Làm ăn với doanh nghiệp Nhật

11/10/2013 03:55 GMT+7

Làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam ngày càng nhiều, mở ra hàng loạt cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước.

Làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam ngày càng nhiều, mở ra hàng loạt cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước. 

Làm ăn với doanh nghiệp Nhật
DN Nhật Bản đang khảo sát chính sách thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu) - Ảnh: Q.T

Năm 2009, thông qua sự giới thiệu của một Việt kiều Nhật, Công ty thang máy Thiên Nam (TP.HCM) đã có cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư Nhật Bản trong cùng lĩnh vực. Nhật Bản có nhu cầu sử dụng thang máy rất lớn, nhưng hạn chế về mặt nhân lực đã khiến họ tìm kiếm một thị trường lao động khác. Lúc đó Thiên Nam chỉ là một doanh nghiệp (DN) nhỏ, nhưng phương châm làm việc nghiêm túc đã chiếm được sự tin cậy của đối tác Nhật.

Ông Trần Thọ Huy - Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam kể: “Khi đó họ cầm bản vẽ thiết kế sang gặp chúng tôi, hỏi có làm được không. Mẫu mã công nghệ của Nhật rất mới, mình thật sự chưa từng làm qua. Nhưng tôi vẫn trả lời chắc chắn làm được. Sau đó chúng tôi vừa học vừa làm, cuối cùng sản phẩm làm ra cũng đáp ứng yêu cầu của đối tác Nhật. Tạo được niềm tin ban đầu, đơn hàng của họ gửi sang chúng tôi ngày càng nhiều lên. Thời gian đầu có những lúc chúng tôi chấp nhận làm lỗ, mục đích là để tìm hiểu công nghệ của họ, rồi áp dụng vào những sản phẩm bán ra trong nước. Sau 4 năm làm ăn, gia công xuất khẩu cho Nhật với thương hiệu Daiko, hiện nay họ đã chính thức đề nghị hỗ trợ vốn để chúng tôi mở rộng, nâng cấp nhà máy bởi xưởng sản xuất cũ đã quá chật. Về phía Thiên Nam cũng đã có thị phần đáng kể trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp thang máy cho thị trường nội địa. Đó cũng nhờ một phần vào sự hướng dẫn, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản”.

Cũng với cơ hội làm giàu từ Nhật, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc sáng lập Công ty điện tử Minh Trân - tâm sự: “Trước khi mở công ty, tôi từng đi thăm một doanh nghiệp điện tử của Nhật. Thấy họ làm giỏi quá, mình đâm ra phát hoảng, dao động. Nhưng nghĩ lại thì cứ ấm ức sao người ta làm được mà mình không làm được. Thế là tôi quyết tâm làm và cố gắng làm tốt hơn họ”. Năm 1994, Công ty Minh Trân chính thức được thành lập, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao và một xưởng thủ công nhỏ khác xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam qua thị trường Nhật. Học hỏi kinh nghiệm, văn hóa kinh doanh, giao thương với Nhật, đến nay Công ty Minh Trân đã làm ăn phát triển, mở rộng đầu tư công nghệ cao chuyên sản xuất công cụ kiểm tra vi mạch với quy trình khép kín, sản phẩm là những linh kiện công nghệ siêu chính xác để cung cấp cho Nhật Bản.

Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Để làm việc được với Nhật phải hết sức nghiêm túc, kiên nhẫn và phải có thực lực. Có những dự án phía Nhật họ theo dõi thông tin suốt 4 - 5 năm trời mới đi đến ký kết. Đổi lại khi đã chọn mình làm đối tác thì họ sẽ hết sức chân thành và chung thủy trong làm ăn”. 

Quang Thuần 

>> Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng
>> Thêm một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam
>> Các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam
>> Đoàn 44 doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội thương mại và đầu tư tại Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.