Kinh hoàng điểm check-in xấu
Công trình "tay tiên" tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) khiến nghiên cứu sinh Phạm Trung Hiếu, giảng viên Khoa Kiến trúc (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), muốn ngã bổ chửng. Công trình này, theo ông Hiếu, xấu đến mức "sát thương" cảnh quan hùng vĩ của một trong tứ đại đỉnh đèo vùng núi phía bắc. Đã thế, nó còn không liên quan gì đến văn hóa bản địa. "Nó làm nhớ đến tượng nữ thần Tự do sai tỷ lệ ở Sa Pa (Lào Cai) mà mọi người chê gần đây", ông Hiếu nói.
Tượng nữ thần tự do sai tỷ lệ ở Sa Pa cũng không phải là công trình điển hình duy nhất được xây với mục tiêu làm điểm check-in nhưng thất bại trong thời gian gần đây. Tại TT.An Lạc Thôn, H.Kế Sách (Sóc Trăng) có một tổ hợp nhiều công trình như phiên bản cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành… với chất lượng không thể tệ hơn. Bên hồ Gươm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng từng có một điểm check-in khiến người đi ngang qua cũng phải vừa khóc vừa cười là… trái tim lông. Trái tim này nhái lại nhiều trái tim ở các điểm du lịch, nhưng nó lại không hợp một chút nào với không gian văn hóa lịch sử của hồ Gươm.
Ông Phạm Trung Hiếu cho biết: Thời gian gần đây, đặc biệt sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch phục hồi, phát triển trên khắp đất nước. Các điểm check-in tại các khu du lịch "nở rộ" để thu hút khách. "Tại các mô hình kinh doanh du lịch nhỏ lẻ, đặc biệt các điểm đặt trên tuyến đường tham quan các địa điểm danh thắng, hệ thống các điểm check-in ngày càng dày và có dấu hiệu nhiễu loạn về thẩm mỹ cũng như thông điệp văn hóa. Có nhiều cụm biểu tượng được khai thác, sao chép từ các khu du lịch lớn ở trong nước và quốc tế bất chấp hình thức có ăn nhập với môi trường cảnh quan và tổng thể danh thắng hay không", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu: "Mật độ dày đặc những biểu tượng ngây ngô, vô nghĩa, xấu về hình thức, tỷ lệ, sai về thông điệp văn hóa, không hài hòa với cảnh quan, không an toàn về xây dựng, môi trường… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam trên con đường phát triển bền vững. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng xấu, hạ thấp giá trị văn hóa của điểm đến và địa phương".
Ông Hiếu cho rằng những điểm check-in này cũng là công trình xây dựng, vì thế dù có diện tích nhỏ thì chúng cũng phải tuân thủ luật Xây dựng. Ông Hiếu đề xuất: "Trong hồ sơ xin phép xây dựng cần chú thích rõ hạng mục này để các cơ quan cấp phép có thể kiểm tra được tính hợp lý về chỉ tiêu kỹ thuật, độ an toàn, đánh giá tác động môi trường… của chúng. Về mặt thẩm mỹ, các cơ quan quản lý tại điểm đến, tại danh thắng cần có kế hoạch lâu dài trong việc nâng cao nhận thức, thẩm mỹ cho các chủ doanh nghiệp nhỏ ngành du lịch; tổ chức các lớp bổ túc kiến thức giới thiệu giá trị lịch sử văn hóa, giá trị hình ảnh của danh thắng, các hoạt động cần thiết để kế thừa và phát huy các giá trị này".
Cũng theo ông Hiếu, quản lý địa phương cần đưa ra các ví dụ xấu điển hình cần tránh trong quá trình khai thác điểm du lịch, như các hình mẫu được sao chép với chất lượng thi công thấp, các công trình phi tỷ lệ, không hài hòa cảnh quan… Bằng cách đó, ý thức, nhận thức của các chủ đầu tư sẽ được nâng lên.
Trả lời Thanh Niên ngày 28.3, ông Trần Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lai Châu, cho biết hiện đang có chuyến đi công tác nên chưa xác minh được các thông tin về công trình "tay tiên" ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ cũng như chủ đầu tư của nó. Ông cho hay ngày 29.3 sẽ thông tin lại.
Tầm nhìn quản lý và đa dạng văn hóa
Việc tạo ra một điểm check-in rất cần ý thức chủ động. Còn nhớ, khi bộ phim Mắt biếc ra rạp và tạo nên cơn sốt, ngay lập tức Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cũng đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch Huế với các sản phẩm liên quan đến bộ phim. Đó là điểm đến với cây cô đơn trong phim, hay quán cà phê ở phố cổ Bao Vinh. Sự có ý thức của lãnh đạo ngành du lịch địa phương khi ấy đã thúc đẩy hình thành điểm check-in mới cho tỉnh này.
Sự chủ động này còn là chủ động phối hợp để không tạo ra những công trình làm xấu cảnh quan chung. Với trường hợp của "tay tiên" trên đỉnh Ô Quy Hồ, tuy công trình nằm trên đất của tỉnh Lai Châu, song nó cũng làm xấu cả tầm nhìn của tỉnh Lào Cai vì cung đường này "vắt" qua 2 tỉnh. Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin du lịch TX.Sa Pa (Lào Cai), cho hay dù bị ảnh hưởng, Lào Cai không thể ngăn cản việc xây dựng đó. "Như là nhà hàng xóm xây bể cá mà mình lại không cho ấy", bà Vượng nói. Chính vì thế, cũng cần có những quy định xây dựng liên tỉnh để không ảnh hưởng tới cảnh quan chung.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc có các điểm check-in tốt cũng phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn quản lý và sự tôn trọng đa dạng văn hóa của địa phương. "Hiện tại, chúng ta đang để phần lớn đơn vị tổ chức các điểm check-in tự phát, nhiều khi là thấy chỗ khác hay là chép về. Điều đó khiến chất lượng điểm check-in của chúng ta có thể nói là kém nhất trong khu vực. Các nước đều quan tâm đến quy hoạch cả. Nhìn vào những nơi có quy hoạch điểm đến, có thể thấy ngay chất lượng điểm check-in sẽ khác", TS Thủy nói.
Bà Thủy cho biết, tổ chức điểm đến và điểm check-in có quy hoạch nghĩa là phải có kế hoạch xác định đâu là thế mạnh của mình. Có quy hoạch cũng có nghĩa là phải mời được những chuyên gia trong lĩnh vực đến để tư vấn tham gia vào việc tổ chức. Chẳng hạn, điểm đến phố đi bộ Phùng Hưng (Hà Nội) có điểm mạnh về mỹ thuật. Điểm đến khác sẽ có thế mạnh là những mảng xanh thiên nhiên và khách sẽ rất thích chụp ảnh ở đó. Bà Thủy đề nghị: "Nói chung phải có quy hoạch và có yếu tố văn hóa, có câu chuyện để kể với du khách".
Bình luận (0)