Điện ảnh Việt năm 2018 nếu nhìn ở bề nổi thì rất xôm tụ bởi có rất nhiều bộ phim “ra lò” mỗi tháng với đủ các thể loại.
Đó là dấu hiệu đáng mừng bởi khán giả sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Đạo diễn Dustin Nguyễn cho biết: “Điện ảnh Việt những năm gần đây khá phát triển khi mỗi tháng cũng có 5 - 6 phim ra mắt. Các nhà làm phim Việt cũng có sự phát triển trong làm nghề, kịch bản cũng đa dạng. Tuy nhiên lại không có nhiều phim thành công về doanh thu”.
|
Một năm qua có thể kể đến những bộ phim tạo được sự đột phá về doanh thu cũng như chất lượng như Siêu sao siêu ngố, 798 Mười, Tháng năm rực rỡ, Chàng vợ của em… Nhưng yếu tố làm nên sự tò mò để khán giả đến rạp không hẳn là sự vượt trội về chất lượng mà là dựa vào những “cái tên phòng vé” như Trường Giang, Thái Hòa, Kiều Minh Tuấn… và những đạo diễn có nghề như Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn. Tuy nhiên, đó là những gương mặt “đã cũ”.
Và để tìm một phim mà "chạm" được đến trái tim của khán giả thì chỉ hiếm hoi có vài phim đếm trên đầu ngón tay kiểu như Tháng năm rực rỡ.Mà đáng nói lại là kịch bản của phim này lại chuyển thề từ kịch bản phim thành công của Hàn Quốc. Nói như thế để thấy chất liệu để làm phim điện ảnh Việt chất lượng không màu mỡ như “bề nổi” của nó.
|
Còn nếu để nói đến những bộ phim thất bại về doanh thu trong năm qua, làm một phép so sánh chắc hơn 2/3 tổng số phim được sản xuất. Trong đó có những bộ phim có yếu tố ngoại như được làm lại từ những tác phẩm ăn khách của Hàn Quốc hoặc hợp tác quốc tế như Hãy để anh yêu em, Yêu em bất chấp, Bao giờ hết ế, Kế hoạch đổi chồng, Quý cô thừa kế, Thử yêu rồi biết….Mà những cái tên đạo diễn, nhà sản xuất của các sản phẩm này đều là các gương mặt trẻ, quá mới hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim trong làng điện ảnh Việt.
Điều đáng nói ở đây là nhà sản xuất, đạo diễn của những bộ phim ấy cứ làm phim kiểu “cố đấm ăn xôi”, theo kiểu trào lưu “sính ngoại” mà không nắm bắt tình hình thực tế của thị trường điện ảnh Việt.
|
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận có vài bộ phim không chạy theo số đông và được đánh giá có sự đột phá về nội dung và tính nghệ thuật nhiều hơn giải trí như Song Lang, Nhắm mắt thấy mùa hè, Ống kính sát nhân, Lời kết bạn chết chóc…nhưng lại thất bại về mặt doanh thu. Dù vài phim trong số này nhận được không ít giải thưởng tại các LHP quốc tế.
Đây là một thực tế đáng buồn mà nguyên nhân không thành công cũng do nhiều yếu tố: kịch bản không quá xuất sắc, diễn xuất diễn viên chưa tới và sự thử nghiệm những thể loại phim với nội dung mới lạ, phá vỡ khuôn mẫu như thế này lại là “món ăn không quen” với thị trường điện ảnh Việt.
Đạo diễn Dustin Nguyễn nhìn nhận thẳng thắn: “Tôi không thích nâng lên kiểu dòng phim nghệ thuật hay phim đoạt giải thưởng quốc tế. Những phim này nếu chỉ có lác đác vài khán giả đến rạp để xem thì xem như thất bại”.
Như vậy có thể nói, điện ảnh Việt đang có cuộc chạy đua "quá nhanh, quá nguy hiểm" giữa một thị trường điện ảnh chưa thực sự được chắt lọc và nhắm đúng vào thực tế, xu hướng và thị hiếu khán giả. Nếu không có sự “thanh lọc” mà cứ tiếp tục sản xuất những bộ phim theo kiểu “chạy đi rồi tính” thì biết đâu lại nhận “cái kết đắng”.
Cần có một sự thức tỉnh để nhìn thực tế của giới làm phim và nhà sản xuất để điện ảnh Việt không bị thoái trào.
Bình luận (0)