[VIDEO] Không học đại học thì làm gì?
|
Lộ điểm yếu trong dạy và học
GS Phạm Hồng Tung
|
Ông có nhận xét gì về đề thi môn lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đề thi có “lỗi” nào đó khiến điểm thi môn lịch sử ở nhiều địa phương thấp như vậy không?
Đề năm nay ra như vậy là khoa học và đi đúng hướng. Đề thi các năm trước chủ yếu dừng ở nhóm năng lực ghi nhớ, học thuộc mà điểm đã không cao rồi mà những em đạt điểm cao cũng chưa chắc có năng lực toàn diện về môn học. Các em học thuộc nhiều, ghi nhớ nhiều và thậm chí học trúng tủ nên điểm cao.
Đề thi năm nay đã bắt đầu tiệm cận theo hướng đánh giá năng lực, có 4 cấp độ ghi nhớ, thông hiểu, nhận biết và vận dụng. Đề thi có những câu hỏi trực diện nhưng có câu hỏi theo kỹ thuật gây nhiễu để đánh giá học sinh (HS) ở mức nhạy bén, sâu sắc.
Tuy nhiên, đề thi năm nay so với năm ngoái dù không dài hơn nhưng do độ khó tăng lên, thí sinh mất nhiều thời gian suy nghĩ, cân nhắc nhiều hơn nên có lẽ phần lớn không đủ thời gian để trả lời những câu hỏi trắc nghiệm đó nên nhiều em sẽ chọn “bừa” một đáp án dẫn tới hậu quả là sai nhiều hơn đúng.
Đề thi theo hướng đánh giá năng lực như vậy sẽ giúp lộ ra những điểm yếu trong cách dạy và học môn học này. Buồn thì cũng phải nhìn nhận đó là thực tế có ích để chúng ta thay đổi tích cực hơn chứ không phải để vùi dập môn học này.
Trước đó Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đề tham khảo, hướng dẫn ôn tập cũng đã nêu nội dung này. Vậy vì sao điểm thi môn lịch sử vẫn “tuột dốc”, thưa ông?
Có rất nhiều nguyên nhân, dạy thì vẫn theo kiểu cũ mà thi bắt đầu tiệm cận với đánh giá năng lực. Dạy theo logic nội dung thì lẽ ra sẽ phù hợp hơn với cách ra đề tự luận, dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học thì thi trắc nghiệm khách quan sẽ phù hợp hơn. Như vậy, cách dạy học chưa chuyển kịp theo cách thi.
Bắt đầu cái mới bao giờ cũng khó khăn, năm nay lần đầu chuyển đổi chắc chắn HS sẽ khó khăn. Do vậy, tôi mong xã hội đừng vì thấy các em điểm môn lịch sử thấp mà đánh giá “toàn HS lười, toàn HS dốt”... Không hẳn như vậy.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận kết quả này là hậu quả của việc nhiều năm qua chúng ta đã làm cho môn lịch sử không phải là môn học được HS yêu thích và chuẩn bị tốt nhất về mặt tri thức. Trong đó có lỗi của những người làm thầy như chúng tôi vì chưa có một chương trình môn lịch sử một cách khoa học, chưa có những bộ sách giáo khoa thực sự hấp dẫn, chưa có những phương pháp giảng dạy thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Chọn thi môn sử với tâm lý cầu may
Sử là một môn có nhiều HS lựa chọn nhất trong số các môn tự chọn. Liệu có mâu thuẫn không khi HS tự chọn nhiều như vậy mà điểm thi lại là một trong những môn thấp nhất?
Môn lịch sử dù có nhiều HS lựa chọn nhất nhưng cần có cái nhìn tỉnh táo về hiện tượng này. Nhiều em vẫn nghĩ rằng đây chỉ là môn học thuộc nên thay vì phải chọn những môn phải thực sự khá giỏi, đòi hỏi phải phân tích, tính toán như khoa học tự nhiên thì các em sẽ chọn các môn khoa học xã hội, trong đó có lịch sử. Với cách ra đề như cũ, các em có niềm tin chọn môn lịch sử để cầu may. Do vậy, nhiều HS chọn cũng không vội mừng.
Một điểm nữa phải nói thêm là hầu hết HS chọn môn sử chỉ để xét tốt nghiệp, nhiều em có tâm lý chỉ cần 2 - 3 điểm môn này là được xét tốt nghiệp rồi nên không tập trung học. Các năm trước HS với tâm lý coi đây là môn học thuộc, có thể ăn may nhờ trúng tủ nên ngày càng nhiều em chọn môn này. Tuy nhiên, đề thi năm nay phân hóa rõ hơn, không phải cứ học thuộc là làm được nên kết quả cũng có biểu hiện thấp hơn đáng kể.
Không nên quay về cách thi cũ
Ông nói đề thi đang ra đúng hướng nhưng nếu năm nay vì đề thi khó, điểm thi thấp tạo áp lực trước dư luận xã hội khiến ngành GD-ĐT sang năm lại quay về cách ra đề như cũ để điểm thi cao hơn thì ông có đồng tình không?
Tôi ủng hộ việc ra đề như năm nay, chỉ có điều chúng ta cần cân nhắc về độ dài của đề thi so với thời gian làm bài. Đã đến lúc chúng ta cần đồng lòng, chung sức với ngành GD-ĐT. Nếu chúng ta không đổi mới đánh giá, thi cử thì bao giờ mới đổi mới được cách dạy học. Do vậy, khi đã có một hướng đi đúng thì cần bước tiếp chứ không nên lùi bước.
Đánh giá năng lực với nhiều thang bậc khác nhau là cách tất yếu của các môn học khác nhau chứ không phải chỉ riêng môn lịch sử.
Thay vì lên án điểm thi thấp thì chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế dạy học, kiểm tra, đánh giá môn lịch sử để thay đổi. Thay vì nhồi nhét kiến thức theo kiểu học thuộc rồi kiểm tra khả năng ghi nhớ máy móc thì trang bị cho HS phương pháp tư duy, năng lực tổng hợp, sáng tạo… trên nền tảng một lượng kiến thức vừa phải. Nhìn vào điểm thi thấp để thấy rằng cần phải dạy và học một cách nghiêm túc chứ không phải để sang năm ra đề dễ hơn.
Xây dựng chương trình môn sử không nhồi nhét kiến thức
Chúng tôi đã thay đổi từ triết lý đến cấu trúc môn học, phương pháp tổ chức dạy học môn lịch sử từ tiểu học đến THPT. Chúng tôi xây dựng và đang hoàn thiện chương trình môn lịch sử theo hướng đây đúng là môn khoa học, giống như bất kỳ môn khoa học khác chứ không phải môn học nhồi nhét kiến thức, nặng tính tuyên truyền.
Chúng ta phải nói cho con em chúng ta biết học lịch sử sẽ mang lại lợi ích gì cho cuộc sống, làm nghề gì thì cần tới hiểu biết, năng lực về lịch sử. Thực tế có rất nhiều nghề cần sự hiểu biết về lịch sử và phải coi năng lực lịch sử là năng lực bắt buộc; càng hội nhập càng cần phải hiểu biết rõ về lịch sử, về văn hóa của đất nước mình.
|
Bình luận (0)