Điện ảnh vẫn cần nhà nước hỗ trợ nhiều

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/03/2023 07:29 GMT+7

Dù tư nhân đã tham gia thị trường điện ảnh tích cực, ý kiến của chuyên gia và người làm nghề vẫn cho rằng hỗ trợ của nhà nước là rất cần thiết.

Cần từ sản xuất đến phát hành

NSND Đặng Nhật Minh là người được mời mở đầu hội thảo Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại VN và Đông Nam Á, do Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim VN tổ chức tại Hà Nội ngày 14.3. Ông nói về việc sau khi tư nhân tham gia thị trường phim, nhà nước vẫn tiếp tục trích ngân sách làm phim đặt hàng. Những phim đặt hàng đó cũng có thành công khi kịch bản chặt chẽ, chuyên nghiệp, được giao cho đội ngũ làm phim, diễn viên thực hiện. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng: "Nhà nước quan tâm rất đáng quý nhưng nhà nước không thể chỉ quan tâm bằng cách trích tiền làm phim đặt hàng. Trách nhiệm của nhà nước còn phải quan tâm cả khâu phát hành nữa".

Điện ảnh vẫn cần nhà nước hỗ trợ nhiều - Ảnh 1.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một hợp tác công - tư trong điện ảnh thành công

Ảnh: Tư liệu

Cũng theo ông Minh, hiện nay nhà nước không quan tâm đến việc hỗ trợ phát hành phim để các phim hay có giá trị đến với đông đảo quần chúng. "Tôi biết các nước có những thành phố lớn có rạp chuyên chiếu phim nghệ thuật. Rạp đó có thể lỗ nhưng để phim đến được với người xem. Nhà nước hiện chỉ quan tâm sản xuất, còn phát hành thì thả nổi", ông Minh nói và cho rằng, muốn có kịch bản tốt nên đầu tư hơn nữa vào việc sàng lọc, nhất là sàng lọc kịch bản qua các cuộc thi.

Chuyên gia Đan Mạch, ông Jacob Neiindam cho biết tại nước ông, dù không tài trợ tất cả, song các nhà làm phim đều có cơ hội tiếp cận tài trợ nhà nước ở các mức độ khác nhau. "Tài trợ tùy thuộc vào cấp độ phim như dự án đó là phim ngắn hay phim dài, phim tài liệu hay phim truyện. Các phim đầu tay, nhà nước có thể hỗ trợ nhưng hạn chế. Thực ra ngân sách Đan Mạch cũng không có nhiều, người làm phim có ngân sách làm phim đầu tay nhưng sau đó có thêm lựa chọn để tìm hỗ trợ khác. Nhà nước có thể tài trợ một phần thôi, và phim đủ tốt thì họ có thể tìm thêm những nhà tài trợ khác trong nước, nước ngoài", ông Jacob Neiindam nói.

Nhà sản xuất phim Trinh Hoan cho rằng hỗ trợ của nhà nước thậm chí còn có thể là một dấu hiệu giúp thu hút thêm các tài trợ mới. "Khi các bạn có cơ hội làm các phim nhỏ, có đầu tư của nhà nước thì các nhà đầu tư mới tin tưởng hỗ trợ các bạn được", ông nói.

Về cơ bản, ông Jacob Neiindam cho rằng nhà nước rất cần hỗ trợ cho phân phối phim. "Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể. Phim như một đứa trẻ và chúng ta cần làm tất cả để hỗ trợ đứa trẻ đó. Không chỉ là gửi tiền mà nhà nước còn cần tạo sự kết nối mà người sản xuất không có; làm gì với nhà phân phối để phim chiếu rạp càng lâu càng tốt hay hỗ trợ đưa ra các chiến lược marketing", ông Jacob Neiindam nói.

Hợp tác công - tư vì công nghiệp điện ảnh

Về việc thu hút đầu tư từ nước ngoài và giới thiệu điện ảnh Việt ra thế giới, đạo diễn Phan Đăng Di nhắc tới những cơ hội từ các liên hoan phim lớn. Ông Di cũng nói đến việc nên có những gian giới thiệu về điện ảnh VN. Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho biết chúng ta cũng từng có một gian giới thiệu điện ảnh VN tới Liên hoan phim Cannes.

Điện ảnh vẫn cần nhà nước hỗ trợ nhiều - Ảnh 2.

Phim truyền hình cũng cần được chú ý phát triển trong “dòng chảy” chung của điện ảnh

ĐPCC

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông vừa đưa ra sáng kiến tổ chức sự kiện điện ảnh gắn với quảng bá du lịch tại Nha Trang vào tháng 5 tới. Ông Đông cho biết hiện Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng đồng ý việc thúc đẩy có chính sách thuế tốt cho công nghiệp điện ảnh.

"Trong tháng 5 này, chúng tôi làm việc với tỉnh Khánh Hòa để có cơ chế đặc thù riêng, làm sao để đoàn phim vào Khánh Hòa có chính sách hỗ trợ. Ví dụ, vay vốn tại tỉnh thì ưu đãi bao nhiêu, vào làm phim thì hỗ trợ bao nhiêu phòng nghỉ, thời gian bao lâu", ông Đông cho biết.

Một nguồn lực điện ảnh khác được nhắc tới trong hội thảo là nhân lực. Theo nhà sản xuất Trinh Hoan: "Điểm quan trọng là sinh viên quan tâm ngành điện ảnh và những năm gần đây nhiều trường mở ngành này như Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Văn Lang... Có nhiều khóa học ngắn hạn, như Phan Đăng Di đã làm. Các bạn tham gia rất nhiệt tình", ông Trinh Hoan nói.

Mặc dù vậy, số lượng các trường đào tạo biên kịch lại quá ít. TS Đào Lê Na (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết kịch bản phim là yếu tố quan trọng để quyết định dự án phim có được chọn hay không. Trước đây, chỉ có Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có ngành biên kịch. Vì thế, trường của bà đã quyết định mở ngành học này. "Chúng tôi thấy được sức mạnh của việc kể câu chuyện bằng điện ảnh", TS Đào Lê Na nói.

Theo TS Đào Lê Na, việc có và vận hành quỹ điện ảnh trong nước vô cùng quan trọng. Tại Hàn Quốc, có tới 48 quỹ hỗ trợ điện ảnh lớn nhỏ khác nhau; chỉ riêng năm 2023, nhà nước đã chi 170 triệu USD để hỗ trợ điện ảnh, nhằm đưa tiếng nói điện ảnh của họ ra thế giới.

Ông Trinh Hoan cũng đồng tình và cho rằng: "Mỗi quỹ điện ảnh của các nước đều có quy chế riêng. Điện ảnh VN muốn phát triển thì phải kể câu chuyện VN cho VN nghe, trước khi đến với thế giới".

Ông David Wilson, cố vấn cho Ủy ban Vương quốc Anh tại UNESCO, cho rằng không nên đánh giá thấp quyền lực của các phim truyền hình. "Người làm phim truyền hình trên Netflix đang tăng danh tiếng của họ rất nhanh. Ta cần đảm bảo để mọi người đều có thể tham gia vào ngành điện ảnh. Cuối cùng, cần có ưu đãi thuế qua các văn bản luật, các hiệp ước đa quốc gia", ông David Wilson nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.