Điểm xung đột: Ukraine lo cạn nguồn lực; căn cứ Mỹ trúng tên lửa 'Hồi giáo kháng chiến'

Điểm xung đột: Ukraine lo cạn nguồn lực; căn cứ Mỹ trúng tên lửa 'Hồi giáo kháng chiến'

21/01/2024 23:31 GMT+7

Lực lượng vũ trang Ukraine đứng trước nguy cơ cạn kiệt đạn dược, vũ khí và cả nhân lực trong bối cảnh phải đối mặt với sự đột phá của quân Nga trên tiền tuyến. Trong khi đó ở Trung Đông, 15 quả tên lửa đã được bắn vào căn cứ Mỹ ở Iraq.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Focus xuất bản ngày 20.1, người phát ngôn Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho rằng Nga có đủ năng lực phòng không tại tiền tuyến ở Ukraine, cũng như ở bán đảo Crimea. Nhưng để đạt được điều này, ông cho rằng Nga đã phải rút ruột các hệ thống phòng không trên chính lãnh thổ Nga.

Đánh giá này xuất hiện sau báo cáo rằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tấn công các kho dầu ở khu vực Klintsy thuộc tỉnh Bryansk, cũng như ở thành phố Saint Petersburg của Nga vào các ngày 18-19.1. Klintsy cách Ukraine khoảng 80 km, trong khi Saint Petersburg cách Ukraine 1.000 km.

Ông Ihnat nói: "Phòng không của Nga đang suy yếu. Họ lấp đầy tiền tuyến và Crimea bằng các hệ thống phòng không. Nhưng lãnh thổ Nga không có quá nhiều thiết bị phòng không".

Vị quan chức Ukraine cũng cho rằng: "Moscow, Saint Petersburg, các boongke của ông Putin ít nhiều sẽ được bảo vệ, nhưng UAV do Ukraine sản xuất đã bay tới Moscow, Saint Petersburg và kho dầu ở các thành phố khác".

Báo cáo về các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga đã gia tăng trong những tháng gần đây. Kyiv thường không bình luận chính thức về những cuộc tấn công như vậy. Moscow cũng không lập tức bình luận về phát ngôn của ông Ihnat.

Ukraine cũng có những khó khăn của mình, đặc biệt là tại các mặt trận. Các binh sĩ Ukraine đồn trú ở miền đông hôm 16.1 cho biết quân đội nước này đang cạn kiệt đạn dược, vũ khí và cả nhân lực trong bối cảnh phải đối mặt với sự đột phá của quân Nga trên tiền tuyến.

Trong khi đó, NATO đang tiến hành cuộc tập trận quân sự Steadfast Defender 2024 quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hoạt động quân sự lần này quy tụ khoảng 90.000 binh sĩ NATO tham gia các cuộc huấn luyện trên không, trên biển và trên bộ.

Trong cuộc tập trận, các binh sĩ sẽ được huấn luyện cách tăng viện cho các quốc gia thành viên NATO giáp Nga và ở sườn phía đông của liên minh nếu xung đột bùng phát.

Trước thông tin trên, hãng thông tấn RIA Novosti hôm nay 21.1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng quy mô của Steadfast Defender 2024 đánh dấu việc NATO quay lại các tính toán thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Grushko nói: "Những cuộc tập trận này là một yếu tố khác của cuộc chiến hỗn hợp do phương Tây tiến hành nhằm vào Nga".

NATO không đề cập đích danh Nga trong thông báo về cuộc tập trận Steadfast Defender 2024. Tuy nhiên, tài liệu chiến lược hàng đầu của khối này xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và lớn nhất đối với an ninh của các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, trong khối NATO cũng đã bắt đầu có những tiếng nói thành viên xem xét lại lập trường đối với Ukraine và cuộc xung đột đang diễn ra. Mới đây nhất, Thủ tướng Slovakia Robert Fico công khai tuyên bố sẽ ngăn chặn việc kết nạp Ukraine vào NATO. Ông thậm chí cho rằng lối ra cho cuộc xung đột phụ thuộc vào việc Ukraine nhượng bộ lãnh thổ.

Trong lúc này, Nga cũng đang củng cố quan hệ với một đồng minh là Triều Tiên.

Theo thông tấn xã Triều Tiên KCNA, Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Choe Son-hui cho biết nước này 'sẵn sàng đón chào' chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoại trưởng Choe đã gặp Tổng thống Putin trong chuyến thăm Moscow vào tuần trước. Văn phòng trợ lý Ngoại trưởng Triều Tiên dẫn lời bà Choe nói: "Chính phủ Triều Tiên nồng ấm chào đón Tổng thống Putin thăm Bình Nhưỡng và sẵn sàng chào mừng người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên với sự chân thành lớn lao nhất".

Về phần mình, Tổng thống Putin bày tỏ sự sẵn lòng đến thăm Triều Tiên trong thời gian sớm nhất, và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với chính phủ và nhân dân Triều Tiên về sự ủng hộ và đoàn kết với chính phủ và nhân dân Nga về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Việc Nga và Triều Tiên gia tăng hợp tác quân sự và kinh tế khiến Mỹ và Hàn Quốc quan tâm và lo ngại, trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang nóng lên với những hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo và phóng vệ tinh do thám của Bình Nhưỡng.

Về tình hình cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, hôm 20.1, Israel tấn công các mục tiêu khắp Dải Gaza, trong khi các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thả tờ rơi ở khu vực phía nam thành phố Rafah, thúc giục người Palestine giúp chỉ đường đến nơi lực lượng Hamas đang giam giữ con tin.

Trong khi đó, các tay súng Hamas đang chiến đấu với xe tăng Israel tìm cách đẩy lùi đối phương về hướng vùng ngoại ô phía đông của Jabalia ở phía bắc Gaza, nơi Israel bắt đầu rút quân và chuyển sang các chiến dịch quy mô nhỏ.

Quân đội Israel cho biết máy bay chiến đấu đã tiêu diệt các tổ Hamas đang tìm cách cài chất nổ gần các đơn vị và bắn tên lửa về phía xe tăng ở phía bắc Gaza,

Trong lúc Israel gia tăng các đợt tấn công khắp Gaza, Iran cho biết 5 thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã tử trận trong vụ Israel tấn công tên lửa vào một ngôi nhà ở Damascus (Syria).

Cuộc xung đột ở Dải Gaza cũng đã châm ngòi cho những vụ tấn công bằng tên lửa và pháo binh ở nhiều địa điểm khác trong khu vực Trung Đông. Các nguồn tin an ninh ở Li Băng cho hay một vụ tấn công của Israel ở lãnh thổ nước này vào hôm 20.1 đã giết chết một thành viên Hezbollah.

Còn Mỹ cũng cho hay trong ngày 20.1 lực lượng nước này đã tấn công và vô hiệu hóa một tên lửa của Houthi trước khi được khai hỏa về hướng biển Đỏ.

Trong một diễn biến mới nhất, một quan chức Mỹ tối cùng ngày cho biết một vụ tấn công gồm khoảng 15 quả tên lửa đạn đạo và rốc két đã làm bị thương quân nhân Mỹ tại căn cứ Al-Asad ở Iraq.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19.1 đã thảo luận về tương lai Dải Gaza và giải pháp 'hai nhà nước', giữa lúc căng thẳng leo thang tại Trung Đông.

Như quý vị đã biết, chính quyền Mỹ đã gây áp lực buộc Israel phải giảm thiểu thương vong ở Gaza ngay cả khi vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Netanyahu trong cuộc chiến chống lại Hamas. Song hai đồng minh không đồng quan điểm về việc người Palestine phải có một nhà nước, giải pháp mà ông Biden ủng hộ để đạt được hòa bình lâu dài.

Cuộc điện đàm cấp cao này diễn ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Israel tái khẳng định ông phản đối bất kỳ hình thức chủ quyền nào cho người Palestine. Sau cuộc trao đổi, ông Biden cho biết ông Netanyahu không phản đối mọi phương án "hai nhà nước".

Báo The Times of Israel dẫn lời ông Biden nói: "Giải pháp hai nhà nước có một số kiểu khác nhau. Một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc hiện vẫn không có quân đội riêng… Và vì vậy, tôi nghĩ có nhiều cách để điều này có thể trở thành hiện thực".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.