Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng

28/06/2019 07:32 GMT+7

Đề dễ, điểm chuẩn vào ĐH được dự báo sẽ tăng nhưng cơ hội vào ĐH của thí sinh năm nay vẫn rộng cửa.

Siết chặt quy trình chấm thi THPT quốc gia


Nhiều ngành từ 17 - 19 điểm

Dự đoán điểm trúng tuyển năm nay sẽ nhiều biến động, khả năng sẽ tăng lên ở nhiều ngành. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu điểm còn phụ thuộc vào chất lượng đầu vào của thí sinh ở mỗi ngành chứ không hẳn là tỷ lệ chọi cao hay thấp
Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn các trường năm nay sẽ tăng. Ông Nhân nói, từ phản ánh của học sinh sau các môn thi, có thể thấy điểm chung năm nay là đề dễ thở hơn nên phổ điểm sẽ ở mức cao. Trên cơ sở này, điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng lên so với năm ngoái, đặc biệt các ngành “nóng” điểm chuẩn có thể tăng từ 2 - 3 điểm.
Tuy nhiên, theo ông Nhân dù điểm thi cao hơn, điểm chuẩn tăng nhưng cơ hội vào ĐH không khó với thí sinh (TS). Ông Nhân phân tích thêm với cách ra đề năm nay thì có khả năng 70 - 80% TS sẽ đạt điểm trung bình trở lên. Trong đó, TS đạt mức điểm từ 17 - 19 có thể chiếm tới 60%. Vì vậy, điểm chuẩn các trường năm nay có thể không dưới mức 15 và nhiều ngành sẽ rơi vào khoảng 17 - 19 điểm.
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, dự đoán năm nay điểm cao sẽ nhiều hơn và mức điểm sẽ phần lớn trong khoảng 5 - 6. Với đề thi này, điểm 10 có thể TS khó đạt được nhưng bài thi ở mức 8, 9 sẽ nhiều.
Theo ông Sơn, điều này sẽ tác động mạnh đến điểm chuẩn năm nay. Đặc biệt là các trường tốp trên như y dược, công an năm nay sẽ cao hơn năm ngoái từ 1 điểm trở lên.

Điểm chuẩn tăng tùy ngành


Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, điểm chuẩn vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm nay dự kiến sẽ tăng mạnh nhất ở các ngành nhiều TS đăng ký xét tuyển như: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, du lịch... Các ngành ít TS đăng ký điểm chuẩn sẽ không có đột biến so với năm trước như: nhóm ngành môi trường, sinh học...
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, điểm chuẩn các ngành “nóng” dự kiến sẽ tăng từ 2 - 3 điểm và ở mức khoảng 20 điểm như: công nghệ thực phẩm, quản trị nhà hàng... Các ngành khác có thể sẽ tăng hơn 1 điểm với điểm chuẩn dự kiến từ 16 trở lên.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cũng nhận định: “Đánh giá về chất lượng đề thi năm nay so với năm 2018, tôi dự đoán điểm chuẩn một số ngành vào trường có thể sẽ tăng 1 điểm. Đặc biệt, những ngành tốp đầu như sư phạm, luật, du lịch sẽ tăng từ 1 - 2 điểm. Với những ngành hằng năm có mức điểm chuẩn ổn định do số lượng TS đăng ký ít, thì có thể sẽ giữ như năm trước”.
Tiến sĩ Duy thông tin, đề thi năm 2018 được đánh giá là khó hơn năm 2017, nên điểm chuẩn các ngành vào trường cũng giảm. Chẳng hạn ngành sư phạm toán giảm tới 6 điểm, sư phạm ngữ văn từ 21 xuống 17, ngành luật cũng giảm 2 điểm còn 17 điểm.

Thí sinh phấn khởi vì đề năm nay dễ

Ảnh: Ngọc Dương

Phụ thuộc vào chất lượng thí sinh của mỗi ngành

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Điểm trúng tuyển năm nay sẽ nhiều biến động, khả năng sẽ tăng lên ở nhiều ngành. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu điểm còn phụ thuộc vào chất lượng đầu vào của TS ở mỗi ngành, chứ không hẳn là tỷ lệ chọi cao hay thấp. Ví dụ, tỷ lệ chọi của ngành quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thường thấp hơn một số ngành khác nhưng điểm chuẩn luôn nằm trong tốp vì những TS khá giỏi mới đăng ký vào ngành này”.
Theo tiến sĩ Hạ, trừ những ngành “hot” hằng năm vẫn luôn có mức điểm trúng tuyển cao như: báo chí, du lịch, quan hệ quốc tế, văn học..., đa số những ngành còn lại, trường sẽ căn cứ vào mặt bằng chung kết quả thi của TS nộp hồ sơ vào trường để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết mặc dù nhiều người đánh giá đề thi dễ. Nhưng cũng có thể dễ đối với các học sinh ở thành phố lớn. Chẳng hạn như ở Long An - nơi ông Quốc làm nhiệm vụ coi thi, nhiều TS cho biết nhiều đề thi không dễ. Tuy nhiên thạc sĩ Quốc cho biết theo đánh giá chủ quan, năm nay điểm chuẩn các ngành của trường có thể tăng nhẹ.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng việc ra đề thi theo quy luật như vậy là khá tốt. Đề thi có điểm chuẩn không xê xích nhiều trong các năm là đạt đến sự phân hóa, chọn lựa tốt. TS đánh giá mình có điểm cao hay thấp thì phải chờ có điểm thi chính thức. Nhưng trước khi thi, TS đánh giá được mình sẽ có điểm nằm ở mức nào, dự định chọn ngành học gì, trường ĐH nào và đến khi có điểm thi, kết quả không khác mấy so với đánh giá trước đó thì đề thi thành công”, thạc sĩ Quốc cho biết.

Ý KIẾN

Điểm chuẩn cao hơn ở tổ hợp khối C, D

Theo các thầy giải đề, năm nay đề môn toán, văn, Anh văn, giáo dục công dân, sử, địa đều dễ hơn năm trước. Đề thi lý, hóa, sinh gần như tương đương năm 2018. Như vậy, có thể dự đoán sơ bộ điểm chuẩn của tổ hợp môn của các ngành mà các trường ĐH xét tuyển. Trong những tổ hợp môn cơ bản thì tổ hợp C, D sẽ có điểm chuẩn cao hơn; tổ hợp A, B tăng nhẹ. Như vậy, những trường khối xã hội nhân văn có nhiều ngành xét khối C, D khả năng điểm chuẩn sẽ cao hơn năm trước.
Tiến sĩ Phạm Hồng Danh (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường THPT Vĩnh Viễn)

Một số ngành điểm chuẩn sẽ cao hơn năm ngoái

Nhiều chuyên gia đánh giá đề thi năm 2019 vừa sức hơn năm 2018. Vì vậy, nhiều khả năng điểm chuẩn của trường sẽ tăng ít nhất từ 1 - 2 điểm so với năm trước. Lý do là xác suất điểm cao sẽ nhiều hơn, mà chỉ tiêu của trường thì có hạn. Tổng chỉ tiêu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay là hơn 5.500, số nguyện vọng đăng ký là 45.000, tổng nguyện vọng 1, 2, 3 là 69%. Nhưng phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia chỉ chiếm 50%, vì vậy cạnh tranh đã cao nay sẽ cao hơn. Dự đoán xác suất các ngành có lượng TS đăng ký khá lớn năm nay như: quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing sẽ có điểm chuẩn cao hơn mức năm ngoái.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Trường tốp đầu không tăng, trường tốp 2 tăng nhẹ

Nhìn chung qua nhận định về đề thi và tình hình làm bài của TS thì đa phần các em đều tự tin làm được bài. Phổ điểm chủ yếu trên trung bình, tuy nhiên để đạt điểm cao (9 hoặc 10 điểm) thì ít TS đạt được. Điều này dẫn đến điểm chuẩn các trường tốp trên như y dược, nhóm ngành công an quân đội, ngân hàng... sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2018. Điểm chuẩn của các trường tốp 2 sẽ tăng nhẹ và đây là phổ điểm tập trung nhiều TS (từ 18 - 22 điểm) sẽ thuận lợi cho các trường xét tuyển.
Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Điểm chuẩn các ngành có môn sử tăng nhẹ từ 0,25 - 1 điểm

Đề thi môn lịch sử số lượng câu hỏi mang tính chất thông hiểu nhận biết chiếm đa số, đủ cho TS đạt trung bình. Các câu hỏi phân loại có hình thức đa dạng như nhận xét các đánh giá, tìm điểm tương đồng, so sánh các sự kiện lịch sử đòi hỏi TS phải có kỹ năng phân tích, so sánh, tổng hợp cao... Dự đoán, phổ điểm cao hơn năm ngoái nhưng không nhiều nên điểm chuẩn các ngành khoa học xã hội có môn lịch sử trong tổ hợp môn xét tuyển sẽ nhích nhẹ từ 0,25 - 1 điểm so với năm ngoái.
Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
Đăng Nguyên - Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.