Điểm xung đột: 2024 có gì cho Ukraine? Nga củng cố bộ ba hạt nhân

Điểm xung đột: 2024 có gì cho Ukraine? Nga củng cố bộ ba hạt nhân

22/12/2023 23:35 GMT+7

Năm 2024 sắp đến và cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ 3. Những điều gì đang chờ đợi Ukraine trong năm tới?

Tại bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine, một quan chức do Nga bổ nhiệm cho biết lực lượng Nga đã đánh chặn thành công một tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất.

Quan chức này cáo buộc Ukraine phóng tên lửa này vào cây cầu dài 19km nối đất liền Nga với bán đảo Crimea hôm 21.12. Tuy nhiên, phòng không Nga đã bắn hạ tên lửa này trên biển Azov.

Phiên bản tên lửa ATACMS tầm bắn 160 km, có đầu đạn chùm, mới được Mỹ viện trợ cho Ukraine vào tháng 9, nhưng đã một số lần gây thiệt hại đáng kể cho Nga.

Giới lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần nêu quyết tâm sẽ thu hồi lại bán đảo Crimea từ tay Nga. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với báo Bild của Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov khẳng định Crimea là mục tiêu chiến lược của Ukraine. Ông cũng lưu ý rằng Ukraine đang phát triển các chiến lược quân sự nhằm buộc Nga phải rút khỏi bán đảo này.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine hôm 21.12 cho biết lực lượng Nga không ngừng tấn công và di chuyển trên các khu vực dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km. Cơ quan này cho biết lực lượng Ukraine đẩy lùi ít nhất 30 đợt tiến công của Nga ở gần Avdiivka, 11 đợt gần Marinka và 7 đợt ở ngoại ô Bakhmut.

Giới chức thủ đô Kyiv cho biết máy bay không người lái (UAV) Nga vào rạng sáng 22.12 tấn công thành phố này, khiến hai người bị thương và làm một số ngôi nhà cháy hoặc hư hại. Đây là lần thứ 6 UAV Nga tập kích Kyiv trong tháng này.

Trong bài phát biểu đêm 21.12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình báo nước này phát hiện “dấu hiệu cho thấy hoạt động của các nhà máy và ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chậm lại".

Ông Zelensky tuyên bố quân đội Ukraine sẽ tiếp tục nỗ lực làm suy yếu tiềm năng quân sự của Nga.

Tình báo Ukraine trước đó nhận định Nga có ý định kéo dài xung đột đến hết năm 2024, do đó nước này đang tích cực tái cơ cấu nền kinh tế. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga hiện có thể sản xuất nhiều tên lửa hơn trước khi xung đột bùng phát, song nước này không thể tích lũy vũ khí do liên tục tập kích đối phương.

Nga chưa bình luận về các thông tin trên của Ukraine. Tuy nhiên, trong một cuộc họp ngày 19.12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, đại tướng Sergey Shoigu tuyên bố các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này "đã tăng gấp 4 lần công suất và hoạt động 24/24".

Đáng chú ý hơn nữa, là việc Tổng thống Vladimir Putin thông báo nước này đang liên tục củng cố bộ ba hạt nhân, gồm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược, và tàu ngầm có thể phóng tên lửa hạt nhân.

Trong năm 2024, việc duy trì củng cố lực lượng cho cuộc chiến tiêu hao kéo dài sẽ vẫn là thách thức lớn cho quân đội ở cả hai phía, sau rất nhiều tổn thất trên chiến tuyến.

Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19.12, Bộ Tổng tham mưu Ukraine có kế hoạch huy động 450.000-500.000 lính mới trong năm 2022, nhưng ông thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, khi trả lời phỏng vấn báo Đức Die Welt hôm 21.12, cho biết Ukraine muốn những người đàn ông Ukraine sống ở nước ngoài trở về thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Umerov tỏ dấu hiệu cho thấy có thể có các biện pháp trừng phạt đối với những người không trở lại Ukraine để phục vụ trong quân đội. Ông nói: "Chúng tôi vẫn đang thảo luận về điều gì sẽ xảy ra nếu họ không tự nguyện đến".

Bên cạnh đó, cũng đã có những cuộc thảo luận về việc đưa quân nhân nữ tham gia hoạt động chiến đấu trên tiền tuyến, dù cũng có nhiều tiếng nói phản đối.

Tại một cuộc xung đột đẫm máu khác đang diễn ra tại Trung Đông, Israel hôm 21.12 cho biết đã tăng số lượng binh sĩ để tham gia chiến đấu tại đô thị lớn nhất ở miền nam là Khan Younis. Theo phát ngôn viên của quân đội Israel, các đơn vị này đang tập trung tấn công Hamas trong các hầm ngầm trong lòng đất.

Bên cạnh đó, Israel cũng đang nỗ lực đẩy lùi lực lượng Hezbollah ra xa khu vực biên giới giữa Li Băng và Israel.

Theo phát ngôn viên quân đội Israel, số tay súng Hamas thiệt mạng kể từ đầu chiến sự ở Gaza là khoảng 8.000. Trong số đó, có 2.000 tay súng Hamas bị hạ trong tháng 12.

Ngoài ra, khoảng 1.000 thành viên Hamas bị hạ khi lực lượng này đột kích miền nam Israel ngày 7.10.

Còn phát ngôn viên cánh vũ trang của Hamas cùng ngày 21.12 tuyên bố mục tiêu hủy diệt Hamas của Israel "chắc chắn sẽ thất bại".

Dù ở Ukraine hay ở Dải Gaza thì dân thường tại các vùng chiến sự vẫn đang là những nạn nhân lớn nhất. Các quan chức Israel từng ngầm thừa nhận rằng trong các cuộc tấn công của Israel, với mỗi tay súng Hamas bị tiêu diệt thì có thể có đến 2 thường dân thiệt mạng.

Xác định con số thương vong chính xác ở Dải Gaza hầu như đã trở thành việc bất khả thi, do dịch vụ y tế đã sụp đổ và hệ thống thông tin liên lạc không ổn định.

Cơ quan y tế ở Dải Gaza ngày 22.12 cho biết 20.057 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Israel mở chiến dịch tấn công quy mô lớn tại đây hôm 7.10.

Đây là số con số người thiệt mạng cao hơn bất cứ cuộc xung đột nào từng xảy ra ở khu vực này. Kể cả trong cuộc chiến tàn khốc Ả Rập-Israel hồi năm 1948 cũng chỉ có khoảng 15.000 người Palestine thiệt mạng.

Liên quan số liệu thương vong của người Israel khi Hamas tấn công miền nam nước này vào ngày 7.10, theo dữ liệu cập nhật mới đây của cơ quan an sinh xã hội Israel, số người thiệt mạng này bao gồm 695 dân thường, trong đó có 36 trẻ em, cùng với 373 nhân viên lực lượng quân sự và 71 người nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.