Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên tranh: Tại sao việc thiện lại bị lờ đi?

17/10/2018 10:50 GMT+7

Vụ việc Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên... ký tên lên tranh được đấu giá làm từ thiện thu hút nhiều ý kiến. Mục Tôi viết đăng tải một số ý kiến của độc giả gửi về.

Cư dân mạng đang có ngày đầu tuần sục sôi khí thế khi mang vấn đề các nghệ sĩ như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng… ký tên lên tranh được đấu giá làm từ thiện để tranh cãi.
Số là, trong một buổi nhiều nghệ sĩ hát từ thiện gây quỹ ủng hộ cho diễn viên Lê Bình, Mai Phương bị ung thư, một bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình được tặng cho chương trình. Bức tranh này được đấu giá thành công. Mạnh thường quân sau khi mua bức tranh đã ra cánh gà, nhờ anh em nghệ sĩ ký tên vào bức tranh làm kỷ niệm.
Bầu chọn
Theo bạn, hành vi ký tên lên tranh của các nghệ sĩ có đáng bị phê phán hay không?
Các nghệ sĩ, trong đó có Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng vô tư ký. Những bức ảnh chụp các nghệ sĩ ký bằng bút lông lên mặt trước của bức tranh lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội. Giống như nhiều vụ “hot” khác trên Facebook, người ta lập tức chia nhau làm hai phe. Người kịch liệt phản đối cách làm phi nghệ thuật, phá hủy tác phẩm hội họa, bị coi là cấm kỵ trong giới mỹ thuật, người thì cho rằng cách làm này bình thường, mua tranh rồi làm gì là quyền của người ta…
Cho đến sáng 15.10, độ nóng của vụ ký tên lên tranh vẫn chưa hạ nhiệt khi mà nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải lên Facebook trần tình vụ việc và xin lỗi họa sĩ Hứa Thanh Bình, anh cho rằng mình là ca sĩ chứ không phải họa sĩ, nên vấn đề thưởng tranh và những điều cấm kỵ trong mỹ thuật không thể rành rẽ, do vậy, mong sự tha thứ và bỏ qua của tất cả mọi người vì “không biết thì không có tội”.
Đặt mình vào vị trí của Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên, tôi cũng cảm thấy thông cảm cho các nghệ sĩ. Họ đang làm việc thiện (hát gây quỹ, đấu giá tranh để lấy tiền giúp cho các nghệ sĩ khác đang chữa bệnh) thế nhưng lại bị săm soi, phán xét bằng những từ ngữ hết sức khó nghe của nhiều người.
Chúng ta thường mắc một bệnh rất xấu, đó là hay tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của vấn đề để bình luận, đánh giá người khác. Còn ở đây, góc độ thiện chí, sự tốt lành của câu chuyện, là Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên và nhiều nghệ sĩ khác có cái tâm tốt đẹp, gây quỹ lấy tiền chữa bệnh cho người, làm chuyện đẹp cho đời, tại sao việc thiện lại bị lờ đi?
Ca sĩ Lệ Quyên ký lên tranh DUY ANH
Việc ký lên tranh của Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên và nhiều nghệ sĩ khác có thể là điều cấm kỵ, gây tổn thương cho tác giả bức tranh đó, họ đã biết lỗi và xin lỗi.
Vậy mà cho đến sáng nay (17.10), nhiều Fanpage, hội, nhóm dẫn lại các bài viết có ý kiến của Đàm Vĩnh Hưng và người đi qua, kẻ đi lại vẫn tiếp tục buông những lời thậm tệ cho những người ký tên lên tranh. So sánh giữa việc ký tên lên tranh, và việc chửi rủa người khác, dù chửi ở trên mạng xã hội, việc nào xấu hơn?
Phản biện xã hội là tốt, có những vụ việc cần sự lên tiếng của cả cộng đồng để một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy nhiên tôi không cho rằng ngồi đó, làm anh hùng bàn phím, chửi bới ông này, hạ nhục bà kia sẽ khiến bạn được tăng lương, ví bạn sẽ dày thêm và vòng eo của bạn sẽ giảm đi vài centimet!
Tôi nhớ ai đó từng viết trên mục Tôi viết về thói quen xấu của khá nhiều người, đó là chửi hội đồng, “auto chửi”, thấy ai chửi thì cũng hùa theo mà chẳng rõ ràng bản chất vấn đề là gì.
Tôi quan niệm, nên làm tốt nhất công việc của mình và quên đi nhiệm vụ “giải cứu trái đất” mà một số người tưởng tượng mình đang gánh vác.
Xã hội sẽ thật sự tốt đẹp hơn, nếu như ai cũng nỗ lực, vì một cuộc sống đẹp hơn chứ không phải chỉ ngồi đó, gõ phím và chửi rủa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.