Sau khi kiểm soát được thành phố Avdiivka hồi tháng 2, lực lượng Nga đã không bỏ lỡ thời cơ để tiếp tục từ đây mở rộng về phía tây, đột phá qua tuyến phòng ngự của Ukraine.
Mới đây, việc kiểm soát được làng Ocheretyne ở tây bắc thị trấn Avdiivka đã giúp Nga giành được vị trí cao điểm thuận lợi, nhờ đó đã nhanh chóng phát triển sang các làng kế cận như Novobakhmutivka và Soloviove.
Điều đáng nói là làng Ocheretyne từng được Lữ đoàn 47 tinh nhuệ của Ukraine trấn giữ. Đây là lữ đoàn bộ binh cơ giới được huấn luyện và trang bị tốt nhất theo tiêu chuẩn NATO của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, ngôi làng đã rơi vào tay quân Nga chỉ trong vài ngày, và lỗi không phải là do lữ đoàn 47. Chuyện gì đã xảy ra?
Tình thế khẩn cấp ở làng Ocheretyne buộc các chỉ huy Ukraine phải yêu cầu Lữ đoàn 47 quay lại phản kích, đồng thời điều động Lữ đoàn Cơ giới số 100 đến bịt lỗ hổng ở phía bắc và phía tây của làng này.
Dự án dữ liệu tình báo nguồn mở DeepState của Ukraine hôm 24.4 cho biết cuộc phản kích thành công của Lữ đoàn Cơ giới số 100 đã ngăn chặn nỗ lực tiến quân của Nga.
Dù vậy, một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng triển khai Lữ đoàn 100 là "phản ứng hốt hoảng" của quân đội Ukraine sau khi các đơn vị Nga giành được Ocheretyne và liên tục mở rộng vùng kiểm soát xung quanh, cũng như cho thấy tình trạng thiếu thốn binh lực của Kiev hiện nay.
Phát biểu tại một sự kiện ở Berlin ngày 25.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh tăng tốc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, và ông lưu ý rằng vẫn chưa quá muộn để giúp Ukraine giành chiến thắng.
Ông Stoltenberg cũng nhắc lại, Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua nguồn tài trợ bổ sung để giúp Ukraine và các thành viên NATO khác, đặc biệt là Anh, Đức và Hà Lan, đã công bố các gói viện trợ mới.
Dĩ nhiên, quân đội Nga không ngồi chờ viện trợ vũ khí của NATO đến Ukraine để phát huy tác dụng. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cảnh báo, quân đội Ukraine có thể đối mặt với tình hình khó khăn vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi Nga tăng cường độ tấn công, tranh thủ thời gian Ukraine chờ viện trợ từ phương Tây. Trong nỗ lực giành giật lãnh thổ, tại một số khu vực trên tiền tuyến, lực lượng hai bên thậm chí đã dùng đến các loại vũ khí hơi cay, vốn bị cấm theo công ước quốc tế về vũ khí hóa học.
Về tình hình xung đột ở Trung Đông, hôm 25.4 quan chức Khalil al-Hayya của Hamas tuyên bố rằng lực lượng này sẵn sàng từ bỏ vũ khí và giải tán nhánh quân sự của mình nếu nhà nước Palestine với đầy đủ chủ quyền được thành lập, bao gồm các phần ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Ông al-Hayya nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Dubai rằng việc thành lập nhà nước Palestine theo biên giới trước năm 1967 chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời và nhấn mạnh "quyền lịch sử của người Palestine đối với toàn bộ đất đai của Palestine".
Theo cương lĩnh năm 2017 của Hamas, người Palestine có quyền sở hữu toàn bộ vùng đất từ sông Jordan ở phía đông đến Địa Trung Hải ở phía tây, từ Ras al-Naqurah ở phía bắc đến Umm al-Rashrash ở phía nam.
Israel chưa lập tức bình luận về bình luận của quan chức Hamas, được đưa ra trong bối cảnh Tel Aviv vẫn tiếp tục các cuộc không kích tại Gaza và được dự đoán sắp đưa quân vào TP.Rafah ở miền nam dải đất này. Quân đội Israel hôm qua thông báo tiêu diệt hai tay súng tại miền trung Gaza đang chuẩn bị phóng rốc két về phía Israel.
Trong khi đó, một đồng minh của lực lượng Hamas là lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố trong ngày hôm qua đã phóng tên lửa đạn đạo vào một số mục tiêu ở thành phố cảng Eilat của Israel.
Bình luận (0)