Điểm xung đột: Lãnh tụ Iran ra lệnh tấn công Israel; F-16 đã đến Ukraine

Điểm xung đột: Lãnh tụ Iran ra lệnh tấn công Israel; F-16 đã đến Ukraine

01/08/2024 23:02 GMT+7

Hai vụ ám sát các thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah chỉ trong vòng vài giờ đang đe dọa gây ra cuộc chiến tranh bao trùm khu vực Trung Đông. DIễn biến này xảy ra trong lúc khu vực đang quay cuồng trong vòng xoáy bạo lực từ sau vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7.10 năm ngoái. Israel sau đó mở chiến dịch quân sự đáp trả Hamas tại Dải Gaza trong khi phải đối

Trong số 2 vụ ám sát trên, có trường hợp thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran của Iran khi ông đến đây để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Đây quả là một đòn đau đối với chính Iran, và Lãnh tụ tối cao của nước này là Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp Israel.

Các vụ ám sát hôm qua giáng đòn nặng nề lên nỗ lực đối thoại của các bên nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin tại Dải Gaza. Ông Haniyeh được bầu làm thủ lĩnh chính trị Hamas vào năm 2017 và là đại diện cho lực lượng này trong công tác đàm phán và ngoại giao với quốc tế. Trong một bài viết trên mạng xã hội X, Thủ tướng của Qatar, nước trung gian đàm phán và là nơi sống của ông Haniyeh trong vài năm qua, đặt câu hỏi về khả năng thành công của việc đối thoại, "khi mà một bên lại đi ám sát nhà đàm phán của bên kia".

Hơn nữa, vụ ám sát hai nhân vật quan trọng của Hamas và Hezbollah làm gia tăng lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng giữa Israel và các đồng minh của Iran, đe dọa nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố "Iran và mặt trận kháng chiến" sẽ đáp trả mạnh mẽ, còn Tổng thống Iran nói sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, danh dự, và sẽ khiến "những kẻ chiếm đóng" hối tiếc vì hành động hèn nhát. Cụm từ "những kẻ chiếm đóng" thường được Iran dùng để chỉ Israel.

Những diễn biến mới nhất dường như cản trở cơ hội đạt thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột kéo dài gần 10 tháng ở Gaza.

Hội đồng Bảo an LHQ đã họp khẩn nhằm kêu gọi ngăn xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông.

Quân đội Israel hôm nay 1.8 cũng cho biết đã có đủ thông tin để xác nhận việc tiêu diệt thủ lĩnh quân sự Hamas ở Gaza là Mohammed Deif trong một cuộc không kích hồi ngày 13.7 tại khu vực Khan Younis.

Một quan chức quân đội Israel nói với CNN rằng, họ gần đây đã nhận được thông tin tình báo mới giúp xác nhận cái chết của Mohammed Deif.

Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, các quan chức Israel cho biết có dấu hiệu cho thấy cuộc không kích đã thành công, nhưng không thể xác nhận rằng thủ lĩnh quân sự Hamas đã thiệt mạng.

Chuyển sang tình hình cuộc xung đột ở Ukraine thì trong một bài trả lời phỏng vấn truyền thông Pháp được đăng tải ngày 31.7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine quyết tâm khôi phục đường biên giới năm 1991, nhưng sẽ xem xét đàm phán với Nga trước khi Moscow rút hết quân nếu có điều kiện phù hợp.

Ông nói: "Nếu Trung Quốc muốn thì có thể buộc Nga dừng cuộc chiến này. Tôi không muốn Trung Quốc đóng vai trò trung gian. Thay vào đó, tôi muốn họ gây áp lực lên Nga để chấm dứt cuộc chiến này". Tổng thống Ukraine giải thích:"Giống Mỹ hay Liên minh châu u đang gây sức ép (lên Nga), một quốc gia càng có nhiều ảnh hưởng thì sức ép với Nga càng lớn".

Trung Quốc cho đến nay vẫn duy trì quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga - Ukraine và nhiều lần kêu gọi các bên tìm ra giải pháp hòa bình.

Ngày hôm qua, những người ủng hộ Ukraine có lý do để lạc quan sau khi xuất hiện thông tin những chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên đã được chuyển đến Ukraine. Đây là một cột mốc quan trọng đối với Ukraine, dù giới chức Kyiv vẫn chưa có công bố hay bình luận công khai về điều này. Quá trình kéo dài để chuyển giao máy bay và huấn luyện phi công Ukraine đã khiến Kyiv thất vọng. Trong khi đó, Nga đã có thời gian chuẩn bị lực lượng phòng không để cố gắng vô hiệu hóa tác động tiềm năng của F-16, còn Ukraine đã phải chống chọi Nga bằng với một lực lượng không quân suy kiệt.


Hiện tại, số lượng F-16 được chuyển giao cho Ukraine dường như còn ít. Tờ Times of London trích dẫn một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết con số này chỉ là 6 chiếc. Dự kiến sẽ tăng thêm, nhưng vẫn còn kém xa so với những gì mà giới phân tích quân sự cho rằng Ukraine đang cần. Ví dụ như ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine, một nhóm nghiên cứu phi chính phủ, cho biết sẽ cần ít nhất 60 máy bay cho các hoạt động quan trọng. Còn chính trị gia Oleksandra Ustinova, người đứng đầu ủy ban quốc hội về vũ khí và đạn dược của Kyiv, nói rằng Ukraine sẽ cần gần 120 chiếc F-16 để tăng cường năng lực không quân của mình.

Theo một số chuyên gia, số F-16 đầu tiên dù ít ỏi nhưng ít nhất cũng có thể giúp Ukraine củng cố lá chắn phòng không của mình.

Ông Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết các máy bay chiến đấu mới giúp bổ sung năng lực và bề dày phòng không cho Ukraine. F-16 cũng có khả năng cũng giúp đánh chặn các UAV tự sát tầm xa và tên lửa hành trình của Nga, mặc dù không phải là cách hiệu quả nhất.

Theo ông Kuzan, quân đội Ukraine đã nỗ lực giảm thiểu mối đe dọa đối với những chiếc F-16 sắp tới trong những tháng gần đây bằng cách tấn công hệ thống phòng không của Nga.

Tuy nhiên, như truyền hình báo Thanh Niên đã nhiều lần phân tích, việc triển khai F-16 tại Ukraine không phải là điều dễ đàng, vì Ukraine có số lượng không nhiều phi công và nhân viên mặt đất được đào tạo phù hợp, không quân Nga luôn theo dõi sát các sân bay mà F-16 của UKraine có thể cất cánh, và lưới phòng không của Nga vẫn còn rất mạnh.

Chuyển sang thông tin về một khu vực căng thẳng khác trên thế giới, Canada mới đây cho biết tàu chiến HMCS Montreal đi qua eo biển Đài Loan nhằm tái khẳng định cam kết của Canada đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Quân đội Philippines thông báo hải quân Philippines và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung trong ngày tại Biển Đông vào hôm 31.7.

Cuộc tập trận được thiết kế để tăng cường liên lạc và phối hợp hoạt động giữa hải quân hai nước. Tham gia tập trận gồm tàu tác chiến cận bờ USS Mobile (LCS-26) của Hải quân Mỹ và tàu tuần tra BRP Ramon Alcaraz (PS-16) của Philippines.

Trước đó một ngày, Mỹ công bố khoản viện trợ quân sự 500 triệu USD cho Philippines nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Trong cuộc họp báo tại Manila, Ngoại trưởng Blinken gọi đây là khoản đầu tư hiếm có nhằm hiện đại hóa quân đội và tuần duyên Philippines.

Trong một bình luận ngày 31.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cảnh báo việc Philippines "lôi kéo các nước bên ngoài khu vực kích động đối đầu tại Biển Đông sẽ chỉ gây tổn hại ổn định khu vực và làm trầm trọng căng thẳng".

Ông Lâm nói: "Cố gắng đưa lực lượng bên ngoài đến nhằm bảo vệ an ninh của chính mình sẽ chỉ dẫn đến sự mất an ninh lớn hơn và họ có thể trở thành con tốt của người khác".

Mỹ và Philippines chưa bình luận gì về phát ngôn mới của phía Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.