Tướng Syrsky nói quân Nga "tiếp tục hoạt động tích cực ở nhiều khu vực tiền tuyến, và tình hình đặc biệt căng thẳng ở các khu vực Avdiivka và Zaporizhzhia" của Ukraine.
Ông Syrsky cho biết các đơn vị xung kích của Nga đang cố xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine và kiểm soát các khu định cư Tonenke, Orlivka, Semenivka, Berdychi và Krasnohorivka.
Vị tân tổng tư lệnh thừa nhận một số chỉ huy của Ukraine đã có thiếu sót trong "nhận thức và đánh giá tình hình của đối thủ", và cho biết đã có biện pháp khắc phục, cũng như bổ sung đạn dược và dự trữ cần thiết.
Tình hình đối với quân đội Ukraine ở mặt trận Donetsk đang rất căng thẳng. Lực lượng Nga tuần trước giành kiểm soát thành phố Avdiivka sau nhiều tháng chiến sự. Quân đội Ukraine tuần này cho biết đã rút khỏi hai ngôi làng nữa gần Avdiivka, và việc phòng thủ rất khó khăn trong bối cảnh hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây giảm sút.
Trong lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã có bài phát biểu trước quốc hội, trong đó ông cảnh báo ý tưởng vừa được công khai gần đây về việc triển khai quân đội phương Tây đến Ukraine. Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách làm suy yếu Nga và cảnh báo hậu quả sẽ thảm khốc hơn so với những giai đoạn trước và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Trong những ngày qua, giới quan sát vẫn còn xôn xao về phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine". Đây là một phát ngôn công khai bất ngờ, vì ý tưởng đưa quân đến Ukraine vốn là điều cấm kỵ, đặc biệt khi NATO luôn tìm cách tránh bị kéo vào cuộc chiến trực tiếp với Nga.
Ông Macron hôm 29.2 vẫn khẳng định mọi phát biểu về khả năng đưa quân đến Ukraine đã được ông tính toán kỹ. Ông nói với báo giới rằng: "Đây là những vấn đề hệ trọng. Từng lời tôi nói về vấn đề này đã được cân nhắc, xem xét và tính toán kỹ lưỡng". Tuy nhiên ông từ chối trả lời mọi câu hỏi xoay quanh đề tài này.
Điện Kremlin cảnh báo việc phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới hậu quả là "không thể tránh khỏi" nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga.
Mới đây, Điện Kremlin chỉ đích danh Anh là bên đang trực tiếp tham gia vào xung đột Ukraine. Cáo buộc của phía Nga xuất phát từ thông tin do chính một tờ báo Anh đưa ra, theo đó Tham mưu trưởng quân đội Anh đã giúp Ukraine lập kế hoạch tấn công Nga ở biển Đen.
Trong thời gian gần đây, nhiều quan chức NATO đã tuyên bố rằng lực lượng Kyiv có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ Ukraine, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Điều này đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc đến hồi giữa tháng 2. Đến hôm qua 29.2, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen cũng nói rằng Ukraine hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Theo ông Hakkanen, một số nước chuyển giao vũ khí tầm xa cho Ukraine đã áp đặt hạn chế để ngăn Kyiv dùng chúng tấn công lãnh thổ Nga, nhưng Helsinki không làm như vậy và không đưa ra điều kiện kèm theo nào khi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nghị sĩ Phần Lan Jukka Kopra ngày 29.2 cũng nói rằng Ukraine nên sử dụng khí tài do Helsinki cung cấp để tập kích các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, trong trường hợp Kyiv thấy rằng nếu không làm như vậy thì các mục tiêu quân sự sẽ tấn công Ukraine.
Tại điểm nóng xung đột Gaza, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang tiếp tục thực hiện chiến dịch quy mô lớn ở TP.Gaza và tấn công một số khu vực ở cả miền trung lẫn miền nam của Dải Gaza.
Hôm qua 29.2, Cơ quan Y tế Gaza thông báo tổng số người Palestine thiệt mạng ở Gaza trong cuộc xung đột kéo dài gần 5 tháng qua đã vượt quá 30.000 người. Cơ quan này cho hay nhiều trẻ em đã chết "do suy dinh dưỡng, mất nước và nạn đói lan rộng" tại Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất ở TP.Gaza.
Xung đột tiếp diễn đã khiến việc vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza bằng đường bộ ngày càng khó khăn. Trước tình trạng này, một quan chức Mỹ hôm qua cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét việc thả hàng viện trợ từ máy bay quân sự Mỹ xuống Gaza. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng cách thức tiếp tế đó sẽ không có hiệu quả nhiều và muốn chuyển lượng lớn hàng viện trợ thì chỉ có thể dùng đường bộ.
Tuy nhiên, một sự kiện bi thảm đã diễn ra tối qua. Cơ quan Y tế Gaza cáo buộc quân đội Israel nã súng vào những người đang chờ viện trợ gần TP.Gaza, khiến 104 người Palestine chết và 280 người bị thương.
Các cuộc đụng độ xuyên biên giới Israel - Li Băng cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một đồng minh của Hamas ở Li Băng là Hezbollah đã đấu pháo với quân đội Israel gần như mỗi ngày kể từ sau khi Israel đưa quân vào Gaza.
CNN hôm qua loan tin các quan chức Mỹ lo ngại rằng Israel đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trên bộ vào Li Băng, có thể được phát động trong vài tháng tới, nếu các nỗ lực ngoại giao không khiến Hezbollah rút khỏi biên giới phía bắc với Israel.
Bình luận (0)