Có lẽ không ở đâu người ta có thể thưởng thức được đặc sản khắp các vùng miền như ở Sài Gòn. Nói không ngoa khi cho rằng Sài Gòn là thiên đường dành cho những ai mê ẩm thực. Và trong bản đồ ẩm thực của vùng đất này, mì là món ăn chinh phục được nhiều người, kể cả những người sành ăn khó tính.
|
Sài Gòn có hàng nghìn quán mì lớn nhỏ khác nhau. Quán mì có thể nằm trong một trung tâm thương mại phồn hoa, cũng có thể chỉ là một chiếc xe đẩy ở con đường nhỏ ngoại ô. Thế nhưng, người ta vẫn yêu và nhớ món mì Tâm Ký ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Quán này đã tồn tại hơn 10 năm nay, nổi danh với món mì sườn kho. Món mì sườn kho ở đây chế biến không hề dễ. Khi đã ăn quen rồi, tôi mới được chủ quán tiết lộ rằng: “Đừng nghĩ rằng cứ nêm gia vị đầy đủ rồi hầm sườn thật lâu là thành công.
Tôi nấu món này phải canh cả thời điểm nước thế nào để cho sườn vào, nấu bao lâu thì nhỏ lửa, nấu đến thời điểm nào thì tăng lửa lên… Còn gia vị cũng được chia thành nhiều đợt để nêm nếm, tỷ lệ bao nhiêu... đó là bí quyết riêng của quán”.
Món sườn này ngon như thế nào, có lẽ giấy bút cũng chẳng thể diễn tả hết được. Mà Tâm Ký không phải chỉ thu hút khách hàng nhờ món sườn trứ danh mà còn ở sợi mì tươi thơm. Nước lèo sóng sánh, đậm đà càng khiến cho sợi mì thêm hảo hạng. Ngoài mì sườn, bạn còn có thể chọn mì gà rô ti. Món gà cũng được chế biến giống như sườn, ăn một lần là nhớ mãi.
Mì sườn kho
|
Giống quán mì Tâm Ký, mì cật Trương Định nằm ở trung tâm Sài Gòn, quán bình dân đến mức nếu bạn là người ưa hình thức sẽ rất e ngại bước vào. Nhưng đã bước vào đây một lần thì sợi mì của quán sẽ rất dễ “dụ” bạn trở thành vị khách quen gắn bó. Mì ở đây sợi to và dai như mì Phú Kiến, do chủ quán tự tay chế biến. Nước lèo cũng thuộc loại ngon nhất Sài Gòn.
Đó là chưa kể nếu bạn mê ăn cật, nơi đây sẽ là địa chỉ ưa thích vì cật được chế biến khéo léo, không hề lưu lại mùi hôi như ở một vài nơi khác. Ăn kèm với mì, ngoài các gia vị như xì dầu, dấm... còn có hẹ và giá. Đặc biệt, ớt sa tế ở quán chỉ dành cho những người “sống không thể thiếu ớt, ăn không thể thiếu vị cay”.
Chẳng ai rõ quán mì cật Trương Định đã có mặt từ bao lâu rồi nhưng các vị khách đến đây cho biết họ đã gắn bó với quán mì từ khi còn đi học phổ thông đến lúc đi làm. Để diễn tả về chất lượng mì ở nơi đây, người ta chỉ có thể nói: chớ nên "trông mặt mà bắt hình dong". Quán không bán vào chiều ngày chủ nhật, nếu muốn thưởng thức xem mì cật ngon đến đâu thì hãy tranh thủ ghé quán vào những ngày khác trong tuần.
Mì cật Trương Định
|
Quán mì không tên nằm tại số 108 Calmette, quận 1 là một trong những quán mì lâu đời ở Sài Gòn mà người mê ẩm thực ai cũng biết. Tiệm mì này có tuổi đời cũng đã nửa thế kỷ. Tại tiệm mì không tên này có đủ loại sợi mì để “chiều lòng” thực khách như mì to kiểu Phúc Kiến màu vàng, mì Tiều sợi nhỏ, mì dẹt... đến hủ tiếu.
Ngoài ra, quán còn có món bánh lọt làm theo kiểu truyền thống của người Trung Hoa. Mặc dù là quán của người Hoa nhưng nước chấm lại không phải là nước tương hay dấm mà là nước mắm pha chút đường, có vài cái tóp mỡ. Sự giao thoa giữa ẩm thực Trung Hoa và VN đã khiến cho quán mì này lúc nào cũng nườm nượp khách. Quán chỉ bán vào buổi sáng với giá độ chừng 30.000 đồng/ tô.
Đến quán mì Chú Tắc tại đường Kỳ Đồng, quận 3, thực khách sẽ được thấy chủ quán làm mì ngay tại chỗ. Công thức làm mì của quán được truyền từ đời này sang đời khác. Tất cả đều được làm thủ công nên mì ngon và lạ hơn một vài quán ăn bình thường khác. Sợi mì vàng tươi, thơm mùi trứng gà là điểm cộng làm cho quán được nhiều người biết đến.
Ngoài loại mì đặc biệt Chú Tắc gồm một tô mì khô cùng miếng bánh tôm chiên...và tim, gan, cật, tôm được chần trong chén súp thì quán còn nổi tiếng với mì vịt tiềm, gà ác tiềm, óc heo tiềm. Không gian quán sạch sẽ, nên giá thành cao hơn quán mì cật Trương Định hay mì không tên tại Calmette. Giá dao động từ 75.000 đồng/ tô mì. Hiện tại, mì Chú Tắc còn có chi nhánh nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3.
|
Sài Gòn còn nổi tiếng với món mì vịt tiềm có gốc gác từ người gốc Hoa. Khi đã nhắc đến mì vịt tiềm khó mà không thòm thèm tô mì của mì vịt tiềm Hải Ký. Theo chia sẻ của chủ quán thì quán đã tồn tại gần nửa thế kỷ, chuyển từ địa chỉ La Cai – tên gọi trước giải phóng (nay là đường Nguyễn Tri Phương) về đường Nguyễn Trãi, quận 5 như hiện nay.
Bí quyết làm ra sợi mì của quán được truyền từ đời này sang đời khác với nguyên liệu là bột mì Nhật Bản trộn cùng trứng gà và trứng vịt. Tỷ lệ và bí quyết để làm sao tạo ra được cọng mì ngon, dai thì có lẽ chỉ có người trong gia đình mới có thể biết được. Ngoài tiệm mì vịt tiềm Hải Ký, mì vịt tiềm Hoàng Diệu gần ngã tư Nguyễn Tất Thành và Hoàng Diệu hay mì vịt tiềm Cai Ký ở Cao Đạt là những địa chỉ thích hợp cho thực khách mê món này.
Bình luận (0)