Nhà làm phim, khán giả cần nhìn chuẩn hơn về thị trường phim remake tại Việt Nam

26/09/2022 10:09 GMT+7

Trong khi các nhà làm phim cần tìm đúng và đủ các yếu tố remake phù hợp với thị trường Việt Nam khi sản xuất thì điều khán giả cần là gạt bỏ định kiến về thiếu yếu tố sáng tạo của các bộ phim remake hiện nay.

Buổi giao lưu trong khuôn khổ chương trình Tuần phim Việt - Hàn: Gặp gỡ và Sáng tạo do Khoa Văn học phối hợp Khoa Hàn Quốc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), với sự tài trợ của Học viện King Sejong cùng sự hỗ trợ của CLB Sân khấu và Điện ảnh, tổ chức thu hút nhiều sự chú ý của các bạn trẻ yêu thích văn hóa và điện ảnh của hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Buổi giao lưu thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích văn hóa và điện ảnh Hàn Quốc - Việt Nam

btc

Khách mời là các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - người từng thành công với các bộ phim remake từ Hàn Quốc như Tháng năm rực rỡ (2018), Tiệc trăng máu (2021)..., đạo diễn Seung Jin Jang, nhà làm phim trẻ Khoa Phạm và đạo diễn Lan Nguyên đã phần nào giúp các bạn trẻ đam mê bộ môn nghệ thuật thứ bảy có cơ hội nhìn lại thành tựu của những bộ phim Việt Nam được remake từ Hàn Quốc cũng như trao đổi, chia sẻ về những ưu, khuyết điểm của dòng phim remake tại Việt Nam.

Cần tìm đúng, đủ các yếu tố phù hợp với thị trường Việt Nam

Năm 2018, khi thị trường Việt Nam vẫn chưa thực sự nở rộ những bộ phim điện ảnh được remake từ Hàn, Tháng năm rực rỡ được làm lại từ bộ phim Sunny (2011) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn lẫn khán giả. Bộ phim được công chiếu ở Việt Nam nhận được đánh giá là khá khác biệt so với bản gốc.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là cái tên quen thuộc trong giới làm phim remake ở Việt Nam với hàng loạt phim thành công như Tháng năm rực rỡ (2018), Tiệc trăng máu (2021),...

btc

Lý giải cho sự khác biệt này, đạo diễn cho biết, dù Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, nhưng là một người làm phim, khi xem bộ phim Sunny, Nguyễn Quang Dũng thấy rằng có những điểm cần phải thay đổi để phù hợp hơn với khán giả, chẳng hạn như việc rút từ 7 nhân vật chính (trong Sunny) thành 6 nhân vật chính (trong Tháng năm rực rỡ),...

Đặc biệt, với những kinh nghiệm cá nhân, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng khẳng định, nhà làm phim remake không nên cố làm cho giống hệt nhưng cũng không được quá xa rời kịch bản gốc. Đạo diễn phải thật sự chiêm nghiệm tác phẩm gốc và nhìn nhận được những gì đáng để ghi nhớ và đắp thêm những yếu tố khác để phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.

Gạt bỏ định kiến phim remake là thiếu sự sáng tạo

Nhà làm phim trẻ Khoa Phạm chia sẻ, là một du học sinh từng theo đuổi ngành điện ảnh ở phương Tây, anh cũng từng có định kiến với phim remake. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian chiêm nghiệm, Khoa Phạm nghĩ rằng, nhà làm phim nào cũng có nhu cầu kể câu chuyện của riêng mình. Vì vậy, đôi khi xem một bộ phim nào đó của nước ngoài, đạo diễn cũng có một cảm xúc muốn kể câu chuyện đó bằng tiếng nói của riêng mình.

Cũng theo Khoa Phạm, phim remake đổ bộ vào điện ảnh hiện nay là đúng thời điểm - khi mà các nhà làm phim cần tìm cho mình một cách kể chuyện phù hợp với bản thân và thị hiếu khán giả. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận định đúng đắn rằng, việc remake chỉ là một phương pháp “chữa cháy” trong quãng thời gian này và một lúc nào đó trong tương lai, nền điện ảnh Việt Nam sẽ hoàn toàn đủ vững chãi để sản xuất ra toàn bộ phim “made in Việt Nam”.

Đạo diễn Lan Nguyên (trái) và nhà làm phim trẻ Khoa Phạm trong buổi giao lưu

btc

Đồng ý với Khoa Phạm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, dù trên lý thuyết cả phim tự sản xuất hay phim remake vẫn hay. Tuy nhiên, mỗi loại phim đều đòi hỏi những yêu cầu khác nhau về sự sáng tạo. Trong quãng thời gian qua, khi thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt những bộ phim điện ảnh hay, phim remake thật sự là một môi trường tốt để các biên kịch, đạo diễn hiện nay có cơ hội cọ xát và sáng tạo trên nền những kịch bản tốt vì để sáng tạo từ đầu là một điều vô cùng khó khăn.

Tại thị trường Việt Nam, phim remake hiện chỉ đang là một chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề khan hiếm kịch bản hay thuần Việt. Vì vậy, khán giả cần có cái nhìn thoáng hơn và đón nhận tích cực về dòng phim này cũng như là một cách để ủng hộ các nhà làm phim trẻ vẫn đang loay hoay trên con đường tìm kiếm cách kể chuyện riêng cho mình. Bên cạnh đó, các biên kịch, đạo diễn cũng không nên quá lạm dụng phim remake mà chỉ nên xem đây là một bước đệm vững chắc giúp các họ nhận ra những ưu, khuyết điểm và cải thiện nền điện ảnh nước nhà phát triển hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.