Nhân xem bom tấn 'Aquaman', nghĩ về phim Việt

20/12/2018 10:54 GMT+7

Khán giả Việt Nam đang kháo nhau ra rạp xem cho bằng được bộ phim bom tấn Aquaman: Đế vương Atlantis Extended, khiến các rạp Việt cháy vé; ngay cả suất khuya của ngày thứ hai 17.12, các rạp chiếu đều không còn trống một chỗ.

Doanh thu của Aquaman trong ngày đầu chiếu tại Việt Nam (13.12) lên tới 9 tỉ đồng. Sau 3 ngày cuối tuần qua, phim đã mang về gần 40 tỉ đồng từ phòng vé tại Việt Nam, và hiện phim vẫn đang tạo nên "cơn sốt". Phải nói, chúng ta đều không lạ gì khi phim bom tấn Mỹ đạt được doanh thu cao. Nhưng khi đi xem bộ phim Aquaman này, khán giả yêu điện ảnh Việt mới giật mình nhìn lại và nghĩ về phim Việt.
Aquaman hay và xuất sắc ở rất nhiều cảnh kỹ xảo hoành tráng là điều không bàn cãi, nhưng cái đáng nói là trong câu chuyện có nội dung siêu nhiên tưởng như xa rời thực tế, các nhà làm phim Hollywood vẫn biết cách làm cho bộ phim mềm mại, gần gũi với khán giả khắp mọi nơi trên trái đất này.
Mở đầu phim là một câu chuyện tình lãng mạn và mùi mẫn còn hơn cả kiểu phim ướt át của Hàn Quốc khi ngôi sao Nicole Kidman hóa thân thành nữ hoàng đại dương Atlanta, chạy trốn người chồng sắp cưới mà cô không yêu, để rồi có mối tình sóng gió với nam nhân trên mặt đất, sinh ra một cậu con lai giữa loài người và dân Atlantis. Vì bị truy bắt, cô đành giã từ con và chồng nhằm bảo vệ mạng sống cho họ, để trở về biển cả làm vợ người ta.
Đứa con lai lớn lên (do tài tử có thân hình cao lớn Jason Momoa đóng), với sức mạnh siêu nhiên, vượt qua những thử thách, cuộc chiến với em trai cùng mẹ khác cha của mình, bằng tấm lòng nhân hậu, không màng quyền lực, chỉ một lòng vì đại nghĩa, anh đã được đấng tối cao chọn làm vị hoàng đế duy nhất thống lĩnh 7 vương quốc dưới biển…
Cảnh đầu phim với chuyện tình giữa người cá và người trần Ảnh cắt từ màn hình
Lồng ghép trong câu chuyện phim là những thông điệp của thời sự hiện tại: việc con người tàn phá đại dương, rừng núi, xả đủ mọi loại rác thải xuống biển, gây ô nhiễm môi trường… Phim mang đậm tính giải trí, hình ảnh mãn nhãn và các pha hành động, chiến đấu dữ dội đến choáng ngợp.
Các nhà làm phim Mỹ “hay” ở chỗ liên tục tạo ra sức cuốn hút trên màn hình bằng cách cứ ít phút lại có “chiêu” mới khiến người xem không thể rời mắt.
Nói đến đây, vì là người Việt, yêu điện ảnh Việt nên không ít người đã ngẫm mà buồn!
Phim Việt chúng ta mãi đến nay, dù là phim nức tiếng có doanh thu cao nhất là Em chưa 18 thì độ đầu tư hay dàn dựng cũng phải nói là rất hời hợt, nói chi đến những bộ phim hài nhảm, nhạt, rẻ đến một cách vô vị.
Tất nhiên, sẽ có người bênh là “tiền nào của đó” vì kinh phí phim Việt có vài tỉ đồng thì làm sao so với phim có kinh phí 200 triệu đô la Mỹ.
Thế nhưng, cái quan trọng nhất là khán giả - người xem cũng bỏ cùng một số tiền mua vé là 100.000 đồng/ vé để bước vào rạp, thì liệu họ sẽ chọn cho mình món giải trí nào giữa phim Việt và phim ngoại?
Nếu họ chọn phim Việt thì quả là họ đã có tình yêu rất lớn với điện ảnh nước nhà. Họ đã ủng hộ và luôn mong điện ảnh Việt ngày càng phát triển hơn, phim chất lượng hơn. Thế nhưng, điều họ nhận được là gì? Phim Việt dở cứ nối dài nhau ra rạp khiến quá nhiều người ngán ngẩm và mất lòng tin. Tư duy làm phim Việt của các nhà sản xuất và đạo diễn cứ mãi theo kiểu “ăn xổi ở thì”, làm qua quýt, hời hợt, vội vàng với số kinh phí càng ít càng tốt. Và bộ phận PR truyền thông cứ ra sức tung chiêu bằng các scandal, rồi hotgirl, hotboy lộ hàng, cảnh nóng… hòng thu hút sự chú ý tò mò của khán giả để mong hốt bạc kiếm lời.
Điều công chúng mong chờ nhất chính là tư duy của các nhà sản xuất, đạo diễn phim Việt phải luôn "mở", học hỏi và sáng tạo hơn nữa; phải luôn nghĩ ra những chiêu trò mới mẻ để làm sao thu hút từng khán giả trước màn hình, trước những hình ảnh hiện trên phim chứ không phải là những chiêu trò ồn ào bên ngoài bộ phim.
Nhân Aquaman, thấy rõ “cái đầu” của những người thực hiện phim đó, thì mới chạnh lòng nghĩ tới liệu điện ảnh Việt còn mấy đạo diễn còn đau đáu, luôn đắm say, suy tư, nghĩ sâu, nghĩ nhiều cho bộ phim của mình trước khi bấm máy và khởi chiếu ở rạp để thu tiền khán giả?
Nói đi thì cũng nói lại, thật sự điện ảnh Việt cũng còn người có “cái đầu”, còn người có cái tâm với phim, kiểu như Victor Vũ khi làm phim Người bất tử với một đề tài mới so với các phim Việt khác. Victor Vũ cũng đã ráng sức, tâm huyết làm cho phim mình cứ vài phút là có chuyện cho khán giả xem trên màn ảnh, bắt kịp xu thế và cách làm phim của nước ngoài; thế nhưng rốt cuộc bộ phim ấy đã đạt được hiệu quả như thế nào, doanh thu ra sao? Đó là ngoài một vài lời khen tặng, bộ phim im lặng và mất hút khỏi rạp chiếu với doanh thu chắc chắn không làm hài lòng nhà sản xuất.
Phải chăng, với khán giả Việt họ đã quen xem phim Việt kiểu không có gì trong phim và khi chọn phim Việt để xem ở rạp thì họ đã biết chắc trong đó không có gì, xem chỉ là để ủng hộ, để cho biết phim như thế nào theo dòng truyền thông. Còn khi muốn giải trí mãn nhãn với điện ảnh thực thụ thì họ sẽ đến với phim bom tấn ngoại?
Liệu đến bao giờ thì mới có sự thay đổi trong cách nghĩ này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.