bố 4 con này vẫn đang cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ hai cũng có nhiều trắc trở không kém vì gặp khó khăn về tài chính. Do đó, đối tượng khách hàng của anh Lip thường là phụ nữ gặp rắc rối với chồng hoặc bạn trai. Họ tìm đến Lip để trút bầu tâm sự và tìm kiếm lời khuyên từ anh.

“Tuy nhiên, tôi luôn nói rõ với khách hàng rằng tôi không phải là một chuyên viên tư vấn nên chúng ta hãy cùng nhau dùng bữa và trò chuyện”, Lip chia sẻ. Cả Fio và Lip đều cho rằng họ đang đáp ứng một nhu cầu thực tế trong xã hội hiện đại.

Không chỉ riêng Fio và Lip, một nhóm bạn trẻ Ryszard Yeung, Joseph Lui và Olivia Arakawa thậm chí còn ra mắt ứng dụng điện thoại Puddy hồi tháng rồi, giúp kết nối “đàn ông cho thuê” với khách hàng tiềm năng ở Hồng Kông.

Nền tảng Puddy cung cấp danh sách “đàn ông cho thuê” để khách hàng có thể dễ dàng liên lạc. Chỉ riêng trong tuần này, có khoảng 30 nam thanh niên từ 20 - 30 tuổi đăng ký làm “đàn ông cho thuê”.

Yeung (24 tuổi) cho rằng nhóm của anh kỳ vọng đến giữa năm 2022, nền tảng Puddy sẽ có khoảng 300 người đăng ký làm “đàn ông cho thuê”, đồng thời khẳng định đây không phải là dịch vụ hẹn hò trực tuyến. Khách hàng sẽ đóng phí ít nhất 30 HK$ (88.000 đồng) mỗi phiên với “đàn ông cho thuê” được giới thiệu từ Puddy.

Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, chuyên gia về văn hóa Katrien Jacobs của Đại học Trung văn Hương Cảng (Hồng Kông) cho biết bà không lấy làm ngạc nhiên khi dịch “đàn ông cho thuê” xuất hiện ở nhiều nơi. “Tôi nghĩ rằng những người đang cô đơn cần có bạn đồng hành hoặc trải qua giai đoạn khó khăn về mặt tình cảm, nhưng có điều kiện thì vẫn có thể chọn các dịch vụ chuyên biệt như thế này”, bà Jacobs chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.