Dù “người trong cuộc” vô tình hay cố ý thì những sản phẩm này tung ra cũng tạo nên những “cơn sóng” về văn hóa… nghe nhìn, ảnh hưởng đến nhận thức và ý thức của người trẻ trong xã hội.
Nói về những ca khúc thời gian qua đã “gây bão” dư luận với những tựa đề, ngôn từ phản cảm như: Thu dầm, Nắng cực, Như lời đồn, Như cái lò… thì đã có rất nhiều nhà chuyên môn lên tiếng về sự tục tĩu trong cách sử dụng ngôn từ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận xét: “Những ai có tư duy ngông cuồng, thô tục sẽ không thể theo nghề dài lâu. Họ không trân trọng giá trị đích thực của âm nhạc. Sản phẩm chỉ là cái cớ để họ đạt được danh lợi, tiền bạc, sự nổi tiếng”. Hay nhạc sĩ Lê Minh Sơn không ngại gọi những ca khúc có cách đặt tựa gây chú ý này là: “Cách nói lái trơ trẽn”.
Thật ra trong giới giải trí, chuyện muốn gây chú ý bằng cách “tạo sốc” cũng dễ dàng bởi người của công chúng vốn dễ bị soi. Nhưng để sản phẩm nghệ thuật đó “sống” được lâu dài thì “chiêu trò” chỉ là tạm bợ, một “cái chết” từ từ đã báo trước. Bởi vậy, ca sĩ Trịnh Thăng Bình đã thẳng thắn khi cho rằng: “Trào lưu sẽ lụi tàn theo thời gian nhưng hình ảnh không sạch sẽ bám đuổi theo nghệ sĩ cả sự nghiệp”.
Hình ảnh trong MV của các nghệ sĩ trẻ tung ra trong thời gian gần đây cũng tạo nên “búa rìu” dư luận bởi khi nghe - nhìn, khán giả sẽ “đập vào mắt” những hình ảnh gây sốc, thậm chí hơi “mát mẻ” và mang tính khiêu dâm như MV vừa ra mắt gần đây của nữ ca sĩ C.P.
Dù đạt tỉ lệ hút view rất cao sau vài ngày phát hành nhưng người xem không khỏi bị “nhức mắt” bởi những hình ảnh gợi dục từ chính “chủ nhân” như mặc đồ xuyên thấu, bán nude, động tác khiêu khích… khi đóng cùng nhân vật nam trong MV. Một độc giả nhận xét: “Những động tác cởi mở, gợi dục quá đà của bạn trong MV thật sự rất phản cảm, mình thực sự không hiểu những cảnh quay bỏng mắt đó có ý nghĩa gì nữa".
Điều đáng bận tâm chính là những sản phẩm gây sốc ấy, có nội dung phản cảm ấy được tung ra từ những người làm văn hóa… với những cái tên đã có ít nhiều vị trí trong giới giải trí như B.A, C.P, K.H, N.T.T.Q… Thật không hiểu sao lại có thể dễ dãi khi chọn lựa để cho ra mắt những “đứa con tinh thần” của mình như vậy được!
Những “hiệu ứng” từ các sản phẩm được cho là văn hóa - giải trí ấy đã phần nào đẩy tư duy của người trẻ khi tiếp nhận có thể đi theo một hướng lệch lạc không thể kiểm soát. Và điều đáng ngại nhất là hình thành nên một nền văn hóa nghe nhìn... phi văn hóa.
Bình luận (0)