Vụ án Huyền Như: Viện KSND nói 'truy tố đúng người, đúng tội'

20/01/2014 14:58 GMT+7

(TNO) Sáng 20.1, đại diện Viện KSND đã đối đáp, tranh luận với các luật sư của bị cáo, luật sư của bị hại, nguyên đơn dân sự. Kết thúc bài tranh luận, hai công tố viên lập luận việc truy tố, luận tội của kiểm sát viên là đúng người, đúng tội, phù hợp cả về lý luận lẫn thực tiễn.

(TNO) Sáng 20.1, đại diện Viện KSND đã đối đáp, tranh luận với các luật sư của bị cáo, luật sư của bị hại, nguyên đơn dân sự…

Xét xử đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Viện giữ nguyên quan điểm
Huyền Như được dẫn giải đến tòa ngày 20.1 - Ảnh: Lê Quang

Theo đại diện Viện KSND, trên tinh thần cầu thị, đại diện Viện KSND tiếp thu ý kiến của các luật sư. Đại diện Viện KSND đánh giá phiên tòa có nhiều quan điểm trái chiều và tranh luận những vấn đề cụ thể. Tuy nhiên kết thúc bài tranh luận, hai công tố viên lập luận việc truy tố, luận tội của kiểm sát viên là đúng người, đúng tội, phù hợp cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Không có gì cho thấy Huyền Như sẽ thôi lừa đảo

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng (bào chữa cho Huyền Như) cho rằng số tiền 80 tỉ đồng của Công ty Thái Bình Dương, Huyền Như chỉ là chiếm dụng (không chiếm đoạt) và trước đó tất cả các hợp đồng vay khác Như đều thanh toán đầy đủ. Đại diện Viện KSND cho rằng việc thanh toán 14 hợp đồng chỉ là “chiêu” thức để Như thực hiện các hợp đồng tiếp theo và để che giấu hành vi lừa đảo.

“Mỗi lần Như vay tiền đều thực hiện các thủ đoạn gian dối, lặp đi, lặp lại nhiều lần. Việc chi trả tiền nhằm để thực hiện các hành vi tiếp theo, nếu không trả tiền thì không thể vay được số tiền tiếp theo, không chiếm đoạt được 80 tỉ đồng. Không có dấu hiệu nào cho thấy Như sẽ dừng lại hành vi lừa đảo, nếu không bị phát hiện. Như gian dối ngay từ đầu vì sử dụng hợp đồng giả, con dấu, chữ ký giả ngay từ đầu là lừa đảo chứ không phải lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đại diện Viện KSND lập luận.

Luật sư cho rằng bị đe dọa, cưỡng bức từ phía người cho vay nặng lãi để giảm hình phạt, đại diện Viện KSND nói đề nghị này là không cơ sở vì ngoài lời khai của Như không có chứng cứ nào khác cho thấy có sự đe dọa.

Với đề nghị ghi nhận việc Như đã nộp tiền khắc phục hậu quả để xem xét giảm án, đại diện Viện KSND cho rằng Như chỉ nộp 8 tỉ đồng, còn 200 tỉ đồng là kê biên nếu so sánh với tổng số thiệt hại (3.900 tỉ đồng) thì số trên là con số quá nhỏ nên không thể áp dụng tình tiết tự nguyện khắc phục hậu quả.

Viện KSND đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận tình tiết khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra, người phạm tội có thể xem xét khi lượng hình. Với hành vi bị cáo gây ra quá nguy hiểm, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng đến bây giờ thì coi như không thể khắc phục được nên Viện KSND khẳng định không thể áp dụng điều 47 giảm nhẹ hình phạt cho Như như luật sư đề nghị được.

Luật sư cho là cùng một hành vi truy tố hai lần đối với Như vừa truy tố lừa đảo, vừa truy tố tội làm giả con dấu, trong khi làm giả chỉ là phương thức thủ đoạn để lừa đảo, Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm, không rút truy tố vì hành vi làm giả 8 con dấu là đã cấu thành tội danh độc lập, việc truy tố là cần thiết.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (bào chữa cho Huyền Như) cho rằng Vietinbank quá lỏng lẻo trong quản lý nhiều hợp đồng, nhiều lệnh chi tiền giả đã được thông qua là nguyên nhân dẫn đến hậu quả do hành vi trái pháp luật của Như gây ra. Viện KSND cho rằng lập luận này là không có cơ sở vì dẫn đến việc 15 cá nhân, tổ chức bị thiệt hại là do hành vi trái pháp luật của Như chứ không phải do Vietinbank lỏng lẻo. Sự thiếu kiểm tra, kiểm soát của Vietinbank chỉ là điều kiện cho Như thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt.

Luật sư Thi yêu cầu xác định lại hậu quả do bị cáo Huyền Như gây ra, Viện KSND cũng cho rằng không cần thiết, bởi lẽ kết luận điều tra, cáo trạng của Viện KSND và luận tội của Viện KSND đã chỉ ra hành vi lừa đảo của bị cáo Huyền Như đã gây ra thiệt hại cho 15 đơn vị và cá nhân số tiền gần 4.000 tỉ đồng, còn việc số tiền này sử dụng như thế nào đã được kết luận điều tra cũng như cáo trạng và luận tội chỉ rõ là Huyền Như lấy tiền người sau, mang trả cho người trước, những người cho vay lãi nặng.

Luật sư còn đề nghị các cá nhân, tổ chức không yêu cầu Huyền Như bồi thường mà họ đòi Vietinbank nên đề nghị ghi nhận thì Viện KSND cho rằng theo quy định pháp luật đã xác định người chiếm đoạt tài sản trái phép phải bồi thường cho chủ sở hữu hợp pháp nên vẫn buộc Như bồi thường.

Các luật sư khác cũng bị bác lời bào chữa

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo khác cũng bị Viện KSND bác bỏ lời bào chữa vì cho rằng lời bào chữa không có cơ sở.


Đại diện Viện KSND tranh luận với luật sư - Ảnh: Lê Quang

Theo Viện KSND, mặc dù Võ Anh Tuấn không ký trên các hợp đồng nhưng Tuấn vẫn ký 10 giấy xác nhận tiền của Thái Bình Dương chuyển tiền vào Vietinbank Nhà Bè là căn nguyên để Thái Bình Dương tin tưởng chuyển tiền tiếp mới bị chiếm đoạt.

10 tỉ đồng (tiền Võ Anh Tuấn hưởng lợi) nguồn gốc đầu tư bất động sản chứng khoán là không có cơ sở vì 2011 khi Tuấn yêu cầu nhận lại 10 tỉ đồng, Như không có nên Tuấn đi vay 0,4%/ngày, lúc này thị trường bất động sản và chứng khoán đã đóng băng.

Đối với nhóm 10 bị cáo vi phạm quy định cho vay, đại diện Viện KSND cho rằng không truy tố theo điểm c “hành vi khác” như các luật sư lập luận mà Viện KSND chỉ nêu các bị cáo đã làm không đúng quyết định 1627 của Ngân hàng nhà nước VN về quyết định 02 của Vietinbank cho vay, bỏ qua các quy trình, quy định về việc phải có mặt của người vay, người bảo lãnh; bỏ qua chữ ký của họ trên hồ sơ vay, không đối chiếu hồ sơ, giấy tờ với người giao dịch theo đúng quy định và cho vay không có bảo đảm trái quy định pháp luật. Bỏ qua các bước của quy trình lập hồ sơ cho vay: không có mặt người vay, người bảo lãnh để ký tên, đối chiếu chữ ký của họ với CMND… là trái quy định của pháp luật.

Về thiệt hại, điều 179 không có cụm từ “gây thiệt hại”, điều luật cũng không quy định là hậu quả cho đơn vị nào nên không cần thiết phải gây thiệt hại cho Vietinbank. Việc Huyền Như rút trót lọt 718 tỉ của Ngân hàng ACB là “gây hậu quả nghiêm trọng” do các bị cáo làm sai quy trình nên không có cơ sở để xem xét lại quyết định truy tố đối với nhóm các bị cáo này.

Về nhóm cán bộ thiếu trách nhiệm, vị công tố cho rằng nếu các bị cáo thực hiện đúng quy trình yêu cầu những người mở tài khoản đến ký chữ ký mẫu thì Huyền Như không thể chiếm đoạt được tiền nên việc truy tố là có căn cứ. Điều luật truy tố các bị cáo không bắt buộc là phải gây thiệt hại nghiêm trọng cho ai mà chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng nên việc luật sư đề nghị rút truy tố là không có cơ sở để chấp nhận.

Đối với Phạm Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Thái Bình Dương), vị công tố đánh giá hành vi của Tuấn là dùng vốn nhà nước cho vay, lợi nhuận 50 tỉ đồng, mất 80 tỉ đồng, bỏ túi 121 tỉ đồng. Nếu Tuấn không phải người đứng đầu thì không thể làm được việc trên. Theo quy định, vốn nhà nước cấp chỉ được phép đầu tư công, không được phép cho vay. Vốn nhà nước cấp phải sử dụng đúng mục đích, chưa dùng thì phải trả lại chứ không được đem cho vay. Hợp đồng ký với Vietinbank lại chuyển tiền cho công ty khác mà không tìm kiểu là lỗi cố ý trực tiếp, có vụ lợi nên không thể chấp nhận lời bào chữa của luật sư.

Tương tự, đối với nhóm cho vay lãi cao, Viện KSND cho rằng lời bào chữa của luật sư là không có cơ sở để chấp nhận.

Không chấp nhận yêu cầu Vietinbank phải bồi thường số tiền chiếm đoạt

Đối với 8 điểm luật sư đưa ra để bảo vệ cho ACB, theo vị công tố, mục đích phạm tội của Như là dùng thủ đoạn phạm tội được che giấu dưới cái mác nhân viên Vietinbank. Tuy là con dấu thật, chữ ký thật nhưng hợp đồng này chỉ thật với ACB mà giả với Vietinbank vì Vietinbank không đưa ra mức lãi suất vượt trần, lãi suất ngoài hợp đồng. Vietinbank không có quy định lãi suất nhận ngay, nhân viên không cần đến Vietinbank... Vì lòng tham, lãnh đạo ACB làm sai quy định, ủy quyền cho 19 nhân viên ACB gửi tiền che giấu cho việc làm trái pháp luật, trái Thông tư 02 của Ngân hàng nhà nước VN về trần lãi suất huy động.

Khi tiền đã chuyển khoản vào tài khoản của các nhân viên này ở Vietinbank thì hủy ngay hợp đồng. Thực tế các hợp đồng ủy thác, hợp đồng tiền gửi, chuyển khoản thực hiện trong 1 ngày… đây là giao dịch bất hợp pháp. ACB đã phó thác toàn bộ số tiền để Như toàn quyền định đoạt, trích chuyển thành sổ tiết kiệm, không nắm giữ thẻ tiết kiệm là lỗi cơ bản của chủ tài khoản, không biết bảo vệ tài sản của mình là phạm quyết định 1160 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, dẫn đến bị chiếm đoạt.

“Tại sao các giao dịch khác đều đảm bảo còn những giao dịch với Như lại bị lợi dụng? Đó là vì tham lãi suất. ACB đã nhận lãi suất vượt trần từ Như. Nếu ACB không có lòng tham, cẩn trọng hơn thì Như không thực hiện được ý đồ gian dối của mình”, Viện KSND nói.

Xét về hành vi, thì Như có dấu hiệu gần với tội tham ô nên có sự nhầm lẫn nhưng hành vi của Như là nhằm vào tiền của ACB, có đủ 4 yếu tố của tội lừa đảo. ACB mất quyền kiểm soát đối với tiền của mình từ khi chuyển tiền, làm các thủ tục không đúng quy định để Như tiếp tục dùng các thủ đoạn gian dối khác chiếm đoạt tài sản…

Sau phần nghỉ giải lao, một công tố viên trình bày quan điểm tranh luận xong còn một công tố viên chưa trình bày quan điểm thì có 5 luật sư đề nghị trở lại phần xét hỏi vì xuất hiện những tình tiết mới. Tuy nhiên, HĐXX nhắc lại theo Bộ luật Tố tụng, sau khi kết thúc phần xét hỏi thì đến phần của Viện KSND đối đáp tranh luận. Kết thúc phần đối đáp, nếu cần xem xét thêm thì HĐXX quyết định trở lại phần xét hỏi nhưng các luật sư cứ muốn đốt cháy giai đoạn… Đề nghị các luật sư tôn trọng HĐXX, tôn trọng quyền điều khiển phiên tòa của chủ tọa.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.

Lê Quang

>> Xét xử đại án Huyền Như: Căng thẳng quanh trách nhiệm của Vietinbank
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Lời bào chữa ‘gai góc’ của các luật sư
>> Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư nói HĐXX vi phạm pháp luật
>> Ông Nguyễn Bá Thanh dự khán phiên tòa xử Huỳnh Thị Huyền Như
>> Xét xử 'đại án' Huyền Như: Quy tội Huyền Như để 'giải thoát' Vietinbank?

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.