Điểm xung đột: Gaza trong thảm kịch cứu trợ; tướng Đức bàn cách giúp Ukraine đánh Nga?

Điểm xung đột: Gaza trong thảm kịch cứu trợ; tướng Đức bàn cách giúp Ukraine đánh Nga?

02/03/2024 23:37 GMT+7

Gần 5 tháng đã trôi qua từ khi Israel mở chiến dịch quân sự báo thù ở Dải Gaza sau khi nhóm vũ trang Hamas tấn công miền nam Israel. Bên cạnh con số thương vong rất lớn, cuộc xung đột đang gây ra một thảm họa nhân đạo thảm khốc.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza, tức khoảng 25% dân số của vùng đất này, đang ở bên bờ vực của nạn đói. Nhiều người ở Gaza phải ăn thức ăn chăn nuôi và thậm chí cả xương rồng để sống sót, và bác sĩ báo động trẻ em đang chết trong bệnh viện do suy dinh dưỡng và mất nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày hôm qua nói quân đội Mỹ có kế hoạch dùng máy bay thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza. Hình thức phân phát cứu trợ này đã được một số nước khác như Jordan và Pháp thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là phương thức hiệu quả. Ông Richard Gowan, Giám đốc Liên Hiệp Quốc tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế, nói thẳng rằng: "Thả hàng từ trên không là cơ hội chụp ảnh tốt nhưng lại là một cách tệ hại để cung cấp viện trợ". Ông Gowan cho rằng cách duy nhất để có đủ viện trợ là thông qua các đoàn xe viện trợ sau một thỏa thuận đình chiến.

Một quan chức Mỹ giấu tên cũng thừa nhận các đợt thả hàng viện trợ từ máy bay sẽ chỉ có tác động hạn chế và "không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ". Vị quan chức này nhấn mạnh rằng chỉ có việc mở cửa biên giới trên đất liền mới có thể giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc.

Thông báo của Tổng thống Biden trên được đưa ra sau khi Cơ quan Y tế Gaza cáo buộc lực lượng Israel đã giết chết hơn 100 người khi họ cố gắng tiếp cận một đoàn xe cứu trợ gần thành phố Gaza vào sáng 29.2. Israel đang đứng trước áp lực quốc tế rất lớn đòi hỏi tiến hành điều tra.

Cánh vũ trang của nhóm Hamas hôm qua cho biết đã có thêm 7 con tin thiệt mạng vì các cuộc không kích của Israel, khiến số con tin chết ở Gaza lên hơn 70. Phát ngôn viên của nhóm này cho biết Hamas vừa tiến hành cuộc rà soát "kỹ lưỡng" sau khi mất liên lạc với những thành viên phụ trách giám sát con tin.

Hamas bắt khoảng 250 người Israel và công dân nước ngoài làm con tin trong cuộc đột kích vào miền nam Israel ngày 7.10.2023. Sau thỏa thuận trao đổi con tin hồi tháng 11 năm ngoái, khoảng 130 người vẫn bị giữ ở Gaza. Hamas cho hay tới nay số con tin thiệt mạng do các hoạt động quân sự của Israel "có thể đã vượt 70". Trong khi đó, Israel ước tính 31 con tin được cho là đã chết, trong đó có 6 binh sĩ. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt con số này.

Chuyển sang tình hình ở điểm nóng xung đột Ukraine, Kyiv hiện lo ngại lực lượng Nga có thể đạt được đà tiến trên các mặt trận vào hè năm nay nếu các nước đồng minh không kịp thời gia tăng viện trợ quân sự cho chính quyền Kyiv.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine tối qua báo cáo rằng trong vòng 24 giờ trước đó, Nga đã thực hiện 20 cuộc tấn công theo hướng Avdiivka và 25 cuộc tấn công theo hướng Novopavlovsk. Nguồn tin này cho biết lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các đợt tấn công của Nga.

Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, ngày 1.3 cho biết lực lượng Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng pháo binh và bộ binh gần Avdiivka trong khi tăng cường lực lượng dự bị. Lực lượng Kyiv chiếm lại các vùng đất đã mất ở một số khu vực và thiết lập thêm các trận địa hỏa lực cũng như các điểm quan sát.

Quân đội Nga cũng đang tập trung nỗ lực gần Chasov Yar, một thành phố phía tây Bakhmut. Đại diện lực lượng Ukraine tại đây cho biết Nga đã tích lũy một lực lượng lớn và hiện đang phát động một "cuộc tấn công mạnh mẽ" vào Chasov Yar.

Vào thời điểm Nga gia tăng áp lực cùng lúc trên nhiều mặt trận, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức không nêu tên của châu u cho hay những tổn thất của Ukraine nên được xem là "hồi chuông báo động" cho các đồng minh của chính quyền Kyiv.

Theo Bloomberg, dựa vào những kết quả trong đợt phản công hiện nay, Nga có lẽ sẽ đưa ra quyết định liệu sẽ tiếp tục đà tiến quân chậm chạp nhưng chắc chắn như lúc này, hoặc tập trung binh lực cho đòn dứt điểm vào mùa hè.

Trong tuần qua một thông tin thu hút rất nhiều chú ý là khả năng các nước NATO có thể triển khai quân đến Ukraine. Một số nước đã xác nhận khả năng này, dù nhấn mạnh rằng quân nhân sẽ chỉ tham gia các nhiệm vụ không liên quan đến chiến đấu. Tuy nhiên, nhiều nước khác đã nhanh chóng bác bỏ việc đưa quân đến Ukraine. Trong số đó có thể kể đến Đức, khi Thủ tướng nước này kiên quyết viện dẫn nguyên tắc không điều quân đến Ukraine để giải thích cho quyết định không cung cấp cho Kyiv tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Thế nhưng điều trớ trêu là ngay sau khi Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu như vậy thì phía Nga đã tung ra một video cho thấy các tướng lĩnh Đức bàn kế hoạch cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, và thậm chí là nói về khả năng tấn công cây cầu nối lục địa Nga với bán đảo Crimea.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.