Điểm xung đột: F-16 Ukraine làm chuyện khó tin; chiến lược xây dựng lữ đoàn phá sản?

Điểm xung đột: F-16 Ukraine làm chuyện khó tin; chiến lược xây dựng lữ đoàn phá sản?

08/01/2025 23:00 GMT+7

Bản tin "Điểm xung đột" ngày 8.1.2025 được phát trên các nền tảng của Báo Thanh Niên, cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới trong 24 giờ qua.

Ukraine hôm 7.1 lần đầu tiên xác nhận đang bắt đầu các cuộc tấn công mới ở khu vực Kursk phía tây Nga. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội Kyiv đã tấn công một sở chỉ huy của Nga gần khu định cư Belaya của vùng Kursk.

Còn Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng quân đội của họ đã tiến hành các cuộc tấn công vào các đơn vị Ukraine ở khu vực Kursk. Không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường từ cả hai phía.

Trả lời Thanh Niên hôm qua (7.1), chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster đánh giá: "Có lẽ, trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng sẽ giành lại được khu vực chiến thuật quan trọng đã mất vào tay Nga hồi mùa hè năm ngoái. Ông Zelensky muốn củng cố vị thế đàm phán trước khi ông Trump đưa ra bất kỳ sáng kiến ngừng bắn và đàm phán hòa bình nào đối với cuộc xung đột Ukraine".

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên khi đó, chuyên gia của Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, so sánh những gì đang diễn ra ở cuộc xung đột Ukraine như nỗ lực của hai đội bóng vào những phút cuối của trận đấu. Chuyên gia của Eurasia Group ví von rằng: "Tiếng còi của trận đấu sẽ sớm vang lên sau ngày 20.1.2025 (khi ông Trump nhậm chức)". Trên thực tế, ông Trump đang nắm các "lá bài" đầy ý nghĩa để gây sức ép với cả Kyiv lẫn Moscow để thúc ép hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Nên cả hai bên đều đang muốn chiếm nhiều ưu thế hơn trên chiến trường ngay trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Đây chính là động lực để ông Zelensky sẵn sàng chơi "tất tay" trước khi "hồi còi kết thúc trận đấu vang lên".

Không quân Ukraine hôm 7.1 nói một phi công nước này đã lập được một kỷ lục chưa từng có, đó là lái chiến đấu cơ F-16 chỉ trong một chuyến xuất kích đã bắn hạ đến 6 tên lửa hành trình của Nga. Phía Ukraine khoe rằng đến chính người Mỹ cũng không tin Ukraine có thể làm điều đó.

Vào đêm qua và rạng sáng nay máy bay không người lái của Ukraine đã bay sâu vào lãnh thổ Nga và tấn công khu vực Saratov, gây ra hỏa hoạn lớn ở thành phố Engels.

Khu vực này có căn cứ không quân lớn cho các máy bay ném bom chiến lược thuộc lực lượng hạt nhân của Nga. Ukraine đã từng tấn công căn cứ bằng UAV trước đây, nhưng chưa rõ căn cứ này có bị tập kích trong lần này hay không.

Báo chí Nga đưa tin có vụ cháy xảy ra tại một cơ sở dầu mỏ. Các video và hình ảnh chưa được xác minh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy lớn bùng lên, tạo ra những đám khói dày đặc trên bầu trời đêm.

Thống đốc khu vực Roman Busargin cho biết các thành phố Saratov và Engels đã chịu một "cuộc tấn công hàng loạt bằng máy bay không người lái" và xảy ra hỏa hoạn tại một khu công nghiệp nhưng không có thương vong.

Bộ Quốc phòng Nga trong một tuyên bố cho biết 11 UAV của Ukraine đã bị phá hủy trong đêm trên khu vực Saratov và 21 chiếc trên các khu vực khác của Nga và biển Azov. Nga không đề cập về thương vong.

Trong khi Ukraine không ngừng tung ra những cuộc tấn công sâu vào hậu phương Nga, thì trên tiền tuyến lực lượng Moscow đang nỗ lực gây sức ép, tận dụng ưu thế về người và trang thiết bị. Nhiều đơn vị của Ukraine đã kiệt sức sau nhiều tháng chiến đấu nhưng chưa được nghỉ ngơi và bổ sung. Ukraine từng xây dựng một chiến lược để giải quyết vấn đề này, nhưng biện pháp này dường như đã không hiệu quả.

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 7.1 cho biết ông thông cảm với quan điểm của Nga rằng Ukraine không nên là một phần của NATO. Ông Trump nói ông sẽ không gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trước lễ nhậm chức.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Florida, ông Trump cũng quy trách nhiệm cho Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden vì đã thay đổi lập trường của Mỹ về tư cách thành viên NATO đối với Ukraine. Cụ thể, ông Trump nói rằng: "Vấn đề chủ yếu là Nga - từ nhiều nhiều năm trước - đã yêu cầu 'không bao giờ được để NATO dính líu đến Ukraine'. Bây giờ, Nga vẫn lặp lại điều đó". Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden lại nói 'Ukraine có thể gia nhập NATO'. Thế là Nga đã có ai đó không mong muốn đứng ngay trước cửa nhà, và tôi có thể hiểu cảm giác của họ".

Trên thực tế, các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (tức NATO) đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ đối với tư cách thành viên cuối cùng của Ukraine kể từ Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, và chính quyền ông Biden tiếp tục ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO, mặc dù Ukraine chưa bao giờ nhận được lời mời. Ngược lại, đội ngũ cố vấn và đồng minh của ông Trump thường phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine, ít nhất là trong tương lai gần, coi đó là một hành động khiêu khích không cần thiết đối với Moscow.

Cũng trong cuộc họp báo này, Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục nhắc đến ý định mở rộng nước Mỹ. Đáng chú ý là ông tuyên bố không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và đảo Greenland.

Trong cuộc họp báo ở Florida hôm qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump còn tuyên bố sẽ đổi tên vịnh Mexico thành vịnh Mỹ. Ông cũng nhắc lại ý tưởng biến Canada thành một tiểu bang của Mỹ vì Mỹ đang chi tiêu rất lớn cho hàng hóa Canada và hỗ trợ quân sự cho Ottawa. Ông cho rằng Mỹ không thu được lợi ích gì từ những việc đó và gọi đường biên giới giữa hai nước chỉ là một "đường vẽ nhân tạo".

Phản ứng sau phát ngôn của ông Trump, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói: "Các bình luận của Tổng thống đắc cử Trump cho thấy sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về những gì giúp Canada trở thành một nước mạnh mẽ. Nền kinh tế của chúng tôi mạnh mẽ. Người dân chúng tôi mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước trước những mối đe dọa". Còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố: "Không có mảy may cơ hội nào để Canada trở thành một phần của Mỹ".

Ông Trump hôm qua cũng nhấn mạnh sẽ yêu cầu các đồng minh NATO chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn mức 2% GDP như mục tiêu hiện nay, thậm chí có thể đến 5%. Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt cứng rắn nếu lực lượng Hamas không thả số con tin bắt từ Israel trước khi ông nhậm chức ngày 20.1.

Cũng liên quan đến tình hình Trung Đông, đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Steve Witkoff, hôm 7.1 cho biết ông hy vọng sẽ có tin tốt về các con tin bị bắt giữ ở Gaza vào thời điểm ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.

Một điểm nóng đang âm ỉ ở khu vực Trung Đông là Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tuyên bố nước này sẽ tấn công xuyên biên giới vào vùng đông bắc Syria chống lại lực lượng dân quân người Kurd.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.